Vốn vay hỗ trợ lãi suất - Cơ hội để người nông dân vùng cao xóa nhà tạm và hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn
HGĐT- Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với toàn bộ đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các đối tượng vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn là tin vui đối với người nông dân.
Một xóm người Mông tại xã Bạch Đích (Yên Minh). |
Bởi, đây là cơ hội giúp cho nông dân có điều kiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, cải thiện bộ mặt đời sống ở nông thôn trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Từ cuối năm 2008 đến nay, suy thoái kinh tế thế giới đã và đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng ở nhiều ngành và lĩnh vực. Đối với khu vực nông nghiệp-nông thôn, ngày 5-5-2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư số 09/TT- NHNN hướng dẫn thi hành Quyết định số 497/2009/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Mới đây, ngày 06-5-2009 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 579/QĐ-TTgvề việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng CSXH và Quyết định 622/QĐ – TTg ngày 17-5-2009 sửa đổi, bổ sung Quyết định 579/QĐ-TTg. Theo đó, tất cả các đối tượng vay vốn tại Ngân hàng CSXH đều được hỗ trợ lãi suất, với thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đã là 24 tháng. Với chính sách hỗ trợ lãi suất này người được hưởng lợi trực tiếp là nông dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp và các đối tượng chính sách khác.
Thực tế cho thấy, với một tỉnh miền núi khó khăn như Hà Giang kinh tế chậm phát triển, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - TBXH, Hà Giang có 6 huyện vùng cao nằm trong số 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất nước (trên 50%) là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần, với 66.437 hộ; trong đó có 64.419 hộ, bằng 343.147 khẩu, chiếm 97,64% là người dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống ở 94 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đã được Chính phủ đưa vào diện xã 135 giai đoạn 2. Với thực tế như vậy thì đối tượng vay vốn chủ yếu là người nông dân với mục đích đầu tư cho sản xuất nông lâm, ngư nghiệp và xây dựng nhà ở. Xuất phát từ điều kiện thực tế do địa hình tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, diện tích đất canh tác rất ít nên quy mô sản xuất của người dân cũng rất nhỏ bé, vì vậy nhu cầu vốn của người dân là rất cần thiết nhưng nhỏ lẻ, chỉ là đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu và các loại máy móc nhỏ như: máy thái cỏ cho gia súc, máy tẽ ngô, máy cày cỡ nhỏ, máy thái cỏ cho gia súc... với giá trị không lớn. Các đối tượng vay vốn chủ yếu thuộc đối tượng của Ngân hàng CSXH và NHNo với mục đích đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp. Theo chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn vốn vay ngân hàng được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, nông dân sẽ có cơ hội đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, qua đó tăng năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành, bảo đảm sản xuất đúng thời vụ; tạo ra những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh chất lượng cao, thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Cũng từ vốn vay có hỗ trợ lãi suất, nông dân vùng cao có điều kiện để kiện để xóa nhà tạm và sửa chữa nhà ở khang trang hơn,giúp cho bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh-sạch đẹp. Quyết định 497/QĐ-TTg và Quyết định 579/ QĐ-TTg thực sự là cơ hội tốt cho nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư tăng năng lực sản xuất, cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ lãi suất của Nhà nước:
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cùng ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công khai, minh bạch cơ chế hỗ trợ lãi suất, nhất là đối tượng thụ hưởng, thủ tục và quy trình thực hiện. Vận động nông dân nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, đồng thời chỉ đạo các các tổ chức làm dịch vụ ủy thác của Ngân hàng CSXH trong việc chấp hành chính sách tín dụng, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hướng dẫn người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết.
Chi nhánh NHNN tỉnh cần tiếp tục giám sát, đảm bảo thực hiện đúng cơ chế hỗ trợ lãi suất. Các TCTD trên địa bàn cần tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để làm sai trái, phòng ngừa thất thoát tài sản Nhà nước là khoản tiền hỗ trợ lãi suất cho người vay.
Các cơ quan có liên quan của tỉnh cần giám sát việc cung cấp vật tư, nguyên, nhiên vật liệu và máy móc đảm bảo đúng chất lượng chủng loại và giá, tránh tình trạng găm hàng ép giá.
Tin tưởng rằng, với sự phối hợp hiệu quả giữa ngân hàng cùng với các cấp, các ngành của địa phương, chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ý kiến bạn đọc