Vị Xuyên tích cực chăm sóc vụ mùa
HGĐT- Với phương châm “lấy mùa bù chiêm”, vụ mùa năm nay, huyện Vị Xuyên đã tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, đưa các giống lúa lai, ngô lai và các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, đồng thời vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng đầu tư phân bón, đặc biệt chú trọng việc áp dụng gieo sạ lúa bằng công cụ sạ hàng, thâm canh tăng năng suất cây trồng.
Tính đến nay, trên địa bàn các xã huyện Vị Xuyên đã hoàn thành việc gieo cấy 4.619 ha lúa, trong đó lúa thâm canh đạt gần 4.000 ha, lúa lai trên 2.200 ha, trong tổng số diện tích gieo trồng, đã có hơn 228 ha diện tích được gieo bằng công cụ sạ hàng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.Các giống lúa được gieo cấy trong vụ mùa năm nay gồm các loại: Thiên Nguyên Ưu 16, Hương ưu 8, PAC 807, CNR 02, Nam ưu 603, CNR 5101. Qua đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay, nhìn chung diện tích lúa vụ mùa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Tuy nhiên trên một số địa bàn đã xuất hiện sâu, bệnh hại như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh vàng lá, ghẹt rễ cục bộ nhưng ở mật độ thấp, diện tích không đáng kể và đã được bà con nông dân phát hiện kịp thời và phun thuốc diệt trừ. Thực hiện quyết định của UBND huyện, các ngành chức năng đã và đang xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân chăm sóc vụ mùa. Tại một số xã vùng cao, lúa đang trong giai đoạn ra đòng, các xã vùng thấp, đang trong giai đoạn đẻ nhánh, bà con nông dân đang tích cực bón thúc giai đoạn 2.
Thực hiện chương trình thâm canh lúa, ngô, huyện Vị Xuyên đã phân công và cử cán bộ ngành nông nghiệp xuống cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn bà con thâm canh tại 24 xã, thị trấn, đồng thời triển khai các chỉ thị, công văn hướng dẫn của tỉnh, huyện, tuyên truyền phổ biến cho bà con nông dân về cơ chế, chính sách, hướng dẫn làm thủ tục vay giống, vật tư, phân bón. Tính đến đầu tháng 8, đã giải ngân cho vay được trên 500 triệu đồng và hiện tại các xã vẫn đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để vay vốn. Tuy nhiên, do yêu cầu của Ngân hàng, bà con nông dân muốn vay vốn cần phải có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, nên một số xã đã không vay vốn qua Ngân hàng mà chủ động vay qua các Đại lý phân bón của tư nhân đóng tại địa bàn các xã. Theo ước tính, tổng lượng phân bón trong toàn huyện đến nay đã chuẩn bị được là hơn 15 nghìn tấn, trong đó có hơn 11.600 tấn phân chuồng, gần 2 nghìn tấn phân tổng hợp NPK, 750 tấn phân lân, 450 tấn phân đạm U-rê và 145 tấn phân Kali Clorua… phấn đấu đầu tư phân bón chăm sóc lúa mùa đảm bảo đạt 50% lượng phân bón so với yêu cầu quy trình kỹ thuật và đặc biệt chú trọng đầu tư đầu tư phân Kali bón thúc cho lúa ở giai đoạn đứng cái làm đòng.
Cùng với việc trồng, chăm sóc tốt diện tích lúa mùa, huyện Vị Xuyên cũng đã có 1.000 ha diện tích ngô vụ mùa, trong đó có hơn 730 ha ngô thâm canh và 700 ha ngô lai, đồng thời toàn huyện đã đăng ký 76 ha diện tích thâm canh năng suất đạt từ 3 tấn/ha trở lên. Diện tích cây lạc và đậu tương cũng đang được nhân dân tích cực làm đất để gieo trồng, riêng cây đậu tương đã trồng được hơn 15 ha tại xã Ngọc Linh và Trung Thành…
Để chủ động trong việc phòng, chống thiên tai, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thâm canh lúa lai, ngô lai, trong tháng 7 và đầu tháng 8, Vị Xuyên đã mở được 7 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 340 lượt người tham gia, nâng tổng số lớp học từ đầu năm lên 37 lớp với gần 1.500 lượt người tham gia, đồng thời phân công cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt hướng dẫn cho nhân dân tình hình sâu bệnh hại trên lúa vụ mùa và một số loại cây trồng khác và có biện pháp phòng trừ kịp thời không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng và phát triển thành dịch, phấn đấu sản lượng vụ mùa đạt 26.918 tấn, vượt 926 tấn so với kế hoạch đề ra.
Ý kiến bạn đọc