Đồng văn với những chương trình hỗ trợ sản xuất
HGĐT- Đồng Văn là huyện biên giới có nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Một trong những khó khăn đó là diện tích đất canh tác rất ít ỏi, nước phục vụ cho sản xuất vô cùng thiếu thốn, mặt bằng dân trí còn thấp nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất còn hạn chế...
Vùng rau sạch thôn Lài Cò, thị trấn Đồng Văn
|
Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ở Đồng Văn từng bước vượt qua những khó khăn trong lao động sản xuất; nâng cao năng suất cây trồng, giảm sức lao động, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống góp sức bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nông dân huyện Đồng Văn được hỗ trợ các chương trình sản xuất như: Chương trình nông, lâm nghiệp trọng tâm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; hỗ trợ phát triển chăn nuôi gồm các chương trình: Hỗ trợ 50% giá giống ngô lai cho các hộ có mức sống trung bình, hỗ trợ phát triển vùng rau xanh trên địa bàn trung tâm huyện (trọng tâm là thị trấn Đồng Văn tại các thôn Thiên Hương, Lài Cò là nơi có điều kiện phù hợp cho cây rau phát triển vụ đông), hỗ trợ giống cây thảo quả. Hỗ trợ mua vác xin tiêm phòng gia súc, vận chuyển vác xin, hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay mua trâu, bò. Trong chương trình hỗ trợ vác xin, năm 2009, 19/19 xã, thị trấn được hỗ trợ 70.500 liều với tổng số vốn 112 triệu 380 ngàn đồng. 9.808 kg giống ngô lai với tổng số tiền 363 triệu 486 ngàn đồng hỗ trợ cho các hộ trung bình trồng ngô lai. Trong chương trình hỗ trợ vốn vay mua trâu, bò đã có 139 hộ vay với số vốn được hỗ trợ là 1 tỷ 724 triệu đồng... Cùng với Chương trình nông, lâm nghiệp trọng tâm, người dân còn được Chương trình 135 giai đoạn II hỗ trợ công tác khuyến nông như: Hỗ trợ tập huấn trồng, thâm canh, thu hoạch ngô lai; tập huấn nghiệp vụ thú y; kỹ thuật nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, đậu tương; hỗ trợ các mô hình trình diễn như trồng cây cải dầu, nhân rộng cây Atyso, trồng rau xanh, nuôi lợn thịt địa phương. Chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông, lâm nghiệp như: Hỗ trợ trồng cỏ thức ăn gia súc cho 19/19 xã, thị trấn với tổng diện tích 245 ha, tương ứng với 245 triệu đồng; hỗ trợ 90% giá giống ngô lai cho hộ nghèo; hỗ trợ 100% giống chè và phân bón chè với tổng kinh phí 237 triệu đồng; hỗ trợ trồng các loại cây ăn quả như đào Vân Nam, đào địa phương, lê đường địa phương... Ngoài ra, Chương trình 135 giai đoạn II còn hỗ trợ 100% cho hộ nghèo vay vốn mua trâu, bò với tổng số 3.585 hộ, kinh phí được hỗ trợ 1 tỷ 079 triệu; hỗ trợ 225 máy thái cỏ với số tiền 217 triệu đồng...
Với những chương trình hỗ trợ trên, hiệu quả mang lại cho người nông dân rất lớn, Đặc biệt các chương trình hỗ trợ như: Chương trình hỗ trợ giá giống ngô lai đã góp phần nâng tổng diện tích ngô lai toàn huyện lên 3.314 ha, chiếm 52% tổng diện tích, tăng 282,9 ha so với năm 2008. Chương trình hỗ trợ phát triển vùng rau xanh đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc phát triển các cây vụ đông, đặc biệt là cây rau, cung cấp nhu cầu rau xanh trên địa bàn trung tâm huyện, từ nhận thức đó, vụ đông năm 2009 – 2010, tổng diện tích nhân dân đăng ký trồng tập trung trên 38 ha (để có được diện tích trên đảm bảo được yêu cầu của cây trồng vụ đông ở Đồng Văn là một nỗ lực rất lớn của người dân các xã, thị trấn trong huyện). Chương trình hỗ trợ vác xin tiêm phòng trâu, bò; chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất đã góp phần ổn định và phát triển đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn. Tính đến nay, tổng đàn trâu, bò huyện Đồng Văn có 19.718 con, tăng 1.418 con so với cùng kỳ năm trước. Chương trình hỗ trợ phát triển cây cải dầu đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc phát triển cây vụ đông với mục đích tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy diện tích 15 ha cây cải dầu trong vụ Đông – xuân năm 2009 – 2010. Chương trình hỗ trợ trồng cỏ thức ăn gia súc đã từng bước thay đổi nhận thức của nông dân. Họ đã biết chuyển đổi dần diện tích đất xấu, đất dốc hiệu quảkinh tế thấp sang trồng cỏ thức ăn gia súc với diện tích 300 ha, tăng 180 ha so với năm 2008. Đồng thời với việc trồng cỏ, chương trình hỗ trợ máy thái cỏ cho nhân dân, góp phần giảm sức lao động, tận dụng được các loại cỏ có sẵn tại địa phương.
Có thể nói, những chương trình hỗ trợ sản xuất tại Đồng Văn đã giúp cho người nông dân dần khai thác được tiềm năng, sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác vốn rất ít ỏi trên địa bàn huyện, khai thác được thế mạnh về chăn nuôi gia súc. Cùng với đó, người dân đã nâng cao ý thức về mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp; được tiếp cận với các tiến bộ khoa học và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sử dụng tiền vốn vay được hỗ trợ lãi suất hợp lý... từ đó từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Ý kiến bạn đọc