Đánh thức tiềm năng Cao nguyên đá lớn nhất của cả nước

16:44, 19/10/2009

HGĐT- Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn bao gồm 4 huyện: Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và Yên Minh, với tổng diện tích khoảng 2.350km2, dân số trên 25 vạn người gồm trên 20 dân tộc. Vùng đất với 3/4 là đá này trải qua hàng trăm triệu năm biến đổi địa chất, đã hình thành nên những kiến tạo tự nhiên độc đáo, với những di sản kiến tạo địa mạo, địa chất hiếm nơi nào có được.


 
 Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), điểm dừng chân hấp dẫn ở Cao nguyên đá.

Các di sản cổ sinh, địa tầng và cổ môi trường được phát hiện ở nơi đây khiến CNĐ được biết đến như là một khu vực hội tụ các đặc điểm địa chất đa dạng, hiếm có. Đến nay, đã xác định được 13 phân vị địa tầng, 17 nhóm hoá thạch cổ sinh, đa dạng về giống, loài. Các di sản đá cũng rất phong phú với sự có mặt của 19 loại đá, trong đó đá vôi chiếm 90%. Bên cạnh đó, các giá trị lịch sử, văn hoá còn được bảo lưu khá tốt với nhiều điều hấp dẫn…


Mặc dù đã được quan tâm, đầu tư của các ngành, các cấp, song do những khó khăn khác nhau về tự nhiên, địa lí... nên sự phát triển KT – XH trên CNĐ còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân hầu hết chỉ sống dựa vào nông nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hệ thống giao thông tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trước sự gia tăng dân số, sự tác động vào môi trường tự nhiên của con người ngày càng mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ biến đổi diện mạo của CNĐ…

 
Với mục đích xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) để lưu giữ lại những dấu ấn của các hiện tượng tự nhiên, giúp chúng ta có thể luận giải, xây dựng lại quá trình phát triển bề mặt vỏ trái đất. Đồng thời, khai thác CVĐC theo hướng du lịch khám phá, du lịch hiểu biết, du lịch văn hoá, phục vụ phát triển KT – XH, “đánh thức” CNĐ, biến nó trở thành một điểm nhấn của Hà Giang... Trên cơ sở đó, những năm qua Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà khoa học từ Vương quốc Bỉ, một quốc gia đi đầu về sáng kiến xây dựng CVĐC. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, các bộ, ngành chức năng của Trung ương và tỉnh Hà Giang đang nỗ lực để thực hiện dự án xây dựng CVĐC - CNĐ Đồng Văn trở thành một CVĐC quốc gia và tiến tới đệ trình lên Unesco xem xét, công nhận trở thành di sản quốc tế.

 
Hiện nay, trên thế giới có 58 CVĐC thuộc 18 quốc gia đã được Unesco công nhận và có những nước ở gần chúng ta rất thành công trong việc xây dựng CVĐC là Malaysia, Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng, ở Việt Nam có nhiều địa điểm có thể xây dựng CVĐC, nhưng với CNĐ Đồng Văn trở thành nơi có đủ điều kiện nhất để triển khai dự án CVĐC. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới mẻ với nước ta, vì thế vấn đề hợp tác trong việc xây dựng CVĐC là rất cần thiết. Với ý nghĩa đó, việc tỉnh ta tổ chức Hội thảo quốc tế xây dựng CVĐC – CNĐ với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các chính khách của các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng CVĐC như: Bỉ, Italy, Đức, Trung Quốc, Malaysia, Uỷ ban châu Âu… trong tháng 9 vừa qua là một bước quan trọng giúp cho chúng ta có thêm cơ hội nhằm xây dựng thành công CVĐC đầu tiên và làm tiền đề cho việc xây dựng chuỗi CVĐC trong cả nước.


Việc chúng ta tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng CVĐC Cao nguyên đá ngay tại huyện Đồng Văn vừa qua thể hiện rõ sự nỗ lực của các ngành, các cấp đối với việc xây dựng CVĐC đầu tiên của nước ta. Trên cơ sở đó, các chuyên gia trong và ngoài nước đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu mới về đặc điểm và giá trị của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời các đại biểu cũng khẳng định những giá trị của CNĐ Đồng Văn xứng đáng để được công nhận là CVĐC quốc gia và thế giới.


Có thể nói, sự đầu tư lớn của Trung ương những năm qua cùng với những chính sách phát triển KT – XH của các địa phương đã từng bước đánh thức những tiềm năng của CNĐ Đồng Văn. Một trong những tiềm năng được khơi dậy mạnh nhất chính là du lịch. Thực tế cho thấy, việc xây dựng các khu bảo tồn địa chất có ý nghĩa quan trọng cho bảo vệ môi trường sống của con người, tạo lập sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, chống ô nhiễm môi trường với bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, làm cơ sở cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững. Các nhà khoa học, các nhà quản lí cho rằng, việc xây dựng CVĐC là vấn đề mới của Việt Nam, do đó, để có thể hướng tới việc trở thành một công viên địa chất quốc tế, thì cần phải có nhiều sự hợp tác của các nhà khoa học, của cấp uỷ, chính quyền và người dân. Việc xây dựng CVĐC cần phải đảm bảo phát huy, bảo tồn các di sản văn hoá, gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái nhằm tạo ra sự phát triển bền vững…


Với quyết tâm xây dựng CNĐ Đồng Văn trở thành CVĐC và là điểm nhấn của Hà Giang, đồng thời phát huy những giá trị của CVĐC CNĐ trong việc phát triển KT – XH bền vững, đồng chí Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, xây dựng CVĐC là yêu cầu cấp thiết và khách quan, có tính hiện thực cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Giang cũng như cả nước. Từ những kết quả nghiên cứu, xây dựng trong thời gian qua, tỉnh sẽ nỗ lực để tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KT – XH có tính đến 2020, gắn với việc xây dựng CVĐC. Tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng CVĐC, phát triển kinh tế hài hoà. Tiếp tục bảo vệ giữ gìn các di sản văn hoá, gắn con người với thiên nhiên. Sớm thành lập CVĐC và Ban quản lí. Để nước ta nói chung và Hà Giang nói riêng xây dựng thành công CVĐC đầu tiên, tỉnh rất mong các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, chia sẻ với Hà Giang để có thể hoàn thành sớm nhất dự án CVĐC trình Unesco công nhận vào năm 2010.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa tại xã Tùng Bá
HGĐT- Sáng 29.9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa vụ mùa.
30/09/2009
Bưu điện tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính
HGĐT- Là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, sau gần 2 năm chia tách Bưu chính và Viễn thông, Bưu điện tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và mục tiêu phát triển KT-XH.
19/10/2009
Hiệu quả nguồn vốn đầu tư ở những xã biên giới
HGĐT- Đa phần các xã biên giới của tỉnh ta đều nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện canh tác, sinh hoạt khó khăn, nhưng nhờ sự đầu tư từ các nguồn vốn của T.Ư như Chương trình 134, 135 và 120 nên hệ thống đường giao thông, đường điện, trụ sở làm việc của những xã biên giới được xây dựng kiên cố, khang trang.
19/10/2009
Ðiều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường
Nghị định số 84/2009/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, điều kiện sản xuất xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu và giá bán lẻ xăng dầu.
19/10/2009