Hoàng Su Phì xây dựng thương hiệu chè xanh chất lượng cao
HGĐT- 3 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND huyện về Quy hoạch, phát triển cây chè giai đoạn 2007-2010, Hoàng Su Phì đã xây dựng được vùng chè rộng lớn ở 12 xã với diện tích trên 3,5 nghìn ha. Cùng với việc mở rộng diện tích, Hoàng Su Phì còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao.
Sau nhiều tháng triển khai lắp đặt hệ thống máy móc, nhà máy chế biến chè xanh chất lượng cao do doanh nghiệp Thành Công (Yên Bái) xây dựng tại thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu đã chính thức đi vào hoạt động. Những mẻ chè xanh thử nghiệm đầu tiên ra đời vừa đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, vừa giữ được hương thơm, vị đượm đặc trưng của chè Hoàng Su Phì. Hiện nay, khắp vùng chè Hồ Thầu, người dân đang tích cực chăm sóc diện tích chè, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới. Nhà máy chè xanh chất lượng cao đầu tiên xây dựng tại vùng chè nổi tiếng Hồ Thầu đã thắp lên niềm hy vọng khẳng định thương hiệu chè Hoàng Su Phì.
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, mảnh đất Hoàng Su Phì từ lâu đã nổi tiếng với những vùng chè Shan tuyết cổ thụ mọc trên độ cao 700m so với mực nước biển. Trên độ cao đó, có những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi, thân cao 2-3m, tán rộng, lá chè hấp thụ nguồn không khí trong lành, mátđã tạo ra hương thơm, vị đượm rất đặc trưng của chè Hoàng Su Phì. Thế nhưng, nhiều năm trước đây việc trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội huyện. Người dân vùng chè chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chè Hoàng Su Phì vẫn chìm vào những dòng chè từ các vùng chè trong tỉnh. Tuy có lợi thế phát triển cây chè nhưng diện tích chè rất phân tán, chưa hình thành các vùng chè tập trung, chưa có chiến lược đầu tư, phát triển sản phẩm, đời sống người dân vùng chè rất bấp bênh. Bên cạnh đó, người trồng chè chưa nắm bắt được những thông tin cần thiết về thị trường nên thường bị động trong tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực trạng đó đòi hỏi Hoàng Su Phì cần có chiến lược đổi mới vùng chè, tạo dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm. Có như vậy, vùng chè Hoàng Su Phì mới phát triển, cây chè mới trở thành cây mũi nhọn, người trồng chè mới có nguồn thu nhập ổn định. Trên cơ sở đó Nghị quyết chuyên đề về Quy hoạch, phát triển cây chè ra đời với lộ trình thực hiện, chiến lược cụ thể đã giải quyết những bức xúc đối với vùng chè Hoàng Su Phì. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2010 không chỉ tạo ra những vùng chè tập trung mà còn đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến chè với công nghệ hiện đại, từng bước tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Để đánh thức tiềm năng vùng chè, huyện xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng chè. Theo đó, người dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích chè trồng theo phương pháp ươm bầu, 1 triệu đồng/ha đối với diện tích chè trồng bằng quả… Chủ trương của huyện đã tạo được sự đồng thuận trong dân, ngay năm đầu thực hiện, 6 xã: Thông Nguyên, Nậm Ty, Nậm Dịch, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Khoà đã trồng được trên 370 ha chè, trong đó diện tích trồng mới 236,96/142 kế hoạch, đạt gần 167%, diện tích trồng dặm trên 133 ha. Kết quả trồng chè trên đã tạo niềm tin, sự phấn khởi để nhân dân trong huyện tiếp tục bước vào năm thứ hai thực hiện mục tiêu phát triển vùng chè. Tuy nhiên, năm 2008 giá sản phẩm chè trên thị trường biến động rất thất thường, có thời điểm giá chè xuống thấp, một ngày thu hái chè chỉ được vài chục nghìn đồng nên tư tưởng người dân vùng chè có phần giao động. Nhưng với quyết tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của nhân dân, tại 5 xã: Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Bản Luốc, Bản Péo diện tích trồng chè vẫn đạt trên 161 ha. Nhằm chủ động nguồn giống trồng chè năm 2009, huyện đã ươm cây giống bằng quả chè được trên 1 triệu túi bầu tại 3 xã: Thông Nguyên, Nậm Ty, Nậm Khoà; 70 nghìn bầu giâm cành tại xã Nậm Dịch. Số cây giống trên hiện đang được chăm sóc tốt chuẩn bị trồng chè vào cuối năm.
Qua 3 năm thực hiện định hướng phát triển vùng chè, Hoàng Su Phì đã trồng được trên 667 ha, trong đó diện tích trồng mới trên 456 ha, đạt trên 150% kế hoạch. Huyện đã quy hoạch vùng trọng điểm chè tập trung ở 9 xã phía Nam gồm Thông Nguyên, Nậm Ty, Nậm Dịch, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Khoà, Túng Sán, Bản Péo, Bản Luốc để xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chè chất lượng cao. Đến nay, vùng chè hàng hoá của Hoàng Su Phì đã mở rộng ra 12 xã với diện tích 3,5 nghìn ha, trong đó 2,7 nghìn ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha. Cùng với việc phát triển diện tích chè, các cơ sở chế biến chè trên địa bàn huyện cũng không ngừng tăng. Toàn huyện hiện có 49 cơ sở chế biến chè công nghiệp và chế biến trong dân. Trong đó, có 5 HTX chế biến chè quy mô 3-5 tấn/ngày, 43 cơ sở chế biến nhỏ công suất từ 200-1.000kg chè búp tươi/ngày. Tuy nhiên, hệ thống máy móc tại các cơ sở còn lạc hậu, chủ yếu chế biến bằng phương pháp thủ công nên chất lượng, giá thành sản phẩm thấp.
Với mục tiêu từng bước tạo ra sản phẩm chè có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, năm 2008 huyện đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sản xuất, chế biến chè cho HTX Phìn Hồ với công suất 1,5-2 tấn/ngày, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, mua máy cải tạo dây chuyền chế biến chè xanh cho Hợp tác xã chè Chiến Hảo… Doanh nghiệp Thành Công (Yên Bái) cũng đã đầu tư gần 3,6 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến chè xanh chất lượng cao tại xã Hồ Thầu. Với hệ thống máy móc hiện đại, sản phẩm chè qua chế biến đẹp về mẫu mã và điều quan trọng vẫn giữ được hương thơm, vị đượm đặc trưng của chè Hoàng Su Phì. Trong thời gian tới, sản phẩm chè xanh chất lượng cao của Hoàng Su Phì sẽ được chào bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ý kiến bạn đọc