Hiệu quả của đề tài sản xuất hạt giống lúa ở Bắc Quang
HGĐT- Trong những năm gần đây các giống lúa thuần chất lượng cao đã được nhân dân trong huyện Bắc Quang đưa vào gieo cấy chiếm 30% diện tích lúa nước của huyện. Các giống lúa này đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.
Các hộ bà con thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc (BQ) dự chương trình tập huấn quy trình thu hoạch lúa giống. |
Tuy nhiên nguồn giống lúa thuần chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trên địa bàn huyện. Để đáp ứng nhu cầu giống lúa chất lượng cao cho sản xuất của huyện, vụ Mùa 2009, huyện Bắc Quang đã hợp tác cùng Viện nghiên cứu lúa – Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai thực hiện Đề tài: “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7”, với mục đích sản xuất đủ lượng giống lúa chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn huyện nói riêng và tiến tới trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.
Được tham dự buổi tập huấn quy trình thu hoạch và bảo quản khi sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7 của 70 hộ bà con nông dân thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, nghe bà con trao đổi với nhau: Thửa ruộng nhà anh Trần Văn Nhượng, UBND huyện tổ chức Hội nghị đầu bờ và gặt thí điểm, năng suất chỉ là năng suất trung bình thấp của cả thôn chúng ta, vì thửa ruộng này kém hơn nhiều thửa ruộng khác chứ nếu thích thành tích thì UBND huyện phải đi sâu vào trong thôn và lấy thửa ruộng của nhà ông Quỳnh trưởng thôn làm điểm thì năng suất gặt thí điểm chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Nhưng năng suất thửa ruộng của nhà ông Nhượng nói riêng và nhiều hộ khác trong thôn nói chung, như thế cũng đã quá đạt yêu cầu rồi. Vì như ông Tiến sỹ Vũ Hồng Quảng, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu lúa, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lên dự tuyên bố, thì với năng suất gặt thí điểm ở thửa ruộng trung bình của thôn đã cho thu hoạch 10 tấn thóc tươi/ha, trừ đi 20% tỷ lệ hao hụt sau khi phơi khô thì năng suất bình quân mô hình sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7, của bà con thôn chúng ta đạt tới 8 tấn thóc thịt/ha, năng suất này là năng suất cao nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ, dù đây là nơi có trình độ thâm canh lúa nước được nhận định là đi trước bà con nông dân tỉnh ta hàng vài chục năm.“à ông Quỳnh này, tại sao cũng điều kiện sản xuất, thâm canh như nhau mà ruộng nhà ông với ruộng các nhà khu trong thôn lại tốt hơn ruộng của các hộ ngoài này ? - Nghe mọi người hỏi, ông Trần Văn Quỳnh, Trưởng thôn Vĩnh Gia tư lự... Cũng cần phải phân tích tìm hiểu bà con ạ, vì cùng một cánh đồng và cùng một điều kiện đầu tư thâm canh như nhau, thế mà lúa ở thửa ruộng của nhà tôi lại tốt hơn ruộng lúa nhà chú Nhượng. Theo tôi yếu tố quan trọng dẫn đến sự chênh lệch về năng suất là thời điểm chăm sóc lúa (vì làm công tác chỉ đạo tôi biết). Các hộ ở trong thôn làm cỏ, bón thúc cho lúa vào thời điểm sau khi cấy 9 đến 12 ngày thì các hộ ở khu ngoài này mãi đến 15 hoặc 17 ngày sau cấy mới triển khai làm cỏ sục bùn và bón thúc, chỉ nhanh chậm vài ngày, nhưng vì thế đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và đẻ nhánh của các khóm lúa dẫn đến năng suất lúa vùng ngoài này không cao bằng”. Chủ nhà Hoàng Văn Hào sôi nổi“Đúng rồi đấy, tôi vừa xem chương trình khuyến nông được phát trên VTV 2, có đoạn ông điều phối viên Quốc gia Dự án HPM khuyến cáo là cần tiến hành làm cỏ sục bùn và bón thúc cho lúa ngay sau khi cấy từ 5 đến 6 ngày, tiếp đó 3 đến 4 ngày sau thì tháo cạn nước tại các chân ruộng có điều kiện chủ động về chế độ tưới tiêu, làm được như thế sẽ kích thích lúa đẻ nhánh nhiều và bộ dễ của lúa sẽ phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, nhờ đó vừa năng suất vừa chống được gãy, đổ. Vụ tới dù bận thế nào, tôi cũng thử áp dụng chương trình này vào thâm canh trên thửa ruộng của gia đình mình”.Ông Trưởng thôn Trần Văn Quỳnh, kết luận: Trước kết quả thành công mỹ mãn của mô hình sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7, chưa kể đến thời gian sinh trưởng của giống lúa này rút ngắn hơn so với thời gian trồng giống lúa Hương thơm 1 gần chục ngày thì với tổng mức đầu tư ban đầu cho 1 ha sản xuất hạt giống lúa nguyện chủng Bắc Thơm số 7 là 16.600.000 đồng. Hiệu quả kinh tế thu được thấp nhất của 1 ha trồng giống lua này sẽ là 7.000 Kg x 7.000 đồng = 49.000.000 đồng. Lợi nhuận thu được khi đã trừ chi phí: 32.400.000 đồng, cao hơn so với lợi nhuận thu được khi trồng giống lúa Hương Thơm 1 khoảng 5 triệu đồng/ha. Thay mặt bà con trong thôn, xin cảm ơn sự quan tâm sâu sát của các anh cán bộ khoa học ở Trung ương, của huyện và xã. Với kết quả nêu trên, nguyện vọng của bà con chúng tôi là mong muốn huyện tiếp tục triển khai nhận rộng mô hình này vào những vụ tiếp theo. Chúng tôi sẽ tuân thủ triệt để quy trình thu hoạch và bảo quản hạt giống lúa nguyên chủng Bắc Thơm số 7, như chỉ thu hoạch khi đã tiến hành khử lẫn, thu hoạch khi lúa chín hoàn toàn về sinh lý và hình thái, thu hoạch khi vào thời tiết nắng ráovà có sân phơi riêng, đảm bảo lúa giống không bị lẫn tạp các loại thóc khác giống.
Các anh Hoàng Văn Việt, Lã Văn Mạnh, Đinh Văn Tuyến... là chủ các hộ tham gia mô hình đạt năng suất cao tới trên 8 tấn/ha, tâm sự trùng với suy nghĩ của tôi: Đây là đề tài khoa học có tính hiệu quả cao và toàn diện trên địa bàn huyện Bắc Quang nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Tính hiệu quả của đề tài không chỉtính riêng về lợi nhuận bà con nông dân tham gia thực hiện mô hình thu được trong một vụ, mô hình được đông đảo đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kiến nghị, đề nghị huyện Bắc Quang tiếp tục ứng dụng và nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã trong huyện ngay trong vụ sản xuất tiếp theo. Mọi người khẳng định, trồng một vụ lúa bà con đã có lãi trên 30 triệu đồng/ha, cùng với việc chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ với công thức luân canh lạc – lúa - ngô,thì lợi nhuận của bà con nông dân thu được trên đồng đất xã thấp nhất cũng từ 70 triệu đồng/1ha trở lên trong một năm. Tôi tin vào những thông tin của bà con nông dân xã Vĩnh Phúc, vì biết rằng đây chính là xã khuôn mẫu về mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Bắc Quang.
Ý kiến bạn đọc