Cần đầu tư giống và kỹ thuật cho nông dân Bắc Quang phát triển ngành nuôi trồng thủy sản
HGĐT - Bắc Quang, một huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, nơi tập trung số lượng ao, hồ tương đối lớn. Do vậy vấn đề phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản nơi đây cần phải có chính sách quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của phòng NN&PTNT huyện Bắc Quang thì hiện nay diện tích ao hồ của toàn huyện là 596 ha tập trung chủ yếu ở các xã Vô Điếm, Kim Ngọc, Quang Minh, Bằng Hành...các xã này tập trung mọi điều kiện thuận lợi về nguồn nước, do vậy nhân dân các xã đã tận dụng các khe, lạch, đầm lầy, cải tạo làm các khu nuôi trồng thuỷ sản với giá trị kinh tế mỗi năm đạt 800 tấn. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế tại xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang thì vấn đề phát triển thuỷ sản của toàn huyện đang gặp quá nhiều vấn đề bất cập... nhân dân không quá mặn mà với con giống vật nuôi để phát triển thuỷ sản, họ tập trung làm các dự án mà huyện đầu tư xuống các xã, vừa có thu nhập nhanh mà ít rủi ro hơn nuôi trồng thuỷ sản...Tiếp xúc với một số hộ dân thôn 3, xã Vô Điếm, chúng tôi được biết: Hiện nay, cả xã có 139 hộ đã đăng ký và nuôi trồng thuỷ sản và nhân dân ý thức được nguồn lợi kinh tế mà ngành thuỷ sản mang lại nhưng thực tế họ đang đứng trước nguy cơ trắng tay bởi mua phải những “ con giống, vật nuôi” trôi nổi trên thị trường, hơn nữa họ hoàn toàn không có vốn và kỹ thuật để có thể thu lại lợi nhuận kinh tế từ nuôi trồng. Do vậy tuy số lượng ao, hồ tương đối lớn nhưng vẫn chỉ để thả cá sinh hoạt gia đình chứ thật khó để họ dám đầu tư làm giàu từ nuôi trồng thuỷ sản...
Anh Nguyễn Văn Tiến, xã Vô Điếm, cho biết: Hầu hết người dân các xã cũng nuôi trồng thuỷ sản như tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, chép lai... ban đầu cũng mang lại hiệu quả kinh tế song chỉ được vài vụ là các con giống có biểu hiện “ thoái hoá”... nhiều hộ nuôi thả nhiều cá thì bị chết nhưng không tìm ra nguyên nhân, do vậy không dám nuôi nhiều mà đơn thuần chỉ để thả phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Do vậy nhiều ao hồ vẫn đang trong tình trạng “ treo” bởi không có giống...nhiều người dân cho biết thêm, họ mua giống chủ yếu từ những người đi bán rong trên đường hoặc gia đình nào có điều kiện thì mua giống từ Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...nhưng không ai biết, khẳng định được các con giống này xuất xứ từ đâu và chất lượng như thế nào? Hơn nữa do không có kỹ thuật nuôi trồng nên phần lớn nhân dân nuôi theo kiểu thủ công, tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên là chất thải của gia súc, gia cầm, lại không có điều kiện để xử lý nguồn nước nên các dịch bệnh rất dễ xảy ra và lây lan qua các ao hồ khác.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Quang cho biết: “Sản lượng thuỷ sản trong thời gian của huyện giảm cũng là một phần do người dân không đầu tư nhiều vào phát triển thuỷ sản, chúng tôi có dự định xây dựng 2 trại nuôi cá giống tại xã Vô Điếm để cung cấp các giống cho nhân dân toàn huyện, nhưng thực tế chúng tôi đang thiếu một cán bộ kỹ thuật thuỷ sản có khả năng và chuyên môn để có thể giúp nhân dân phát triển ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản... hơn nữa, hiện nay các xã đều chưa có những thống kê chính xác về số lượng diện tích ao, hồ và sản lượng thu hoạch hàng năm để chúng tôi có những biện pháp hỗ trợ kịp thời”. Rõ ràng với một lợi thế về điều kiện tự nhiên của huyện Bắc Quang là một tiềm năng để khai thác, phát triển ngành thuỷ sản. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư nuôi trồng nhưng vẫn ở mức nhỏ lẻ, tự cung tự cấp và quan trọng hơn hết là họ cần tới sự quan tâm đúng mức của cấp chính quyền địa phương nhất là về con giống và kỹ thuật nuôi trồng. Sự kết hợp giữa mô hình nông - lâm - thuỷ sản kết hợp sẽ tạo ra bước chuyển biến trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở Bắc Quang.
Ngành thuỷ sản Bắc Quang đang đứng trước cơ hội và thử thách; nhân dân đang chờ chính quyền, các ban, ngành có các giải pháp, chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản cụ thể.
Ý kiến bạn đọc