Hiệu quả nguồn vốn đầu tư ở những xã biên giới
HGĐT- Đa phần các xã biên giới của tỉnh ta đều nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện canh tác, sinh hoạt khó khăn, nhưng nhờ sự đầu tư từ các nguồn vốn của T.Ư như Chương trình 134, 135 và 120 nên hệ thống đường giao thông, đường điện, trụ sở làm việc của những xã biên giới được xây dựng kiên cố, khang trang.
Công trình trường Tiểu học xã Tùng Vài (Quản Bạ) đang được đầu tư xây dựng.
|
Hệ thống đường giao thông, đường điện, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng đã góp phần rút ngắn khoảng cách về phát triển KT-XH, văn hoá và địa lý giữa các vùng, miền, xã biên giới với các trung tâm KT- XH khác.
Đã nhiều lần đến với các xã vùng biên giới tìm hiểu đời sống, sản xuất của người dân, tôi nhận thấy sự trăn trở của các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến xã, làm gì để đưa đời sống đồng bào các xã vùng biên giới phát triển, vừa phát triển kinh tế vùng chắc vừa đảm bảo AN-QP trên địa bàn, vì đây cũng là định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Và những trăn trở này đã phần nào được giải quyết khi tỉnh ta được T.Ư hỗ trợ bằng cách triển khai các chương trình, dự án trọng điểm tại các xã biên giới. Chương trình 120 đầu tư cho 34 xã, thị trấn biên giới nhằm nâng cao đời sống, phát triển KT- XH, AN-QP thực sự phát huy hiệu quả. Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi xã biên giới được đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng từ chương trình này. Số tiền đầu tư đã tạo sự chuyển biến tích cực nhưng chưa thực hiện được mục tiêu phát triển toàn diện cho các xã biên giới. Nguyên nhân chính do điều kiện ở những xã này rất khó khăn, có nhiều hạng mục, nhiệm vụ cần giải quyết. Vì vậy, với số tiền đầu tư đó, mỗi năm cũng chỉ làm được một vài công trình với khối lượng nhỏ nên chưa tạo được chuyển biến lớn. Để tạo sự chuyển biến nhanh, toàn diện bộ mặt nông thôn ở các xã biên giới, tỉnh ta đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường điện, trường học, trạm y tế, hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng biên giới và di dân ra nơi có điều kiện phát triển. Cách làm này đã tạo nên sự thay đổi lớn, toàn diện hơn về cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân vùng biên.
Tính từ năm 2006 đến năm 2008, tổng nguồn vốn đầu tư từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, Chương trình 135 cho các xã biên giới ước đạt trên 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn đầu tư (chưa tính nguồn vốn của các bộ, ngành T.Ư đầu tư), bình quân mỗi xã đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm, từ đó đã có 212 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, trong đó có 49 công trình giao thông, chủ yếu tập trung cho các tuyến đường ra biên giới. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 38 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Thanh toán bằng nguồn vốn cứng hoá trường, lớp học cho 41 công trình nhà lớp học 2 tầng đã hoàn thành, 10 trạm y tế xã 2 tầng, 18 công trình điện, 15 công trình quản lý nước và lĩnh vực khác. Cùng với việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn còn đầu tư hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất ở các xã biên giới. Vì vậy nhân dân các xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo định hướng của tỉnh. Việc lồng ghép nguồn vốn định canh định cư và Dự án trồng 5 triệu ha rừng, tập trung cho việc trồng, chăm sóc rừng biên giới, khoanh nuôi, phục hồi và bảo vệ rừng, khai hoang nương xếp đá đã giải quyết được những khó khăn trước mắt trong cuộc sống của người dân và đang hướng tới sự phát triển bền vững.
Phải khẳng định các nguồn vốn đầu tư cho các xã biên giới đã phát huy hiệu quả cao. Đến hết năm 2008, thực hiện chương trình ổn định dân cư ở các xã biên giới, toàn tỉnh có 6.916 hộ được ổn định dân cư tại chỗ và vào vùng tập trung; khai hoang phục hoá được 845,9 ha đất sản xuất; trồng mới được 2.998,8 ha cây lương thực. Bên cạnh đó, sự kết hợp nguồn vốn từ Chương trình 134,135, gần đây là Chương trình 30a của Chính phủ để đầu tư với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, cung cấp nước sinh hoạt...đã góp phần giải quyết được những khó khăn của người dân. Các chương trình đầu tư đã phù hợp với đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của các chương trình rất thiết thực nên đã tạo ra được những thay đổi lớn trong đời sống người dân các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Từ sự đầu tư đó, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng của 34 xã, thị trấn vùng biên giới của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân và hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã. 100% các xã biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có từ 1 - 2 trường lớp học kiên cố 2 tầng; có điện lưới Quốc gia, có trụ sở làm việc 2 tầng; thu nhập bình quân đầu người ở các xã biên giới đạt trên 3 triệu đồng/người/năm... Đây là những tiền đề quan trọng, tạo động lực để các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa từng bước vươn lên phát triển KT- XH, giữ vững an ninh - chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia.
Ý kiến bạn đọc