“Cánh đồng mẫu” trên đất Quang Bình
HGĐT - Ngoài 70 tuổi, những vết hằn của mấy mươi mùa gặt như càng hiện rõ trên khuôn mặt cụ bà Hoàng Thị Kết, ở thôn Thượng, xã Bằng Lang (Quang Bình). Cắp chiếc nón Tày ám bóng bồ hóng trên gác bếp đưa tôi ra “cánh đồng… mới”…: “Lúa mùa năm nay thích lắm cháu ạ, mặt lúa phẳng như mặt nước ao, cây cao, lá thẳng, bông dài, hạt mẩy như con ong ấy chứ…”.
Những nếp nhăn trên khuôn mặt cụ lão như giãn ra, một nụ cười mãn nguyện. Vâng, có lẽ đấy là nụ cười rất ít gặp và cũng chẳng mấy khi tôi thấy được trong cuộc đời thường của các bậc bô lão trong các làng quê. Bên cạnh bờ ruộng trước nhà, chiếc ao trong trẻo nổi bóng những chú cá trắm cỏ vươn lên khỏi mặt nước đớp tom tóp. Cụ Kết bảo, năm nay “Được mùa lúa, úa mùa cau”. Đám ruộng của cụ có hơn ngàn mét vuông, mỗi năm cấy hai vụ ăn chắc bởi nước tưới, phân tro gần nhà nên cũng chăm sóc được. Mỗi vụ thu hoạch cho trăm trên, trăm dưới thúng, đủ nuôi cho 6 miệng ăn. Thế nhưng cấy lúa San ưu, Nhị ưu… nhiều quá, nhiều năm nữa nên lúa cấy hay bị sâu bệnh. Hình như sâu bệnh cũng đã “nhờn” thuốc nhà cụ, nên phun, tưới chăm sóc khó lắm mới có hạt thóc thổi cơm. Nhà nông vất vả nhiều lắm, mỗi năm làm ra hạt thóc lại “cõng” vào các khoản đóng góp công, quỹ làng bản, thu, chi cho con cháu ăn học nên… Cháu biết đấy?! May mà nhà có ruộng gần, ao trước, vườn sau, nuôi thêm con lợn, con vịt, con cá… cũng đỡ vất vả. Ngồi xuống bên bờ ruộng, nắng chiều xiên vào mái tóc úa, hất cao chiếc nón bồ hóng, cụ Kết vân vê bông lúa, buột miệng như nói với chính mình: “…Vụ nào lúa cũng được thế này, chắc chắn sẽ đỡ khổ hơn…”. Tôi tìm một góc ruộng, chụp lấy tấm ảnh của cụ bà ngoài 70 với mong mỏi có được “khoảnh khắc vàng” làm ảnh tặng bà lão đã mấy mươi mùa mơ những “giấc mơ… hạt thóc”. Hỏi chuyện cụ Kết cho biết: Vụ mùa này tại thôn thượng, xã Bằng Lang quanh nhà cụ được huyện, xã chỉ đạo làm “cánh đồng mới (mẫu)”. Nói là mới vì: Giống mới, làm mới hoàn toàn so với những gì trước đây nhà nông vẫn làm. Kể lại ngày đầu tập huấn cán bộ: Huyện, xã, thôn xuống tận nơi xem xét đồng đất, kênh mương, nước tưới. Dân trong thôn được bảo cách cày ải, bừa kỹ, bón đủ phân chuồng, trộn lẫn phân hóa học bón theo từng giai đoạn để cây lúa phát triển… Theo lời cụ thì cả thôn gieo mạ 1 ngày (20.6); cấy 1 ngày (5.7), bón lót trong lúc cày bừa làm đất cấy khoảng 7-8 tạ phân chuồng/1.000m2 cộng thêm 1 bao lân loại 40 kg, thêm vào lúc bừa loạt để cấy vào độ 8 – 10 kg phân đạm. Khi cấy nông tay, cấy 1 –2 dảnh/khóm và cấy 1m2 khoảng 30 – 33 khóm… Lúa cấy sau 10 – 15 ngày thì làm cỏ bón thúc đợt I bằng phân đạm, ka li, làm cỏ sục bùn, giữ mực nước trọng ruộng từ 1 – 2 cm, để cho lúa đẻ nhánh… Còn bón thúc đợt II vào kỳ lúa bắt đầu có “cứt gián” tức là cây lúa chuẩn bị làm đòng. Lượng phân bón kỳ này là đạm và tăng ka li cho lúa cứng cây, chắc hạt.
Kiểm tra, đánh giá năng suất trên “Cánh đồng mẫu” ở xã Bằng Lang ước đạt gần 80 tạ/ha.
Dẫn tôi một vòng quanh đám ruộng nhà mình có chị Tăng Thị Chiếu, cán bộ khuyến nông thôn bản. Chị Chiếu bảo với tôi: Gần 5 năm làm khuyến nông thôn chưa từng thấy lúa tốt “như mơ” thế này bao giờ. Bài học kinh nghiệm từ nhiều năm đúc rút với chị là: Giống tốt, thời vụ chính xác, sau đó mới đến phân bón, nước tưới… Theo chị: Giống là điều kiện tiên quyết mở đầu, còn thời vụ chính xác để gieo cấy sẽ tránh được mùa sâu nở, thời điểm dịch bệnh hay phát sinh, bởi thời điểm nông lịch đó đã trở thành “của bán” được đúc rút bằng thực tế, được trải nghiệm qua cả ngàn năm trồng cấy của cha ông để lại. Bởi vậy, thời vụ trồng cấy là sự kế thừa cả truyền thống lẫn thực tiễn KHKT… do đó, cấy đúng vụ, đúng ngày, đúng lịch sẽ được mùa ít sâu bệnh, lúa phát triển thuận lợi đó là minh chứng bằng vụ mùa 2009 được thực nghiệm tại “cánh đồng mẫu” thôn chị hôm nay. Quay sang cụ Kết tôi hỏi chuyện lời, lãi trên thửa ruộng nhà cụ vụ này, cụ bảo: “Nhà nông lấy công làm … lãi” nhưngchắc chắn vụ này được nhiều. Theo tính toán của ngành chuyên môn: Đầu tư cho 1 ha (tính đủ) bằng giống lúa Vân Quang 14 là (giống cấy 1 ha cần 30 kg + 400 kg lân + 150 kg ka li + 100 kg vôi bột + 250 kg phân đạm u rê) còn lại là phân chuồng, phân xanh đồng bào tự đầu tư. Thêm vào đó là công cấy, cày, thu hoạch… Qua tính toán đầu tư thực tế cho mỗi ha theo tiêu chuẩn: 30 kg giống hết 1.500.000đ; phân bón lân 400 kg x 2.500đ hết 600.000đ; cộng 250 kg đạm x 7.500đ hết 1.875.000đ; cộng thêm 150 kg phân ka li x 12.300đ/kg hết 1.950.000đ và cộng thêm vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật gần như cấy đúng vụ không dùng đến… Tính tổng các loại đầu tư hết sấp xỉ 6.500.000đ/ha (trừ phân chuồng + công làm). Cũng theo đánh giá chuyên môn tại ruộng về năng suất cho mỗi ha trên cánh đồng mẫu “không dưới 75 tạ/ha” thậm chí còn đạt trên 80 tạ/ha là “ăn chắc”. Bà cụ Kết bộc bạch “nếu vụ mùa nào cũng tốt hạt như vụ này, thì nhà nông sẽ… hết khổ đấy, cháu ạ”.
Trở lại với lúa trên cánh đồng mẫu giống Vân Quang 14 là giống lai 2 dòng, rất nhạy cảm với thời tiết, thời vụ. Lúa là giống cây cứng, lá thẳng, bông dài, hạt dài, trong, ăn thơm dẻo được thị trường ưa chuộng. Theo tính toán đủ như làm trên “cánh đồng mẫu” thực tế vụ này cho thấy: Năng suất bình quân 75 tạ/ha, đem nhân giá bán thị trường bình quân là 6.500 đ/kg sẽ cho thu nhập sấp xỉ 49 triệu đồng. Sau trừ chi phí nhà nông vẫn lời lãi dòng trên 30% cho mỗi ha sau 1 vụ trồng cấy. Như vậy là mục tiêu “cánh đồng 50 triệu” ta sẽ đạt và vượt trong tầm tay cầm chắc. Được biết vụ mùa 2009, Quang Bình tổ chức 9 xã trọng điểm lúa tự xây dựng mỗi xã “một cánh đồng mẫu” cấy giống lúa Vân Quang 14 để bà con xã viên học tập. Qua khảo sát thực tế, lúa mùa nói chung, cánh đồng mẫu nói riêng trên toàn bộ đất 2 vụ lúa Quang Bình mùa này đều thắng lợi. Những “cánh đồng mẫu” ở các xã đều đã chứng minh khả năng “vượt trội” trên làng lúa rực mùa năm nay, điều đó sẽ là bài học lớn, rất ích lợi cho các vụ lúa tiếp theo trên đất 2 vụ lúa.
Bước trên cánh đồng vàng lúc chiều tà trước sóng lúa rập rờn tôi thấy cụ Kết cười hả hê.
Ý kiến bạn đọc