Triển vọng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh

16:24, 16/10/2009

HGĐT- Cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh. Sản xuất công nghiệp giảm mạnh, giá trị sản xuất 9 tháng qua chỉ được 532,5 tỷ đồng, đạt 48,3% kế hoạch năm, giảm gần 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhiều sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhưng, vượt lên khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động đầu tư, tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm tiếp theo.


 

Thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Chừng.


Nỗ lực vượt khó

Công ty TNHH Sơn Lâm là doanh nghiệp địa phương sớm mở rộng đầu tư sang ngành công nghiệp năng lượng - lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Mấy năm gần đây, Công ty đang tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện sông Chừng và tiến hành các thủ tục, chuẩn bị đầu tư xây dựng thủy điện trên sông Lô. Ông Phạm Công Nhân, Giám đốc công ty cho biết: Nhà máy thủy điện sông Chừng có tổng công suất lắp máy 19,5 MW, sản lượng điện hàng năm đạt 63,42 triệu Kwh, tổng vốn đầu tư trên 374,8 tỷ đồng. Trong lúc doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ thi công thì hàng loạt biến cố đã xảy ra như khủng hoảng kinh tế thế giới làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sau đó nền kinh tế lại bước vào thời kỳ suy thoái. Vì vậy, việc đầu tư mua nguyên, vật liệu phục vụ quá trình xây dựng cơ bản, nhập khẩu máy móc triển khai dự án cũng bị ảnh hưởng. Tuy yếu tố ngoại cảnh tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư nhưng Công ty nhanh chóng đề ra nhiều giải pháp vượt khó, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Đến nay, các công trình phụ trợ phục vụ thi công Nhà máy thủy điện sông Chừng như đường công vụ, nhà quản lý điều hành, đường điện 35 KV, trạm trộn, cẩu tháp, xưởng cơ khí, đường điện 110Kv…đã hoàn thành, vận hành hiệu quả. Khối lượng đất, đá đào đắp để thi công đập đạt khoảng 280 nghìn m3/tổng số 283 nghìn m3, đạt 99% khối lượng. Thi công được gần 100 nghìn m3 bê tông đập/150,117 nghìn m3, đạt hơn 67% khối lượng. Hoàn thành việc gia công đường ống áp lực bằng thép với tổng chiều dài 240 m, trọng lượng 292 tấn. Khoan chống thấm được 8.100 m/8.965 m, đạt hơn 90% khối lượng. Đã nhập khẩu một số máy móc, thiết bị trị giá trên 3,3 triệu USD, đạt gần 70% giá trị máy móc. Hiện nay, Công ty đang triển khai thi công nhà máy và tiến hành tuyển dụng cán bộ vận hành, đảm bảo tốt các điều kiện phát điện vào năm tới.


Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của suy thoái kinh tế. Giá các loại quặng liên tục tụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động chờ thời cơ mới. Trong bối cảnh đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp đến tỉnh ta tìm hiểu môi trường đầu tư, triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy mới thành lập văn phòng đại diện tại Hà Giang nhưng Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đang khẳng định vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Huy Lợi, Trưởng văn phòng đại diện Tổng Công ty Đông Bắc tại Hà Giang cho biết: Tổng Công ty Đông Bắc được thành lập năm 1996 với 17 ngành nghề kinh doanh, trong đó có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Văn phòng đại diện tại Hà Giang có nhiệm vụ giúp Tổng Công ty phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh khoáng sản. Đến đầu tư tại Hà Giang, Tổng Công ty được tỉnh đồng ý cho phép thăm dò, khai thác mỏ sắt Thầu Lũng, xã Giáp Trung (Bắc Mê), trữ lượng 8,5 triệu tấn, thời gian hoạt động 26 năm, tổng giá trị đầu tư 145 tỷ đồng; mỏ Mangan Khuổi Lịch, Nà Bó, Nà Duộc xã Giáp Trung và một số mỏ trên địa bàn huyện Bắc Quang, Vị Xuyên. Đối với những mỏ đã đầy đủ thủ tục pháp lý, Tổng Công ty đang tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm đưa vào khai thác, phục vụ quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.


Triển vọng mới

Phải khẳng định, quá trình đầu tư vào một số lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn đã thẩm định thiết kế cơ sở 15 dự án khai thác, chế biến khoáng sản; 43 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật. Trong lĩnh vực thủy điện, có 43 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, 19 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang tổ chức thi công, 24 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. 43 dự án được chấp thuận đầu tư có tổng công suất lắp máy 650 MW, đạt trên 94% công suất; vốn đầu tư xây dựng trên 13 nghìn tỷ đồng; điện năng sản xuất trung bình 2.728 triệu kWh/năm; giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.637 tỷ đồng... Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay đạt thấp, chỉ được 532,5 tỷ đồng, đạt 48,3% kế hoạch năm, giảm 13,65% so với cùng kỳ năm trước.


Từ thực trạng đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp, cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Từ nay đến cuối năm, tỉnh chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp như: Hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, ni-ken, molipden đến 2015, có xét đến 2025. Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch 2 nhà máy luyện gang, thép có tổng công suất khoảng 500 nghìn tấn/năm; bổ sung 1 nhà máy luyện Feromangan tại xã Trung Thành (Vị Xuyên), xây dựng 2 nhà máy Feromangan, mỗi nhà máy có công suất từ 10-15 nghìn tấn/năm… Thực hiện tốt công tác quản lý, giao điểm mỏ, cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản vàng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện đã và đang thi công như sông Miện I, sông Bạc, Nho Quế I, Nho Quế III, Nậm Ly I, sông Chừng, Thái An...hoàn thành, phát điện nhà máy thủy điện Suối Sửu I, II.

Quá trình phát triển ngành công nghiệp của tỉnh có lúc trầm, lúc bổng và chịu tác động rất lớn từ ngoại cảnh. Nhưng, khủng hoảng kinh tế là quá trình thanh lọc hiệu quả, chỉ những doanh nghiệp thực sự có tiềm năng, đầu tư bài bản mới vượt qua được khó khăn. Có thể trong giai đoạn hiện nay, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp khó đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra nhưng với sự nỗ lực triển khai dự án của các nhà đầu tư, việc hoàn thiện, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành…sẽ là sức bật mạnh mẽ cho những năm tiếp theo và tiếp tục mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp của tỉnh trong tương lai gần.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa tại xã Tùng Bá
HGĐT- Sáng 29.9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa vụ mùa.
30/09/2009
Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về thuế
HGĐT- Nhằm chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc việc thực hiện các chính sách, pháp luật thuế đối với các doanh nghiệp, ngày 29.9.2009, Cục thuế tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách thuế; tham dự hội nghị có 25 doanh nghiệp kinh doanh thuộc các ngành nghề trong tỉnh.
30/09/2009
Đề cử 9 doanh nghiệp tham gia bình xét danh hiệu “Doanh nhân Hà Giang tiêu biểu” năm 2009
HGĐT- Vừa qua, Hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức lựa chọn, bình xét doanh nhân Hà Giang tiêu biểu năm 2009.
30/09/2009
Vai trò của cây cao su trong phát huy giá trị của đất lâm nghiệp và thay đổi tư duy sản xuất
HGĐT- Tỉnh ta có diện tích đất lâm nghiệp trên 550 ngàn ha. Nhiều năm qua, với sự quan tâm, khuyến khích của Nhà nước, lâm nghiệp đã không ngừng được đẩy mạnh, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
28/09/2009