Cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để “kích cầu” mô hình kinh tế V.A.C
HGĐT- Phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1998. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, qua hơn 10 năm, phong trào này ngày càng được phát triển ở khắp mọi miền trong cả nước, mô hình kinh tế hộ đã trở thành điểm sáng ở nhiều nơi, nhiều hộ đã có mức thu nhập cao, đời sống của người nông dân từng bước được đổi thay.
Đối với Hà Giang, một tỉnh miền núi, biên giới, tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi, nhất là ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là một hạn chế không nhỏ đối với phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi”. Nhưng trong những năm qua, từ ảnh hưởng phong trào thi đua yêu nước, nông dân các dân tộc tỉnh nhà đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu vượt khó đi lên, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu.
Nhiều năm qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã khích lệ nông dân vươn lên làm giàu, nhiều hộ từ chỗ thiếu ăn đã biết phát huy thế mạnh nội lực mảnh đất vườn đồi của mình để vươn lên làm ăn khá. Có được điều đó, một phần do sự tác động của cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Trong những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn kênh Ngân hàng Chính sách, thông qua các đoàn thể với trên một nghìn tỷ đồng để các hộ nông dân phát huy nội lực của gia đình, đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng các diện tích nuôi, trồng. Qua đó, nhiều hộ đã có mức thu nhập trên vài trăm triệu đồng/năm.
Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Mạnh ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) với mô hình trồng 10 ha cam, năm 2007 mức thu đạt trên 600 triệu đồng, trừchi phí còn lại trên 200 triệu. Bước sang năm 2008, với sự đầu tư cho sản xuất tốt, sản lượng đã đạt gần gấp đôi, song do giá cả thị trường biến động, mức đầu tư so với năm 2007 cao hơndo vậy chỉ thu đạt một nửa của cả năm 2007, khi trừ chi phí đầu tư có lãi một phần ba. Bên cạnh đó, trong thời gian năm 2007, cũng có rất nhiều hộ tập trung vào đầu tư chăn nuôi lợn từ 30 đến 50 con, thậm chí có hộ nuôi hàng trăm con, nhưng khi chưa có sự biến động về giá thì nhiều hộ đạt mức thu khá. Tuy nhiên, năm 2008 do giá cả biến động, thức ăn gia súc tăng cao, giá đầu ra thấp, thậm chí còn bị tư thương ép giá nên số hộ chăn nuôi lợn giảm. Tuy nhiên số hộ sản xuất kinh doanh giỏi vẫn tăng từ 9.000 hộ năm 2003 lên 13 nghìn hộ năm 2008. Về số lượng hộ chăn nuôi giỏi tăng song về số lượng đàn vật nuôi giảm do ảnh hưởng của đầu ra giá cả thấp. Chính do chi phí đầu vào lớn đầu ra gặp khó khăn thậm chí chỉ hoà vốn, từ đó đặt ra một vấn đề đối với các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần quan tâm nghiên cứu, tạo cơ chế chính sách để kích cầu phù hợp cho nông dân khi làm ra sản phẩm.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, mô hình kinh tế VAC ở tỉnh ta đã góp phần quan trọng, làm giảm số hộ nghèo toàn tỉnh từ 50% (năm 2004 theo tiêu chí cũ) xuống còn 28% năm 2009. Tuy nhiên, để tiếp tục cho phong trào phát triển rộng và đồng đều ở khắp các vùng trong toàn tỉnh, các cấp chính quyền cần tiếp tục có cơ chế chính sách kích cầu cho mô hình kinh tế này. Đầu tư cho đầu vào đã được chú trọng, song cần phải quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm hàng hoá của nông dân, vì trong điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn và thị trường giá cả bấp bênh, nông dân thường bị thiệt thòi, bị tư thương ép giá… Hiện nay, chính sách liên kết “4 nhà” cũng chưa có cơ chế cụ thể trong việc hợp đồng thu mua nông sản của nông dân nên đã tác động đến tư tưởng của nông dân trong sản xuất hàng hoá, làm ít thì thiếu, sản phẩm ra nhiều thì khó tiêu thụ thậm chí còn bị thua lỗ. Chính từ thực tế đó, Nhà nước ta nên có cơ chế, chính sách kích cầu cả đầu vào lẫn đầu ra thì mới tạo cơ chế đồng bộ và mới khuyến khích động viên nông dân an tâm phấn khởi trong quá trình đầu tư sản xuất.
Ý kiến bạn đọc