Thị xã Hà Giang: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, XĐGN
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2006-2010, xây dựng TXHG đạt tiêu chí đô thị loại III, qua 3 năm triển khai, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, chính quyền TXHG đã và đang triển khai đề án xây dựng nông thôn mới khá bài bản, toàn diện và bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ.
Bà con nông dân xã Phương Độ (TXHG) khẩn trương thu hoạch lúa Đông- xuân.
|
TXHG có 3 khu vực nông thôn với 25 thôn bản và 1 tổ dân phố, với tổng diện tích đất tự nhiên 112,410 ha, dân số 2.182 hộ bằng 11.190 khẩu của 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong toàn thị xã, đời sống của người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt vùng nông thôn đã có nhiều đổi mới trên tất cả các lĩnh vực KT-XH, QP-AN.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông thôn của thị xã đạt 11,5%. Thị xã đã tập trung sản xuất theo vùng quy hoạch, chú trọng vào phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa sạch, với nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: Lúa thơm, rau an toàn, gà, lợn, cá... Chỉ tính riêng trong năm 2008, diện tích lúa chất lượng cao của TXHG đạt 164 ha, tăng 155 ha so với năm 2006, sản lượng đạt 738 tấn, giá trị ước đạt 5,9 tỷ đồng. Diện tích rau chuyên canh an toàn đạt 38,6 ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Diện tích chuyên canh rau và sản xuất theo quy trình rau an toàn tăng đáng kể trong năm 2008, với quy mô 10 ha rau tại thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường đã đưa ra thị trường 137 tấn rau quả sạch các loại trị giá gần 900 triệu đồng. Năm 2009 này, diện tích trồng rau chuyên canh an toàn được thị xã tiếp tục mở rộng tại xã Phương Độ với 3 ha canh tác, xã Ngọc Đường 3 ha, tương đương 24 ha gieo trồng. Diện tích đất 1 vụ tại các thôn vùng cao của 2 xã Phương Độ, Phương Thiện đã được các hộ đưa vào gieo trồng thêm 1 vụ ngô, rau các loại. Ngoài việc gieo trồng lúa, ngô, rau thì các hộ dân vùng thấp của các xã đã tận dụng rơm để trồng nấm ăn, từ 40 hộ năm 2006 đến nay đã có trên 200 hộ tham gia sản xuất, giá trị thu trung bình từ 350-400 triệu đồng/năm. Thị xã đã hình thành dần làng nghề ở các xã như làng sản xuất rau tại Thái Hà, Sơn Hà (xã Ngọc Đường); Tân Tiến, Thôn Tha (xã Phương Độ); làng sản xuất nấm tại Lâm Đồng, Mè Thượng (xã Phương Thiện).
Đối với ngành chăn nuôi đã được thị xã đầu tư phát triển bằng các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn nuôi thâm canh cá, vay vốn mua trâu, bò, trồng chè, trồng rừng, vay vốn SXKD... Trong 3 năm qua (từ 2006-2008) đã có 1.651 hộ dân ở khu vực nông thôn của thị xã vay vốn qua các kênh đoàn thể với tổng số vốn 17,616 tỷ đồng. Các hộ dân đã từng bước có ý thức trong việc vay vốn đầu tư thâm canh, phát triển ngành nghề. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đẩy mạnh phát triển nuôi cá bỗng, chép lai, rô phi, chim trắng... Với sản lượng thịt, cá đưa ra tiêu thụ trên thị trường đạt trung bình 1.300 tấn/năm.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, thị xã còn mở rộng phát triển các loại cây: Chè, thảo quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. 3 năm qua, thị xã đã trồng mới được 33,5 ha chè, 29,6 ha thảo quả; thành lập được 1 HTX chế biến chè Hòa An, cùng với Công ty chè Thành Sơn đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ chè của các hộ dân cũng như nâng cao chất lượng chè của các xã. Sản phẩm chè của thị xã đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP và có nhãn hiệu “Chè Thác Khuổi Lùng”. Ngoài ra, các ngành nghề khác trong khu vực nông thôn cũng được hình thành và phát triển như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản... phục vụ nhu cầu trong nông thôn cũng như trên toàn địa bàn thị xã. Dịch vụ thương mại ở khu vực nông thôn cũng dần được phát triển, 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng của thị xã hoạt động ngày càng có hiệu quả, đã đón 3.800 lượt khách đến tham quan, du lịch, doanh thu đạt 165 triệu đồng...
Cùng với việc phát triển kinh tế, XĐGN, kết cấu hạ tầng được thị xã quan tâm đầu tư, trụ sở các xã từng bước được xây dựng kiên cố. Đến nay phần lớn trụ sở các thôn đã được xây cấp IV hoặc làm bằng gỗ chắc chắn, nền láng xi măng. Hầu hết các điểm trường được xây cấp IV, 96% thôn bản có đường ô tô đến trụ sở. Hệ thống thủy lợi được xây dựng kiên cố, đảm bảo phục vụ đủ nước cho sản xuất. Trạm y tế các xã đã được xây dựng kiên cố 2 tầng. Mạng lưới điện nông thôn được đầu tư phát triển, đến nay đã có 92,3% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Thị xã đã đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng tổng số hộ được sử dụng nước sạch lên 83%. Thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn của thị xã từng bước phát triển, hệ thống chợ được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của các hộ dân, dịch vụ ăn uống được hình thành ở khu vực trung tâm xã. Thị xã cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động 3 trung tâm học tập cộng đồng tại 3 xã, bước đầu đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
Bên cạnh việc quan tâm lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, XĐGN, hệ thống chính trị cơ sở ở thị xã được củng cố, xây dựng vững mạnh, đến nay 100% thôn bản đã có Chi bộ Đảng. Đội ngũ cán bộ cơ sở được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, từng bước được chuẩn hóa. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các xã ở khu vực nông thôn còn luôn coi trọng việc đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng gần dân, sát cơ sở, kịp thời giải quyết tốt những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong cộng đồng dân cư. Nổi bật là các xã khu vực nông thôn của thị xã đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt hiệu quả cao. Với các tiêu chí như: Chống lãng phí của công, lãng phí thời gian làm việc, chống lãng phí điện nước, chống tham nhũng, chống quan liêu và thực hiện nói đi đôi với làm..., cuộc vận động đã có tác động sâu sắc cả về nhận thức và hành động đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Noi gương Bác, nhân dân các dân tộc khu vực nông thôn của thị xã đang hăng say thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm. Kết quả, 3 năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thị xã đã có bước phát triển tích cực, lương thực bình quân đầu người trong khu vực nông thôn đạt 410 kg/người/năm. Thu nhập bằng tiền bình quân đạt 7 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 13,3%, hộ trung bình 82,7%, hộ nghèo chỉ còn 4%.
Công tác xây dựng nông thôn mới ở TXHG đã đạt được những kết quả đáng kể. Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chắc chắn trong thời gian tới, nông thôn ở TXHG sẽ có bước phát triển vững chắc, hòa nhập vững vàng trong tiến trình hội nhập.
Ý kiến bạn đọc