Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Điều này thể hiện rõ ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động XNK hàng hoá. Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua các cửa khẩu trong 6 tháng qua đạt rất thấp.
Giá trị ngành công nghiệp đạt thấp
Từ nhiều tháng nay, Xí nghiệp Xây lắp Hùng Lâm luôn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, Xí nghiệp đang khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ Mangan Giáp Trung (Bắc Mê). Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, sản xuất cầm chừng khiến hàng chục công nhân rời bỏ Xí nghiệp chuyển sang làm ở những đơn vị khác. Ông Hoa, Giám đốc Xí nghiệp than thở: Trước đây, khi sản phẩm tinh quặng Mangan được giá, Nhà nước có chủ trương cấm xuất khẩu nhằm phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước đã dẫn đến tình trạng tranh bán, đẩy giá thu mua quặng xuống thấp. Hiện nay, Chính phủ vừa tiếp tục cho xuất khẩu nhưng nền kinh tế thế giới vẫn đang ở thời kỳ suy thoái, đâu dễ bán được hàng. Trong khi đó, các sản phẩm quặng sơ chế đủ hàm lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng giá rất thấp, hơn nữa lại phải chịu nhiều khoản thuế nên sản phẩm bán ra không đủ chi phí sản xuất. Chung khó khăn với Xí nghiệp Xây lắp Hùng Lâm, sản phẩm chì - kẽm của Công ty TNHH Giang Sơn từ nhiều tháng nay cũng đắp đống không bán được. Ông Bùi Văn Thích, Giám đốc Công ty TNHH Giang Sơn cho biết: Sản phẩm chì - kẽm khai thác tại mỏ Ao Xanh (Quang Bình) của Công ty hiện tồn kho vài trăm tấn. Giá quặng chì - kẽm xuất khẩu rất thấp, không đủ chi phí sản xuất nên sản phẩm làm ra đành phải đắp đống đợi giá lên cao.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến khoáng sản, nông - lâm sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Điều này tác động lớn đến sự phát triển của ngành Công nghiệp. Trong 6 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp thực tế chỉ đạt trên 298 tỷ đồng, tương đương 27% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị ngành công nghiệp chế biến ước đạt gần 200 tỷ đồng, đạt trên 26% kế hoạch năm, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp khai thác mỏ đạt gần 48 tỷ đồng, đạt trên 25% kế hoạch, giảm trên 7% so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước đạt trên 50 tỷ đồng, đạt gần 33% kế hoạch. Công nghiệp khai khoáng và chế biến nông - lâm sản là thế mạnh của tỉnh nhưng hầu hết các sản phẩm đều giảm. Cụ thể ăngtimon kim loại sản xuất đạt 346 tấn, giảm trên 22%; quặng sắt 2.175 tấn, giảm gần 88%; mangan đạt 400 tấn, giảm gần 95%; giấy bìa đạt trên 4 nghìn tấn, giảm trên 3%. Ngành công nghiệp sản xuất, lắp giáp ô tô chỉ đạt 60 chiếc, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chè chế biến được 2.270 tấn, đạt gần 19% kế hoạch năm.
Đìu hiu các cửa khẩu
Trên địa bàn tỉnh hiện có cửa khẩu Quốc gia Thanh Thuỷ và các cặp cửa khẩu phụ như mốc 5 Xín Mần, Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Phó Bảng (Đồng Văn)…đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, trao đổi hàng hoá ngày càng lớn giữa nước ta và nước bạn Trung Quốc. Nhằm thu hút doanh nghiệp, tư thương đến tìm hiểu môi trường, triển khai XNK hàng hoá qua các cửa khẩu, ngành Hải quan đã thực hiện đồng bộ quy trình cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá hoạt động. Trước thời điểm khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các cửa khẩu luôn thu hút lượng lớn doanh nghiệp, tư thương đến làm thủ tục, triển khai hoạt động XNK. Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thuỷ luôn tấp nập những chuyến hàng từ Trung Quốc sang, từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về. Các cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới cũng rất sôi động. Từ đó, tổng kim ngạch hàng hoá XNK, thu thuế XNK liên tục phá kỷ lục, hoàn thành sớm, vượt kế hoạch đề ra rất cao.
Thế nhưng, trong thời kỳ suy giảm kinh tế toàn cầu, không khí ảm đạm đang bao trùm lên toàn bộ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Các cửa khẩu luôn vắng hoe, người, phương tiện XNC rất thưa thớt, hoạt động trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới cũng kém phần sôi động. Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thuỷ trước đây vốn tấp nập người, phương tiện, khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ cũng đang được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu XNK hàng hoá ngày càng lớn thì giờ đây mỗi ngày cũng chỉ lác đác vài chuyến hàng. Cửa khẩu ít hàng, không còn những chuyến xe từ khắp các tỉnh về Thanh Thuỷ chờ làm thủ tục thông quan khiến hàng loạt các dịch vụ tại khu vực cửa khẩu cũng bị thất thu. Thống kê của Cục Hải quan Hà Giang cho thấy: Từ đầu năm đến nay chỉ có 160 doanh nghiệp, tư thương triển khai hoạt động XNK qua các cửa khẩu. Tổng kim ngạch XNK đạt 42,7 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hoá NK đạt 34,9 triệu USD, giảm 21,7%; hàng XK đạt 7,5 triệu USD, giảm 82% so với cùng kỳ. Các mặt hàng NK chủ yếu vẫn là năng lượng điện, máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản, linh kiện, phụ tùng ô tô các loại; hàng XK chủ yếu là nhân hạt điều, tinh quặng chì, chè vàng, quả nhãn tươi. Nhưng so với các năm, những mặt hàng XNK qua cửa khẩu Thanh Thuỷ giảm rất nhiều. Điều này kéo theo số thu thuế XNK, nộp ngân sách Nhà nước chỉ được 61 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch giao, trong đó thuế NK đạt trên 9,2 tỷ đồng, thuế VAT đạt trên 47,7 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định do những tác động mạnh của khủng hoảng và suy giảm kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tinh quặng các loại thời gian qua không xuất khẩu được. Hoặc xuất khẩu được nhưng giá rất thấp, không đủ chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp không mặn mà với việc xuất khẩu hàng hoá. Thị trường Trung Quốc nhập ít hàng, những chuyến xe từ các tỉnh chở hàng nông sản về đây chờ xuất khẩu cũng rất thưa thớt, khung cảnh ở nhiều cửa khẩu rất đìu hiu.
Mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm rất nặng nề. Trong lĩnh vực XNK hàng hoá phấn đấu đạt tổng kim ngạch XNK và thu thuế XNK theo kế hoạch đề ra, ngành Công nghiệp phải đạt giá trị sản xuất theo giá hiện hành 802 tỷ đồng. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, chế biến nông - lâm sản khi sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Việc các doanh nghiệp cần làm hiện nay là chỉnh đốn, cơ cấu lại sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xâm nhập vào những thị trường mới. Các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, giúp đỡ, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chuyên sâu, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, như vậy khi nền kinh tế thế giới phục hồi, doanh nghiệp sẽ chủ động nguồn hàng bán ra với số lượng lớn, giá cao.
Ý kiến bạn đọc