Chương trình 135 giai đoạn II: Tiếp tục là “luồng sinh khí” cho Vị Xuyên phát triển

18:05, 10/06/2009

HGĐT- Là huyện biên giới nằm ở trung tâm của tỉnh, Vị Xuyên có 22 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), chủ yếu nằm ở phía Bắc và phía Đông của huyện, nơi địa hình đồi núi cao, bị chia cắt bởi sông Lô và các khe suối, vực sâu.


Các xã ĐBKK của huyện có khoảng hơn 70 nghìn ha đất tự nhiên nhưng chỉ có trên 8 nghìn ha đất có thể canh tác, với dân số trên 30 nghìn người thuộc 7 dân tộc, chiếm 31,8% dân số toàn huyện. Mặc dù là huyện có khá nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và nguồn lâm sản, song vẫn đang nằm ở dạng tiềm năng, chưa có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của huyện, dẫn đến đời sống của bà con các dân tộc, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2008 còn khá cao (32,37%), trong đó các xã ĐBKK thuộc diện xã 135, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,2%.

Chương trình 135 của Chính phủ (chương trình giúp đỡ các xã ĐBKK) kéo dài hàng chục năm nay trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và huyện Vị Xuyên nói riêng đã thực sự trở thành một “luồng sinh khí”, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao, vùng khó khăn. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 giai đoạn II, cùng với sự lãnh chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong huyện, đã có hàng chục mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt được hỗ trợ với số tiền hàng tỷ đồng, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, thông qua các mô hình, bà con nhân dân còn tiếp cận được với cách làm ăn mới, biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đồng thời nhiều công trình cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông liên xã tiếp tục được đầu tư rải nhựa hoặc rải cấp phối; các công trình thuỷ lợi được nâng cấp, chủ động được nguồn nước tưới tiêu; người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới quốc gia;tỷ lệ con em trong độ tuổi đi học được đến trường ngày càng cao… Đồng chí Lương Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau hơn 3 năm thực hiện các mục tiêu, Chương trình dự án 135 giai đoạn II, nhìn chung những vướng mắc và sự bất cập trong cơ chế điều hành trước đây đã được các bộ, ngành T.Ư và địa phương tập trung tháo gỡ và điều chỉnh, nên trong quá trình tổ chức thực hiện đã có nhiều thuận lợi, được nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, theo đó các nhiệm vụ, mục tiêu từng bước thực hiện có hiệu quả, trên cơ sở vận dụng phương châm xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập. Đặc biệt trên cơ sở phân cấp nguồn vốn, Vị Xuyên đã chủ động hơn trong việc đầu tư, bố trí nguồn vốn cho các đầu điểm công trình được sát hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, nâng cao được công tác giám sát, nhất là giám sát của bà con trong vùng dự án. Ngoài ra, Chương trình 135 giai đoạn II trong các hợp phần hỗ trợ sản xuất còn giúp bà con khai thác được lợi thế của từng vùng, người dân đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, do đó đời sống tinh thần, cơ sở vật chất được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 60% năm 2005 xuống 42% năm 2008… Có thể khẳng định: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình 135 là rất hợp lòng dân, đặc biệt nhân dân trong vùng dự án rất phấn khởi khi được trực tiếp tham gia, bàn bạc, giám sát các công trình, được hỗ trợ giống cây, con, kỹ thuật khuyến nông… Và huyện cũng thực hiện kinh phí triển khai theo đúng quy định với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai chương trình trong suốt thời gian qua.

Từ những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong những năm qua, huyện Vị Xuyên đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu cho giai đoạn từ nay đến năm 2010: Tập trung triển khai 4 nội dung cơ bản của Hợp phần Hỗ trợ sản xuất theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tiếp tục hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung vào các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lợi thế của từng xã như: Chú trọng đến cây lạc, thảo quả, chè, cây lâm nghiệp;trâu, bò, lợn và hỗ trợ máy sơ chế các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đi đôi với các nhiệm vụ là các giải pháp thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo, vươn lên làm giàu từ chính các hộnghèo, xã nghèo; huy động mọi nguồn lực và tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành để, ưu tiên cho các xã, thôn bản biên giới ĐBKK; khuyến khích các ngành, các xã, các thành phần kinh tế tham gia khai thác tiềm năng thế mạnh của tùng vùng, góp phần sớm đưa các xã ĐBKK, các thôn bản thoát khỏi đói nghèo và phấn đấu đưa Vị Xuyên ngày càng giàu đẹp.


Hữu Thụy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang sơ kết sản xuất đông – xuân và triển khai vụ mùa 2009
HGĐT- Ngày 26.5, huyện Bắc Quangtổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông - xuân năm 2008 - 2009, triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ mùa 2009.
29/05/2009
Xã Trung Thành quan tâm phát triển chăn nuôi hàng hóa
HGĐT- Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, đời sống của nhân dân các dân tộc ở xã Trung Thành (Vị Xuyên) đang từng ngày thay đổi tích cực. Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2009, toàn xã sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,8% xuống còn 15%, thu nhập bình quân nâng từ 7,5 triệu đồng lên 8,5 triệu đồng/ người/năm.
29/05/2009
Xín Mần với những giải pháp thúc đẩy ngành sản xuất chè phát triển
HGĐT- Xín Mần có 6/18 xã được đánh giá là trọng điểm và thế mạnh về trồng, chế biến chè. Các xã như: Quảng Nguyên - Cốc Rế - Chế Là - Nà Chì còn có rất nhiều vùng chè có chất lượng đặc biệt thơm ngon,hương vị rất riêng biệt, không thể pha trộn.
29/05/2009
Động lực trong phát triển nông, lâm nghiệp ở Bắc Mê
HGĐT- Trong nhiều năm qua, huyện Bắc Mê đã, đang lấy nông nghiệp làm trọng tâm trong sự nghiệp phát triển kinh tế. Từ đó, các cấp lãnh đạo huyện cũng như các cơ quan, ban, ngành và toàn thể cán bộ, người nông dân đều tìm tòi, học hỏi, sáng tạo những cái mới, cái đột phá trong phát triển sản xuất, chăn nuôi và chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
28/05/2009