Phát triển cỏ chăn nuôi gia súc ở Đồng Văn
Là huyện vùng cao núi đá, Đồng Văn có lợi thế về chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đàn bò, vừa lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường. Sản phẩm bò thịt của Đồng Văn được đánh giá cao ở thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi bò ở Đồng Văn.
Có thể khẳng định, mỗi con bò, đàn bò là tài sản khá lớn của mỗi gia đình nông dân ở Đồng Văn. Chính vì thế, để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, Đảng bộ, chính quyền huyện đã quan tâm, chú trọng đến việc chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân phát triển, mở rộng diện tích trồng cỏ trên địa bàn, tạo nguồn thức ăn dồi dào, có chất lượng cho đàn gia súc trong toàn huyện.
Với điều kiện địa hình đá nhiều hơn đất, độ dốc lớn, những nơi đất tốt nhân dân ưu tiên trồng cây ngô làm lương thực, do đó, việc mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi ở Đồng Văn là vấn đề khá khó khăn. Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn; sự tuyên truyền, vận động nhiệt tình của các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trong huyện; sự hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóccủa đội ngũ cán bộ khuyến nông... nên ý thức của người dân về lợi ích của việc trồng cỏ chăn nuôi gia súcđược nâng lên rất nhiều. Đến hết tháng 12.2008, theo số liệu thống kê, tổng diện tích cỏ trên địa bàn huyện Đồng Văn chỉ có 120 ha, mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu chăn nuôi của bà con. Người dân vẫn phải vất vả đeo quẩy tấu leo núi hái cỏ rừng phụ thêm vào bữa ăn cho gia súc, mặc dù các loại cỏ rừng mà gia súc có thể ăn được không nhiều, chất lượng dinh dưỡng thấp. Bước sang năm 2009, huyện đã quyết tâm mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi gia súc bằng nhiều biện pháp cụ thể, căn cứ sát với tình hình, điều kiện của từng địa bàn, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho 19 xã, thị trấn mở rộng tổng diện tích cỏ toàn huyện lên 300 ha, trong đó xã ít nhất trồng 4 ha (Phó Bảng), xã nhiều nhất trồng 20 ha (Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn, Phố Cáo, Sủng Trái...). Đến hết 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã trồng được 152,1 ha, đạt 50,6% kế hoạch. Số diện tích còn lại, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát diện tích đất trống đủ điều kiện trồng cỏ, cung cấp đủ số lượng giống theo nhu cầu của người dân... quyết tâm đến hết tháng 10 sẽ hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch trồng cỏ cả năm.
Đồng chí Trường Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện cho biết: “Căn cứ vào diện tích đất còn trống có thể tận dụng trồng cỏ; nhu cầu của người dân ở các xã, thị trấn; sự hỗ trợ của các đơn vị phụ trách, đỡ đầu các xã của tỉnh, của huyện... chỉ tiêu năm nay huyện giao 300 ha, nhưng chúng tôi cố gắng thực hiện 330 ha, vượt 30 ha so với kế hoạch năm”. Có thể nói, ngoài sự chủ động, nỗ lực trong việc mở rộng diện tích trồng cỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Văn thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh, huyện được giao phụ trách, đỡ đầu các xã có vai trò đáng ghi nhận trong việc trồng cỏ. Trong việc hỗ trợ, giúp đỡ xã về mọi lĩnh vực để phát triển KT – XH thì mỗi đơn vị đều chú trọng đến việc trồng cỏ tại xã mình phụ trách. Trong tổng số 300 ha, các đơn vị đỡ đầu đã góp vốn, mua giống trồng 55 ha tại các xã trong huyện. Ngoài ra, nhiều xã cũng đã vận động cán bộ, CCVC góp tiền mua giống cỏ ủng hộ và trực tiếp xuống trồng cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn.
Do điều kiệu địa hình nên diện tích trồng cỏ của huyện Đồng Văn không tập trung, nơi trồng nhiều nhất chỉ có 0,5 ha, chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, phân tán. Chính vì điều kiện khó khăn về diện tích nên người dân Đồng Văn đã hết sức tận dụng, khai thác những nơi có thể trồng được cỏ để đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, từ đó đáp ứng được nhu cầu rất lớn về thức ăn cho gia súc trong huyện. Cùng với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để xóa đói, giảm nghèo thì việc mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi đàn gia súc tăng trưởng, phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập lớn cho mỗi hộ gia đình và cũng là điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân ở huyện cực Bắc của Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc