Thực trạng và định hướng phát triển cây chè

17:30, 14/08/2009

HGĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh cây công nghiệp, coi cây chè là cây hàng hoá mũi nhọn của tỉnh, trồng mới 500ha/năm, chủ yếu là giống chè Shan, đưa diện tích chè Hà Giang lên 17.500 ha vào năm 2010; cải tạo thâm canh để nâng năng suất lên 70 tạ/ha (tăng gấp 2 lần so với năm 2005), đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 100.000 tấn/năm và sản lượng chè khô xuất khẩu đạt trên 4.000 tấn/năm”.


 

 Thu hái chè Shan tuyết cổ thụ ở Lũng Phìn (Đồng Văn). Ảnh: Nguyễn Hùng    


Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 chỉ sau Lâm Đồng và Thái Nguyên, trong số 35 tỉnh có diện tích chè trong cả nước. Để thực hiện mục tiêu Đại hội đề ra, trong 4 năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và có những giải pháp, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển sản xuất chè. So với năm 2005, diện tích chè đã tăng hơn 2.884 ha, nâng tổng diện tích chè đến thời điểm hiện nay lên 17.332 ha. Diện tích cây chè của tỉnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Diện tích chè phân bổ tại các huyện này chiếm tới 90% tổng diện tích chè của tỉnh, trong đó các xã có diện tích chè tập trung lớn là Tân Lập, Tân Thành (Bắc Quang); Yên Bình, Tân Trịnh, Tiên Nguyên, Xuân Minh (Quang Bình); Thượng Sơn, Quảng Ngần, Thanh Thuỷ (Vị Xuyên); Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nam Sơn (Hoàng Su Phì); Nà Trì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên, Cốc Rế (Xín Mần). Đến nay ở nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất chè hàng hoá tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vị thế cây chè Hà Giang ngày càng được khẳng định. Cây chè đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân và lực lượng lao động có việc làm và thu nhập, diện tích chè tăng lên đã giúp cho độ che phủ được nâng lên, đồng thời làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt góp phần trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh ta.


Theo kết quả điều tra, rà soát, năng suất chè bình quân của tỉnh tăng qua các năm. Năm 2006 đạt 31,6 tạ/ha, năm 2007 đạt 33,2 tạ/ha, năm 2009 đạt 35,4 tạ/ha, đạt 50,5% năng suất theo Nghị quyết XIV đề ra. Sản lượng chè búp tươi cũng được tăng đều, dự kiến năm 2009, sản lượng đạt trên 47.000 tấn, tăng hơn 13.000 tấn so với năm 2005 và 554,8 tấn so với năm 2008. Trong chế biến và tiêu thụ, hiện toàn tỉnh có 1 Công ty Cổ phần, 7 doanh nghiệp, 23 HTX và 536 cơ sở, hộ kinh doanh và chế biến chè, công tác chế biến chè đã có chuyển biến tích cực, thông qua một số dây truyền công nghệ sản xuất thiết bị hiện đại, công suất lớn đã tạo ra được các sản phẩm chè có chất lượng cao được thị trường chấp nhận. Các cơ sở chế biến chè đã chú trọng hơn trong việc đăng ký nhãn mác, tạo dựng thương hiệu sản phẩm để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tăng cường thực hiện khâu đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Do đó chè của Hà Giang đã xuất khẩu đi trên 20 nước với nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có một số thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan… Điển hình là Công ty TNHH Hùng Cường, đã được cấp phép sử dụng thương hiệu chè Việt và Chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2000; một số doanh nghiệp Hà Giang đã đăng ký nhãn mác như: Chè Hùng An của Công ty Cổ phần chè Hùng An; Chè Thượng Sơn, Chè Phìn Hồ của Công ty TNHH Thành Sơn; Chè Túng Sán của Hợp tác xã chè Thuận An…


Tuy nhiên năng suất chè búp tươi của Hà Giang hiện đang ở mức thấp, đạt khoảng 54,46 % so với năng suất trung bình của cả nước (năng suất bình quân cả nước hiện đạt trên 6,5 tấn/ha). Song nếu quy đổi diện tích chè kinh doanh về mật độ trung bình 10.000 cây/ha trở lên, thì năng suất chè búp tươi của Hà Giang hiện nay đạt mức bình quân 4,56 tấn/ha, bằng 70,1% năng suất bình quân của cả nước và đạt 65,1% năng suất theo mục tiêu Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh XIV đề ra. Diện tích chè tỉnh ta tuy lớn nhưng mật độ cây chè hầu hết không đảm bảo, diện tích chè trồng tập trung có mật độ đạt từ 10.000 cây/ha chỉ có 3.779 ha, chiếm 21,8% tổng diện tích, diện tích chè không đảm bảo mật độ (mật độ dưới 10.000 cây/ha) là trên 13.553 ha, chiếm 78,2% tổng diện tích. Nguyên nhân đạt thấp là hầu hết diện tích chè trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay được trồng bằng phương pháp trồng hạt trực tiếp (hiện có tới 16.529,2 ha/17.533,2 ha) nên thường cho năng suất thấp, chất lượng vườn chè không đồng đều; người dân chưa chú trọng đến thâm canh tăng năng suất; nhiều diện tích chè trồng lâu già cỗi; việc thu hái chè vẫn còn thực hiện theo tập quán cũ, chưa đúng quy trình kỹ thuật; thị trường tiêu thụ, giá sản phẩm chè không ổn định, dẫn đến không khuyến khích được người dân đầu tư thâm canh. Theo đó, từ năm 2006, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng giống chè bầu bằng phương pháp giâm cành đưa vào sản xuất, đến nay đã có hơn 238 ha diện tích được trồng, bước đầu đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong việc đưa khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Ngoài ra do giá nguyên liệu không ổn định ( thời điểm những tháng cuối năm 2008 giá chè búp tươi giảm xuống đến 1.500-1700 đồng/kg, chỉ bằng 50-60% giá năm 2006-2007) đã ảnh hưởng đến tâm lý người trồng chè và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh trong những năm qua. Sản lượng sản phẩm xuất khẩu đạt thấp và không ổn định (năm 2005-2007, lượng chè xuất khẩu đạt trên 3,5 nghìn tấn/năm; năm 2008 chỉ đạt gần 3 nghìn tấn; 6 tháng đầu năm 2009 mới đạt 800 tấn). Song theo dự kiến về khả năng phục hồi của nền kinh tế cùng với việc đầu tư cải tiến công nghệ chế biến của các doanh nghiệp, đến hết năm 2009, xuất khẩu chè của tỉnh ta sẽ đạt và vượt năm 2008.


Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong 4 năm trở lại đây, diện tích chè của tỉnh ta đã tăng lên đáng kể, người dân cũng đã có những thay đổi tích cực về tập quán canh tác từ quảng canh sang đầu tư thâm canh. Theo đó đã hình thành được các vùng sản xuất chè tập trung và bước đầu đi ổn định, thu hút được nhiều doanh nghiệp, cá nhân tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến; các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước chiếm lĩnh được thị phần tiêu thụ, tăng thu nhập từ xuất khẩu chè cho ngân sách tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác đầu tư phát triển ngành chè Hà Giang… Tuy nhiên cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng chè còn thấp, việc chuyển đổi thâm canh chè trong nhân dân chưa chú trọng, chưa xác định rõ chè cây kinh tế mũi nhọn, cây xoá đói giảm nghèo và là cây làm giàu để có kế hoạch cụ thể phát triển mạnh trong những năm tới; diện tích trồng còn phân tán, mật độ của các vườn chè chưa đảm bảo, dẫn đến năng suất đạt thấp; đầu tư cơ sở chế biến chưa đồng bộ…

Trên cơ sở thực trạng phát triển chè hiện nay, tỉnh ta đã đề ra định hướng phát triển chè cho giai đoạn tiếp theo là ổn định chè ở mức 17.500 ha, trong đó có trên 16 nghìn ha chè kinh doanh; xây dựng vùng chè tập trung gắn với đầu tư các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Quang Bình, kết hợp với phát triển vùng chè đặc sản như chè Ngam La, chè Lũng Phìn và một số nơi có điều kiện; đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, phấn đấu đưa năng suất bình quân đến hết năm 2010 đạt 50-60 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 10 vạn tấn, trong đó xuất khẩu chè khô thành phẩm đạt trên 4.000 tấn; cải tạo các diện tích chè già cỗi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng đạt các tiêu chuẩn ISO…Đó là mục tiêu chiến lược nhằm làm tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu và giá trị sản phẩm chè Hà Giang.


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Quản Bạ: Tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai đơn NK54 và G49 vụ Xuân 2009
HGĐT- Sáng 29.7, tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ), Trạm Khuyến nông Quản Bạ tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai đơn NK54 và G49 vụ Xuân năm 2009.
31/07/2009
Quý II, chè mất mùa, mất giá
HGĐT- Quý II.2009, chè mất mùa, mất giá là đánh giá, nhận định chung của các khu vực trồng, chế biến và xuất khẩu chè của tỉnh.
31/07/2009
Kiểm tra sau thông quan góp phần chống thất thu ngân sách
HGĐT- Thống kê của Cục Hải Quan Hà Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm có trên 160 doanh nghiệp, tư thương triển khai hoạt động XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Tổng kim ngạch XNK đạt 42,7 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
31/07/2009
Bắc Mê đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa
HGĐT- Bắc Mê với một huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Từ những thế mạnh đó, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê khóa I, nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã nêu rõ: Trong 5 năm tới, Bắc Mê tiếp tục xác định sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, gắn trồng trọt với chăn nuôi đàn đại gia súc để phát triển kinh tế hộ gia đình…
31/07/2009