Xóa đói, giảm nghèo từ V.A.C
HGĐT- Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển KT-XH, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR), phát triển cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, đảm bảo đời sống, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
Phát triển V.A.C đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở TXHG. Ảnh: H.T |
Từ những nỗ lực ban đầu…
Là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên là 7.884 km2 với dân số trên 70 vạn người, trong đó trên 80% dân số là nông dân, sản xuất nông nghiệp ở nông thôn; địa hình của tỉnh có nhiều núi cao, sông suối, độ dốc lớn, hình thành nên nhiều vùng tự nhiên đa dạng về khí hậu, đất đai cho phép nuôi trồng nhiều loại cây, con và nhiều loại hình phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại với quy mô khác nhau, có điều kiện sản xuất hàng hóa nông sản. Hiện toàn tỉnh có khoảng 105.000 hộ nông dân với 378.000 lao động, hầu hết các hộ nông dân đều làm kinh tế VAC. Đối với các hộ nông dân ở các huyện vùng cao chủ yếu làm kinh tế vườn, chuồng gồm trồng cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… ; các hộ nông dân vùng thấp làm kinh tế tổng hợp VACR gồm trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng. Cho đến nay, toàn tỉnh có khoảng 485 trang trại, chủ yếu là canh tác tổng hợp VAC, vừa trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Những năm qua, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã từng bước đẩy mạnh phát triển sản xuất, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Kết quả cho thấy, đến năm 2008 vùng cam, quýt ở huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên có 4.850 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 22.500 tấn; trồng xoài tập trung ở huyện Yên Minh và một số huyện khác với tổng diện tích gần 1.000 ha; trồng chè tập trung ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì với diện tích đạt 17.398 ha, sản lượng chè búp tươi năm 2008 đạt 46.749 tấn; đậu tương phát triển mạnh ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần đến nay đã lan rộng ra nhiều huyện khác với tổng diện tích toàn tỉnh đạt 19.866 ha; phát triển trồng cây dược liệu chủ yếu là thảo quả dưới tán rừng tập trung ở các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên và Bắc Mê với tổng diện tích 4.200 ha. Ngoài ra trong vài năm gần đây, nông dân đã đẩy mạnh trồng rừng chủ yếu là trồng cây nguyên liệu giấy với 42.000 ha, khoanh nuôi bảo vệ được 285.000 ha, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48,5%. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản với 1.210 ha mặt nước ao hồ chăn nuôi cá, sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 1.680 tấn; bước đầu một số hộ nông dân các huyện vùng thấp đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thu được kết quả tốt. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm góp phần đưa đàn bò của tỉnh lên 90.117 con, đàn trâu 146.378 con, đàn dê 153.171 con, đàn lợn 372.985 con, gia cầm đạt 2.724.763 con, đàn ong 16.710 đàn…
…đến việc xuất hiện nhiều hộ nông dân làm kinh tế giỏi.
Nông dân tích cực làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại đã tạo ra nông sản đa dạng, phong phú cung cấp dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống của nhân dân, đồng thời tạo ra hàng hóa nông sản bán trên thị trường, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống, xóa nghèo và tiến lên làm giàu. Thông qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Cụ thể như hộ gia đình ông Đoàn Hùng Tự, dân tộc Kinh, thôn Quyết Thắng, xã Ngọc Đường (TXHG) làm trang trại tổng hợp với 500 gốc na trên 10 năm tuổi; 100 cây ổi Chân Châu 4 mùa, áp dụng kỹ thuật ngắt búp, đốn cành và bọc quả kết hợp với chăm sóc thâm canh đã cho quả đạt chất lượng tốt, giá bán từ 15 – 20.000 đồng/kg; kết hợp làm vườn, gia đình ông đã đầu tư cải tạo ruộng trũng thành ao để nuôi tôm bước đầu có kết quả; đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, chăn nuôi gà thả vườn. Với mô hình trang trại VAC tổng hợp, gia đình đã có tổng thu nhập hàng năm đạt 108 triệu đồng/năm. Gia đình ông Nguyễn Văn Xưng, dân tộc Tày, thôn Trung Thành, xã Vĩ Thượng (Quang Bình), trồng 3 ha cam sành đã áp dụng kỹ thuật thâm canh, sử dụng phân bón vi sinh, phòng chống sâu bệnh bằng thuốc BVTV thảo mộc, áp dụng kỹ thuật tỉa cành, nuôi quả, thu hoạch và tiêu thụ cam theo nhãn hiệu hàng hóa đã cho thu nhập từ vườn cam là 60 triệu đồng/năm; ngoài ra còn đầu tư chuồng trại đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi 18 con bò, 25 con lợn, 300 con gà vịt, 3.000 m2 ao thả cá… cho tổng thu nhập hàng năm đạt 145 triệu đồng. Gia đình ông Lý Kim Tường, dân tộc Dao, thôn Thượng Cầu, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) có tiềm năng đất đai rộng và thuận tiện nguồn nước đã phát triển trang trại với 4 ha cam, quýt, 5 ha rừng nguyên liệu giấy, đầu tư xây dựng đập kiên cố làm hồ trữ nước với diện tích 1,5 ha để nuôi cá, kết hợp chăn nuôi 4 con trâu, 15 con lợn, 200 con gia cầm… tổng thu nhập lên đến 125 triệu đồng/năm. Gia đình ông Cao Xuân Hậu, thôn phố Mới, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), năm 2006 đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua nhím con giống, đến nay đàn nhím của gia đình đã tăng lên 100 con, bước đầu bán được 17 đôi con giống cho các hộ khác chăn nuôi thu về 150 triệu đồng. Gia đình ông Mua Sé Cơ, dân tộc Mông, xã Sủng Trái (Đồng Văn) đã trồng 1 ha cỏ, nuôi 16 con bò, 20 con dê, 17 con lợn, 150 con gà, trồng khoanh nuôi bảo vệ 6 ha rừng, tổng thu nhập hàng năm của gia đình đạt 65 triệu đồng/năm. Gia đình ông Hầu Seo Páo, dân tộc Mông, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) có đất đai rộng và ở khu vực khí hậu mát lạnh quanh năm đã đầu tư trồng 3,6 ha chè Shan tuyết, chăm sóc theo kỹ thuật chè sạch, cho thu hoạch gần 5 tấn búp tươi/năm. Ngoài ra còn đầu tư trồng 0,8 ha đậu tương, chăn nuôi 5 con trâu, 30 con dê, 150 con gà; đầu tư 75 triệu đồng mua máy móc làm dịch vụ chế biến chè tại địa phương, mỗi năm chế biến được 15 tấn chè thành phẩm, tổng thu nhập lên đến 103 triệu đồng/năm…
Theo đánh giá của tỉnh thì hiện nay có khoảng 3.225 hội viên Hội Làm vườn tỉnh đạt tiêu chí làm kinh tế VAC giỏi, chiếm 39%, trong đó có 217 hội viên đạt thu nhập trên 100 triệu đồng và trong phong trào thi đua làm kinh tế VAC giỏi 5 năm qua đã có 146 hội viên được UBND huyện tặng Giấy khen, 90 hội viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 15 hội viên được Hội Làm vườn Việt Nam tặng Bằng khen.
Ý kiến bạn đọc