Bắc Mê đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa
HGĐT- Bắc Mê với một huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Từ những thế mạnh đó, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê khóa I, nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã nêu rõ: Trong 5 năm tới, Bắc Mê tiếp tục xác định sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, gắn trồng trọt với chăn nuôi đàn đại gia súc để phát triển kinh tế hộ gia đình…
Công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn của người dân trong chăn nuôi luôn được các ban, ngành chức năng huyện Bắc Mê thực hiện thường xuyên.
Trong ảnh: Cán bộ ngân hàng và Phòng No&PTNT huyện đang kiểm tra tiến độ chăn nuôi bò nhốt tại thôn Kẹp B, xã Minh Sơn. |
Để quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trong những năm qua, Nhà nước, các chương trình, dự án của Chính phủ, phi Chính phủ đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ để bà con các dân tộc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc bằng nhiều hình thức, như: Hỗ trợ con giống, hỗ trợ lãi suất vay, tập huấn kỹ thuật và chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi… đã từng bước giải quyết được những khó khăn của bà con, dần nâng cao đời sống của người dân, góp phần làm tăng tổng đàn trâu, bò về cả số lượng và chất lượng trong những năm qua…
Tuy nhiên, theo lời tâm sự của ông Đặng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tổng đàn trâu, bò của huyện thời gian trước tăng trưởng chưa ổn định, có nhiều nguy cơ rủi ro cao, chưa được áp dụng các biện pháp hữu hiệu giữa phát triển và bảo vệ. Trong khi đó, nạn thả rông gia súc kéo dài trong nhiều năm chưa được thực hiện triệt để đến các hộ dân; công tác tiêm phòng hằng năm chưa được thực hiện triệt để, chỉ đạt trên 60% tổng đàn gia súc; hệ thống thú y thôn bản tuy có củng cố nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa phát huy tối đa chức năng vai trò trong việc tham mưu giúp việc cho cấp thôn và hỗ trợ nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi… Theo báo cáo thống kê của huyện năm 2007, tổng đàn gia súc của huyện chỉ có hơn 23.100 con, trong đó: Đàn trâu có gần 15.500 con, đàn bò chỉ có trên 7.600 con. Tính đến tháng 6.2009, tổng đàn trâu trên toàn địa bàn huyện đã tăng lên gần 16.200 con, đạt trên 95% kế hoạch năm; đàn bò tăng hơn 8.900 con, đạt gần 72% kế hoạch năm... Qua những con số thống kê tổng đàn gia súc của huyện Bắc Mê đã minh chứng cho giá trị của ngành chăn nuôi đạt tỉ trọng lớn, chiếm trên 52% trong cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, ước đạt trên 92 tỷ đồng.
Để tổng đàn gia súc phát triển ổn định, là “đòn bẩy” trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình, những tháng cuối năm 2008, huyện Bắc Mê đã làm tốt công tác chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các xã huy động cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, đôn đốc nhân dân chủ động bảo vệ đàn gia súc, nên trên toàn địa bàn không có hiện tượng trâu, bò chết rét, việc thả rông gia súc đã hạn chế, số hộ thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt tăng lên đáng kể. Nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững hơn nữa theo hướng sản xuất hàng hoá, huyện Bắc Mê triển khai Đề án xây dựng mô hình chăn nuôi bò nhốt cho 35 hộ dân tại thôn Kho Là (Minh Sơn) thực hiện. Ông Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Song song với việc triển khai các mô hình, huyện rất chú trọng đến việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân có trâu, bò để phát triển chăn nuôi bằng nhiều giải pháp, như: Thông qua dự án vay vốn qua ngân hàng theo nghị quyết và cơ chế của huyện trên cơ sở đã được khảo sát nhu cầu thực tế chủ yếu của đồng bào Mông tại 8 thôn, bản của 4 xã, gồm: Minh Sơn, Lạc Nông, Phiêng Luông và Yên Phong. Mức vay đối với mỗi hộ gia đình có nhu cầu từ 5 – 25 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng kể từ ngày hợp đồng tín dụng được lập giữa ngân hàng - người vay và huyện sẽ trả 100% lãi suất bằng nguồn ngân sách huyện cho người dân. Thông qua dự án vay vốn qua ngân hàng, đến nay, đã có trên 190 hộ dân được vay vốn, với tổng số tiền 3.370 triệu đồng, mua được 670 con trâu, bò. Tính đến cuối tháng 5.2009, số trâu, bò sinh sản được 154 con, tăng gần 8% so với kế hoạch năm. Số chuồng trại được làm kiên cố đạt gần 99%/tổng số hộ nuôi và 100% các hộ sử dụng vốn đúng mục đích để mua trâu, bò, làm chuồng trại và trồng cỏ. Dự án Chia sẻ từ khi hoạt động đến khi kết thúc đã hỗ trợ được gần 2.180 hộ dân mua được gần 2.180 con trâu, bò, với tổng số tiền giải ngân 9.056 triệu đồng. Sau một thời gian chăm sóc, chăn nuôi, số trâu, bò sinh sản được gần 980 con; trồng được gần 240ha cỏ chăn nuôi và 100% chuồng trại đều được làm kiên cố… Anh Nguyễn Giang Nam, Phó trưởng phòng No&PTNT huyện Bắc Mê cho biết: Về kinh tế, chỉ tính riêng đàn trâu, bò sinh sản thêm sau khi được hỗ trợ từ các chương trình được hơn 1.130 con, với giá trị hiện tại từ 7 triệu đồng/con theo giá thị trường, tương đương với 7.910 triệu đồng. Và về mặt xã hội: Qua các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc đã giúp cho người dân dần khắc phục được sự trì trệ trong tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thay đổi dần tập quán sản xuất tự cung, tự cấp sang nhận thức về sản xuất hàng hoá, phát huy được nội lực của bà con trong việc phát triển kinh tế, tự XĐGN cho chính mình.
Từ những kết quả trong chăn nuôi đại gia súc của huyện Bắc Mê, có thể khẳng định chương trình phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hoá thông qua các chương trình, dự án nói chung đều đem lại hiệu quả rất cao, tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng. Phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới, huyện Bắc Mê sẽ tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và khai thác số lượng trâu, bò đực giống đã được bình tuyển. Đồng thời lựa chọn, bổ sung những con giống có đủ điều kiện nhằm dần cải tạo chất lượng đàn giống. Và cũng để người dân yên tâm về nguồn vốn phát triển tổng đàn, huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về lãi suất để nhân dân, đặc biệt các hộ nghèo có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn vay…
Ý kiến bạn đọc