Đổi mới ở xã biên giới Xín Mần

17:06, 17/07/2009

HGĐT- Cuối tháng 6, đang trong không khí oi nồng của giữa hè, chúng tôi lên xã biên giới này lòng cứ lâng lâng, biên giới thật bình yên, cuộc sống nơi này ngày một xanh hơn. Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần Vàng Văn Khún hồ hởi: Hơn năm nay Xín Mần đã có nhiều chuyển biến ngoài sức mong đợi anh ạ. Trước mắt tôi là cơ ngơi mới khang trang to đẹp. Nhà công vụ xã cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện.


 

 Một góc xã biên giới Xín Mần đã có nhiều đổi thay.


Được biết đó là công sức, tiền bạc đóng góp của toàn dân, cộng tiền tiết kiệm của từng cán bộ xã quyên góp. Thi công công trình cũng do xã, đội xây dựng xã đảm nhận. Thật vui, khi biết những thanh niên vùng cao xưa chỉ tay cày, tay cuốc, nay đã học và làm cả tay bay, tay dao, xây nên những công trình hướng về tương lai. Ngôi trường nội trú khu vực của 4 xã khi xưa còn hoang sơ, nay đã kiên cố hóa. Hơn 200 học sinh là con em của xã: Xín Mần, Nàn Xỉn, Pà Vầy Sủ, Chí Cà đều về đây học chữ, học làm người. Gần 4 năm thành lập, cùng sự đầu tư của Nhà nước, sức đóng góp của dân, trường nội trú cụm biên giới đã ngày đêm thắp lên ánh sáng của tri thức nhân loại, bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biên ải. Theo đánh giá của chính quyền, từ ngày trường nội trú khu vực được thành lập, bà con cũng như các em học sinh trong vùng phấn khởi lắm, mong mỏi lắm, nên việc huy động sức dân đóng góp làm trường, làm đường, huy động con em đi học trở nên “nhẹ nhàng” rất nhiều. Ban giám hiệu trường nội trú xác nhận: Vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng không còn nữa, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cho kết quả “hơn cả mong đợi - hơn cả kế hoạch đề ra”.


Điểm qua những kết quả trong phát triển kinh tế, các anh lãnh đạo xã cho biết: Các loại cây trồng gần 100% giống mới. Chủ đạo là cây ngô 256 ha, lúa 62 ha, đậu tương 18 ha, nhân dân mới đưa cây dong giềng trồng tập trung để lấy nguyên liệu làm miến dong hơn 32 ha. Cây lâm nghiệp dùng cây Tống Quá Sủ ươm tại xã để phục vụ trồng phủ xanh đất trống 15 vạn cây. Nhận xét về giống cây trồng ở địa phương đồng bào cho rằng: Lúa, ngô, đậu lạc, thì giống mới hơn giống cũ. Còn giống cây trồng rừng thì Tống Quá Sủ hơn các cây khác bởi quá trình thích ứng, thích nghi khí hậu lạnh, khô hanh. Bởi thế xã mới đưa ra phương thức: Nông nghiệp “phải đổi mới”, lâm nghiệp “phát huy thế mạnh địa phương” để đồng tâm thực hiện. Chăn nuôi, xã xác định chủ lực là con bò, đàn dê, từng bước khôi phục và đẩy lên chăn nuôi hàng hóa giống lợn đen, lợn lông hung đỏ tại địa phương bởi đặc điểm nổi trội về sức sống thích ứng, dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu hiện nay. Lợn lông hung Xín Mần rất to, nếu được chăm sóc, đầu tư tốt, có con tới vài ba tạ là chuyện thường.


Trả lời câu hỏi, mấy năm qua Xín Mần đổi thay từ đâu? Nhận xét khách quan cho thấy: Sự đổi thay bắt đầu tư sự chăm lo nguồn lực con người. Duy trì sự đoàn kết thống nhất trong 6 chi bộ Đảng. Biết dựa vào dân, khơi dậy sức dân đóng góp cho phát triển KT-XH. Biết phối hợp với lực lượng trí thức, các thầy, cô giáo, tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước, các cấp chính quyền và biết phát huy lợi thế, thế mạnh địa phương cho quá trình phát triển. Đồng thời, có đánh giá thực tiễn trong quá trình triển khai, thực hiện để tìm ra cây, con tốt, loại bỏ ý thức chủ quan, áp đặt để hoạch định hướng đi phù hợp. Vượt qua 8 km, cửa khẩu mốc 5 được quy hoạch trên 3 ha, giai đoạn đầu đang được đầu tư xây dựng, nhà chợ, đường sá, dần hình thành một tổ hợp kinh tế cửa khẩu biên giới, gắn liền với các hộ dân tập trung theo quy hoạch vùng giáp biên tạo thành một vành đai biên giới vững vàng. Đội trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Nguyễn Như ý à lên một tiếng: Mấy năm nay anh em mình lại gặp nhau tại mốc 5, thật may mắn. Tôi gặp ý qua nhiều điểm biên giới hết phía Bắc, lên Thanh Thủy là về miền Tây, chẳng chỗ nào đường biên trên dọc tuyến miền Tây này anh chưa qua. Biên giới là thế, cứ gắn bó với đời lính biên phòng. Mốc 5 nối 2 xã Xín Mần - Nàn Xỉn dài 14,5 km. Với 21 cột mốc cả chính và phụ, qua 4 thôn bản giáp biên, 11 thôn bản của 2 xã với trên 300 hộ đồng bào gắn bó với nhau, cùng làm ăn, bảo vệ biên giới. Trước mắt tôi, biên giới trập trùng mây và núi, núi lại mây. Chợt nghĩ, con đường tuần tra nhỏ bé kia cứ vươn dài theo bước chân chiến sĩ, mặc cho mưa, gió, hay sương giá đêm đông. ý cho biết: Gìn giữ đường biên, mốc giới được tốt là có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng: Biên phòng, dân quân tự vệ, đoàn viên, Hội cựu chiến binh và cả sự đoàn kết ý chí giữa: Đảng, đoàn thể, chính quyền, quân và dân tạo thành. Hôm nay, đứng ở trung tâm cửa khẩu, trung tâm chợ mốc 5, trong cái ồn ã phát triển mới hiểu được sự bình yên ở đường biên, mốc giới, đó là sự thống nhất trong lòng dân, trong lòng quân. Mới hiểu câu nói “tình quân - dân như cá với nước” là vậy đấy. Để có một biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác theo anh Khánh, Đồn trưởng Đồn 219 thì còn có sự kết hợp và hợp tác của đồn biên phòng nước bạn nữa. Trải qua một thời gian đàm phán để phân giới, cắm mốc, nay mốc đã được 2 bên cắm xong. Quy định về biên giới trong việc tôn trọng chủ quyền được ký kết. Sự hợp tác, hòa bình, hữu nghị đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho Xín Mần, cho mốc 5 phát triển và phát triển ổn định, lâu dài, bền vững. Bí thư Đảng ủy xã, Vàng Văn Khún cho biết thêm: Xín Mần, mốc 5 đã được huyện, tỉnh quy hoạch thành vùng “kinh tế mở”, sự đổi thay của Xín mần cũng sẽ được xây dựng trên nền tảng của sự đầu tư từ phía Nhà nước nữa, đây được coi là “cơ hội thứ 2” để đưa nguồn tài lực, vật lực địa phương vào thực tiễn, vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy mọi hoạt động xã hội, để Xín Mần phát triển phồn thịnh. Có thật thế chăng? Những gì đã thấy, đang thấy, những điều đã làm, đang làm, hay còn ấp ủ, tôi tin rằng nó sẽ thành hiện thực. Rất cần sự nỗ lực mới, cũng như sự đồng tâm, hiệp lực của toàn quân - dân xã Xín Mần, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền để Xín Mần phát triển thịnh vượng như mong muốn.


Nguyễn Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mô hình trồng nấm sò hiệu quả ở Hà Giang
HGĐT - Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mở rộng và đa dạng hoá các ngành nghề trong nông nghiệp nhằm xoá đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc Hà Giang; một trong những điển hình đó là mô hình trồng nấm sò của đồng bào xã Phương Thiện thuộc thị xã Hà Giang.
29/06/2009
Một số cơ chế chính sách về đầu tư phát triển rừng sản xuất
HGĐT - Diện tích đất lâm nghiệp 552.033,9 ha/792.321,0 ha diện tích tự nhiên toàn tỉnh, bao gồm 49.524,4 ha đất rừng đặc dụng, 218.887,2 ha đất rừng phòng hộ và 283.622,3 ha đất rừng sản xuất. Kết quả rà soát 3 loại rừng tỉnh Hà Giang (năm 2007) thì đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng to lớn nếu chúng ta biết sử dụng một cách hợp lí và bền vững trên cơ sở các quy
29/06/2009
Thực trạng giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn bản
HGĐT - Bản Lò, xã Đông Minh, huyện Yên Minh có 25 hộ là dân tộc Giấy sinh sống . Nằm cách huyện lỵ chỉ trên 10 km nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Diện tích lúa nước ít, trình độ canh tác lạc hậu. Trước năm 1994, khi chưa được giao đất, giao rừng họ sống chủ yếu bằng phát nương làm rẫy, khai thác những lâm sản rừng tự nhiên để kiếm sống.
29/06/2009
Sản xuất vụ Đông – xuân tăng trưởng khá
HGĐT - Sản xuất vụ Đông - xuân năm 2008-2009 ở Vị xuyên được thực hiện trong điều kiện thời tiết thuận lợi hơn so với cùng vụ năm trước. Tuy đầu vụ vẫn có rét đậm và hạn hán kéo dài và giá các mặt hàng vật tư, phân bón, giá giống tăng cao, làm ảnh hưởng đến sự đầu tư thâm canh của người dân… Song, được sự lãnh chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở và sự phối
26/06/2009