Cây chè và thảo quả ở Hồ Thầu

16:41, 28/09/2009

HGĐT- Hiện tại, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vẫn thuộc xã vùng 3 với trên 38% hộ nghèo. Nhưng chắc chắn nền kinh tế nơi đây sẽ khởi sắc, người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên khá, giàu trong tương lai gần bởi Đảng bộ, chính quyền xã đang có những định hướng kịp thời để khai thác hai tiềm năng, lợi thế đó là phát triển cây chè và thảo quả.


 
 Rừng trồng thảo quả của gia đình anh Lê Văn Thảo, thôn Chiến Thắng (Hồ Thầu).

Xã Hồ Thầu có 360 hộ với 1.974 nhân khẩu đang sinh sống ở 8 thôn, bản. Từ trước đến nay, mặc dù sống trên vùng đất giàu tiềm năng để phát triển cây chè và thảo quả nhưng cuộc sống của người dân vẫn dựa chủ yếu vào các loại cây lương thực là lúa, ngô, đậu tương. Toàn xã có 135 ha đất trồng lúa một vụ, 85 ha trồng đậu tương và 70 ha ngô. Do bà con nơi đây có kinh nghiệm sản xuất cộng với việc đầu tư thâm canh nên diện tích lúa, ngô, đậu tương ở xã luôn đạt năng suất, sản lượng cao so với nhiều vùng trong huyện. Từ sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực được đảm bảo, người dân có đủ lương thực ăn trong năm. Tuy nhiên nền kinh tế chung thì vẫn chưa có sự khởi sắc, đặc biệt là xã vẫn có đến 139 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Xác định sản xuất nông nghiệp chỉ giúp các hộ có đủ lương thực ăn chứ khó vươn lên khá giàu. Do đó, trong mấy năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung phát triển hai loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, đó là cây chè và thảo quả. Mục tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, từ đó tạo sự phát triển kinh tế chung toàn xã.


Nói đến Hồ Thầu, người ta nghĩ ngay đó là một trong những xã thuộc vùng chè San tuyết nổi tiếng thơm ngon ở Hoàng Su Phì. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển cây chè tại địa phương là rất lớn bởi yếu tố: Điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây phù hợp để phát triển giống chè San tuyết thơm ngon nổi tiếng và đã có thương hiệu trên thị trường tiêu thụ; diện tích cây chè lớn, thôn nào cũng có chè, hộ nào cũng trồng chè với tổng diện tích lên đến 382 ha, trong đó có gần 150 ha chè cho thu hoạch, như vậy tính bình quân mỗi hộ có hơn 1 ha chè. Mặc dù có nhiều ưu thế như vậy nhưng trước kia, số hộ dân nơi đây khá lên nhờ chè không nhiều, ngoài một số ít hộ có diện tích chè lớn. Nguyên nhân là do bà con chưa thực sự quan tâm đến việc mở rộng diện tích, cách chăm sóc vẫn còn lạc hậu, chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng. Mặt khác, giá thành của sản phẩm chè lên xuống thất thường, đầu ra không ổn định bởi chưa có sự gắn kết giữa người trồng chè và các đơn vị thu mua…Những hạn chế đó đã dần được giải quyết trong một vài năm gần đây, xã đã tập trung vận động người dân đầu tư mở rộng diện tích chè mới, đồng thời chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã, thôn bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè, thu hoạch chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là diện tích chè cổ thụ. Nhờ vậy nên chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, diện tích chè trồng mới ở xã đã tăng được 200 ha. Số vụ thu hoạch, năng suất, sản lượng chè hàng năm cũng tăng lên. Riêng năm 2008, tổng sản lượng chè toàn xã đạt khoảng hơn 400 tấn, số lượng thực tế có thể lớn hơn nhiều bởi bà con thu hái rồi bán cho tư thương không báo cáo. Cùng với đó, xã cũng quan tâm đến việc mở đường giao thông nông đến trung tâm nhằm giúp người dân và các đơn vị thu mua vận chuyển chè thuận tiện, hiện tại 8/8 thôn đều đã có đường đi xe máy vào tận nơi, trong đó có 6 thôn có đường ô tô. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm chè cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm, hiện tại, ở xã có 5 nhóm hộ được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng để đầu tư mua máy làm chè mini. Ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ vay vốn mua máy làm chè mini xã cũng tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập xưởng sản xuất chè tại địa phương. Hiện nay, ngoài một xưởng chè tư nhân đã hoạt động ở xã nhiều năm thì mới đây có thêm Xưởng chè Thành Công đi vào hoạt động. Nhờ đó mà sản phẩm chè của người dân đã có đầu ra khá ổn định. Nhờ trồng chè nên ở các thôn Tân Thành, Trung Thành, Chiến Thắng, nơi có diện tích chè lớn đã xuất hiện nhiều hộ gia đình khá lên từ trồng chè. Anh Triệu Chòi Phú, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu khẳng định: “Mặc dù chè có năm được giá cao, năm giá thấp nhưng nói tóm lại thì đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, thu hái lâu năm, tạo thu nhập cho người dân một cách ổn định và thường xuyên, do đó Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn, cây xoá đói, làm giàu của người dân”.


Từ năm 2005 đến nay, xã có thêm cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao, đó là cây thảo quả. Nói là mới vì từ năm 2005 đến nay xã vận động người dân đầu tư chăm sóc, phát triển mở rộng diện tích chứ còn cây thảo quả đã mọc trên địa bàn từ rất lâu rồi. Nhưng 2002, khi giá thảo quả lên cao, một số hộ dân trong xã mới quan tâm đến cây thảo quả mọc tự nhiên trên rừng, từ đó có sự đầu tư chăm sóc, thu hái. Xác định cây thảo quả có thể phát triển tại địa phương, diện tích đất rừng có thể phát triển thảo quả nhiều nên đến khoảng năm 2004, xã bắt đầu vận động người dân đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích trồng mới. Ban đầu chỉ có một số nhóm hộ được Dự án Chia sẻ đầu tư vốn rồi bỏ công để phát triển diện tích, đến năm 2007 khi thảo quả trồng mới cho thu hoạch đạt giá trị kinh tế cao nên đã nhiều hộ quan tâm tự đầu tư tiền để mở rộng diện tích cũng như quan tâm chăm sóc theo đúng kỹ thuật. Cho đến nay xã đã có trên 70 ha thảo quả, trong đó có gần 40 ha cho thu hoạch, diện tích thảo quả có ở tất cả các thôn trong xã nhưng nhiều nhất ở các thôn Tân Thành, Chiến Thắng và Quang Vinh. Nhờ trồng thảo quả mà mấy năm gần đây có nhiều hộ đã thu hàng chục triệu đồng mỗi năm từ thảo quả, trong đó có gia đình anh Phượng Chòi Chìu ở thôn Tân Thành, anh Lê Văn Thảo ở thôn Chiến Thắng…Hiện nay, cây thảo quả chưa thực sự giúp xã phát triển những với những lợi thế về đất rừng để mở rộng diện tích; giá bán cao; thị trường tiêu thụ ổn định cộng với người dân đang tích cực đầu tư phát triển diện tích, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật thì chắc chắn những năm tới đây cây thảo quả sẽ giúp người dân thoát khỏi đói, nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.


Với chiều hướng phát triển hiện tại, cây chè và thảo quả sẽ giúp Hồ Thầu nhánh chóng xoá hết hộ nghèo và có bước tiến nhanh trên con đường phát triển kinh tế, xã hội.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên minh HTX tỉnh: Giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ
HGĐT- Theo thống kê, hiện nay tỉnh ta có 482 hợp tác xã (HTX) với số vốn điều lệ đăng ký 163,6 tỷ đồng và thu hút được 13.052 xã viên tham gia. Các HTX đã và đang phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
28/09/2009
Vai trò của cây cao su trong phát huy giá trị của đất lâm nghiệp và thay đổi tư duy sản xuất
HGĐT- Tỉnh ta có diện tích đất lâm nghiệp trên 550 ngàn ha. Nhiều năm qua, với sự quan tâm, khuyến khích của Nhà nước, lâm nghiệp đã không ngừng được đẩy mạnh, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
28/09/2009
Phát triển kinh tế từ trồng rừng và chăn nuôi ở Bắc Mê
HGĐT- Diện tích rừng trồng mới tăng cao qua các năm, đàn gia súc tiếp tục tăng trưởng dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Người dân có thu nhập chính đáng từ rừng, giá trị ngành chăn nuôi đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Điều này khẳng định chủ trương phát triển kinh tế từ rừng và chăn nuôi đại gia súc ở Bắc Mê đã đi vào cuộc sống.
25/09/2009
Đẩy mạnh công tác khuyến nông góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc
HGĐT- Với điều kiện tự nhiên, địa hình vô cùng khó khăn, toàn huyện chỉ có khoảng 21.043ha đất canh tác. Vào mùa đông và xuân thường gặp hạn hán kéo dài, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân. Khắc phục những bất lợi đó, huyện Mèo Vạc luôn quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng, trong đó có công tác khuyến nông chủ động tạo mọi điều kiện cho sản
25/09/2009