Mô hình nuôi lợn nái sinh sản ở Nấm Dẩn
Người dân ở xã Nấm Dẩn sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Trong chăn nuôi, con lợn là vật nuôi truyền thống, gắn bó lâu đời với bà con nơi đây. Bà con mới chỉ biết nuôi theo cách truyền thống, giống lợn địa phương, chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn lợn sinh trưởng, phát triển chưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Xuất phát từ hạn chế trong phát triển chăn nuôi lợn ở xã, BQL Dự án xã đã quyết định thực hiện mô hình kết hợp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn nái sinh sản. Để mô hình thực hiện thành công, phát huy hiệu quả cao, BQL xã đã căn cứ theo nhu cầu đề xuất của người dân thông qua kết quả PRA, đồng thời kết hợp với tổ quản lý Dự án thôn để họp dân chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện mô hình với 2 tiêu chí: Nơi gần đường giao thông để thuận tiện việc chỉ đạo, kiểm tra, tham quan, tập huấn; hộ thực hiện mô hình phải là hộ nghèo, có lao động và tham gia nhiệt tình, có điều kiện thực hiện đảm bảo yêu cầu của Dự án. Thông qua kết quả lựa chọn, BQL Dự án xã đã chọn được 5 hộ nghèo ở thôn Tân Sơn để thực hiện mô hình. Dự án đầu tư mua cho mỗi hộ 2 con giống, tổng số 10 con giống là 205 kg và đầu tư thuốc thú y tiêm phòng với tổng số tiền đầu tư theo kế hoạch là 14.400.000 đồng. Trong quá trình thực hiện, BQL Dự án xã đã hợp đồng với Trạm Thú y huyện tổ chức cho các hộ quy trình nuôi lợn nái sinh sản; cùng với đó hợp đồng với cán bộ khuyến nông xã thực hiện việc theo dõi, chỉ đạo chăm sóc và phát hiện những dấu hiệu xấu trong quá trình nuôi lợn của bà con…
Mô hình kết thúc đã đạt được hiệu quả về kinh tế cũng như hiệu quả xã hội. Về kinh tế, trong thời gian thực hiện mô hình gần 5 tháng, tổng lượng lợn giống ban đầu cấp cho các hộ đã tăng lên 406 kg, số lợn con mới sinh là 77 con. Theo hạch toán kinh tế của BQL Dự án xã, qua gần 5 tháng mô hình đã thu được trên 28 triệu đồng tiền lãi. Về hiệu quả xã hội, mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản đã trang bị cho người dân thôn Tân Sơn nói riêng và người dân toàn xã Nấm Dẩn nói chung có thêm kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi. Từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu của người dân từ chăn nuôi tự túc, con giống địa phương, chưa áp dụng kỹ thuật khoa học sang chăn nuôi hàng hoá, có sự đầu tư về kỹ thuật, con giống tốt. Đồng thời, việc đầu tư thực hiện mô hình cũng giúp các hộ nghèo thực hiện mô hình có con giống, có điều kiện để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Ngoài ra mô hình cũng khẳng định là phù hợp với khả năng đầu tư của người dân và thích hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương.
Qua mô hình nuôi lợn nái sinh sản, người dân xã Nấm Dẩn cũng mong muốn Dự án tiếp tục đầu tư thực hiện các mô hình chăn nuôi khác như mô hình nuôi trâu, bò, dê sinh sản…để bà con có thêm cơ hội học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học mới, nâng cao năng suất, sản lượng chăn nuôi, giúp xã thực hiện nhanh công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc