Người dân Thượng Bình với phong trào trồng rừng kinh tế
HGĐT- Thượng Bình là xã được chia tách và thành lập từ năm 1997, đây là xã được Chính phủ xếp diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang, có diện tích đất tự nhiên 4.374 ha, với gần 350 hộ thuộc 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chiếm phần đa là dân tộc Dao.
Những cánh rừng nứa bị khuy chết, bà con nhân dân xã ThượngBình đã kịp thời đầu tư chuyển đổi và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng của xã trước mùa khô năm nay. Ảnh: Giang Sơn |
Ngày đầu thành lập xã, Thượng Bình được biết đến với địa danh là quê hương của những cánh rừng già, nhưng đó chỉ còn là chuyện của những năm về trước.
Anh Lý Văn Phúc, người con dân tộc Dao và là Bí thư Đảng ủy xã Thượng Bình tâm sự: Mặc dù xã đã có nhiều chế tài xử lý việc phát rừng làm nương, nhưng nhiều hộ bà convẫn cố tình vi phạm, họ đưa ra cái lý “người Dao chỉ biết phát rừng làm nương, nếu không phát rừng thì lấy gì mà ăn”. Để chọn cho mình những đám nương tốt, mọi người tìm đến cả những những cánh rừng già chặt hạ, bởi đất nơi đó mới màu mỡ và lúa mới tốt. Cứ như vậy, năm này qua năm khác những khu rừng già trong xã đã bị xâm lấn và dần biến thành những mảnh nương trồng lúa, thu hoạch lúa xong thì trở thành những mảnh “nương ót”, bỏ hoang vài năm cho mọc kín thực bì lại được phát dọn gieo trồng lúa nương, sauthành vùng đất bạc bị bỏ hoang hóa và thành rừng nghèo kiệt lâm sản. Nhận thấy rừng quê mình đã dần cạn kiệt, tập thể ban lãnh đạo xã trăn trở suy nghĩ, mong tìm ra cho người Dao Thượng Bình hướng làm ăn mới vừa giải quyết được công ăn việc làm tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong xã, mới mong bảo vệ được rừng mà không để người dân trong xã phải thiếu cái ăn. Qua báo đài thông tin, biết ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nơi có đông đồng bào người dân tộc Dao sinh sống có mô hình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và làm tốt công tác giữ rừng, Ban lãnh đạo xã đã phân công người đứng đầu xã là anh trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu và học tập cách giữ rừng. Sau chuyến tham quan, anh Phúc đãcó một kết quả thu hoạch khá khả quan: Muốn giữ được rừng thì phải trồng rừng, tạo được nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Mà muốn có nguồn thu nhập ổn định từ rừng thì phải mạnh dạn đầu tư trồng rừng theo mô hình trồng rừng kinh tế hộ, hoặc bằng mô hình liên kết giữa các hộ trong xã với nhau để trồng được một diện tích rừng lớn. Suy nghĩ của anh đã nhận được sự ủng hộ khuyến khích triển khai thực hiện của các đồng chí lãnh đạo huyện, cùng với tinh thần tiên phong của một người đảng viên giữ cương vị chủ chốt của xã, anh Lý Văn Phúc đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vườn ươm tại gia đình để sản xuất cây giống. Với hơn 18 vạn cây keo được ươm trong năm 2004, anh đã cùng gia đình tiên phong trồng được trên 40 ha rừng kinh tế đầu tiên trên địa bàn xã Thượng Bình. Những năm tiếp theo gia đình anh trồng mới từ 1 - 5 ha, qua 4 năm thực hiện trồng rừng cùng với diện tích rừng khoanh nuôi được giaohiện nay nay gia đình anh có trên 150 rừng trong đó có trên 60 ha rừng keo tai tượng. Thấy cán bộ lãnh đạo xã tiên phong đầu tư trồng rừng với diện tích lớn, lại được trực tiếp đội ngũ cán bộ xã tuyên truyền vận động phát triển công tác trồng rừng theo hướng cầm tay chỉ việc, nhiều bà con trong xã đã mạnh dạn làm theo. Diện tích rừng trồng của xã Thượng Bình, ban đầu phát triển trên diện tích đất rừng nhà anh Phúc, sau phát triển nhân rộng trên địa bàn thôn Trung rồi lan rộng khắp trên địa bàn những thôn còn lại của xã. Nhiều hộ trong xã có đất rừng và có điều kiện về vốn đã mạnh dạn trồng tới vài chục ha rừng, những hộ không có điều kiện về vốn đã liên doanh với những hộ có điều kiện để phát triển rừng trồng trên diện tích đất rừng nghèo kiệt lâm sản của gia đình mình, theo phương thức ăn 50/50 khi diện tích rừng trồng bước vào chu kỳ thu hoạch.
Nhận thấy khí hậu trong năm có nhiều biến đổi bất thường, toàn bộ diện tích rừng nứa trên địa bàn xã bị khuy (ra hoa) chết trắng rừng, nhiều hộ bà con nhân dân trong xã đã chủ động mạnh dạn đăng ký và đầu tư công phát dọn, cuốc hố phấn đấu thực hiện trồng đạt 220 ha rừng keo theo đúng kế hoạch của xã đã đề ra. Nâng diện tích rừng trồng của xã từ vài chục ha ban đầu vào năm 2004 lên con số trên 1.000 ha vào năm 2009, khắc phục được gần 1/3 diện tích rừng tự nhiên của xã đã bị tàn phá những năm trước kia. Các anh Đặng Văn Dột, Lý Văn Thọ là người có tiếng trong công tác trồng rừng kinh tế của xãtiếp lời: Thực hiện các chủ trương của tỉnh trong công tác xã hội hoá nghề rừng, chuyển đổi mô hình quản lý lâm nghiệp xã hội ở địa phương, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trong đó thực hiên chương trình chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt lâm sản sang trồng rừng kinh tế đã được bà con người Dao đồng tình hưởng ứng, thay vào những nương lúa bị bỏ hoang là những mầm xanh củacây keo lai xen canh với cây hoa màu - những mầm xanh của rừng đang được tái sinh cũng đồng nghĩa với việc hình thành một tư duy mới trong cộng đồng bà con các dân tộc trong xã.
Từ một xã còn nghèo, đời sống của bà con còn mang nặng tập quán phát rừng làm nương, bằng hướng đi, cách làm đúng của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, đã góp phần đổi thay tư duy của cả cộng đồng. Về với Thượng Bình hôm nay, vẫn những con người mộc mạc ấy nhưng họ đã năng động hơn trong cách nghĩ, cách làm, được thể hiện qua những cánh rừng trồng bạt ngàn cây keo và những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thượng Bình đang thực sự chuyển mình khi người dân trong xã đã tìm ra được hướng đi cho chính mình, tạo nên một phong trào trồng rừng rộng khắp trên địa bàn xã, thu hút vài doanh nghiệp trong và ngoài huyện vào xã liên doanh cùng bà con trồng rừng kinh tế.
Ý kiến bạn đọc