Bắc Mê đánh thức tiềm năng kinh tế rừng
HGĐT- Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển rừng kinh tế giai đoạn 2006 - 2010, với mục tiêu trồng được 4.000 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng mới trên 1.000 ha, phấn đấu đưa tỉ lệ che phủ rừng lên 59%; việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và nhân dân huyện Bắc Mê đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng trồng rừng kinh tế đã có chuyển biến tích cực.
Khơi dậy tiềm năng về kinh tế từ rừng trồng
Với mục tiêu đến năm 2010 trồng mới 4.000 ha rừng sản xuất tập trung (rừng kinh tế), hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn, để đạt được kết quả này không chỉ có chính sách đầu tư của Nhà nước kịp thời thông qua các nguồn vốn, như: Dự án 661, Dự án Chia sẻ, Chương trình 135... mà còn có sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ kinh phí, động viên bà con khắc phục mọi khó khăn phát triển diện tích rừng trồng. Qua đó, đã đánh thức tiềm năng kinh tế rừng, khiến cho phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn huyện phát triển mạnh nhất từ trước đến nay.
Để thực hiện được chỉ tiêu đề ra, UBND huyện Bắc Mê đã chủ động chỉ đạo các ngành chức năng, các xã cùng các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân cũng như tổ chức các đợt tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương tỉnh bạn để bà con thấy được giá trị kinh tế từ trồng rừng. Đồng thời, tập trung tư vấn đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kết hợp với kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nhân dân trồng rừng. Bước đầu đã tạo thành mô hình trồng rừng, làm cơ sở triển khai sâu rộng thành phong trào trong nhân dân. Bên cạnh đó, để diện tích rừng trồng phát triển ổn định, các ngành, xã còn chỉ đạo, vận động người dân xây dựng hương ước, quy ước chống thả rông gia súc, nhằm hạn chế việc gia súc phá hoại cây trồng. Từ việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương, đã thu hút nhiều nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng; người lao động làm lâm nghiệp từng bước gắn bó với rừng và làm giàu từ rừng; nhiều hộ gia đình đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng rừng sản xuất, qua đó góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tăng lên đáng kể. Tính từ năm 2006, năm đầu tiên huyện Bắc Mê thực hiện phong trào trồng rừng nên huyện rất chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về giá trị kinh tế từ trồng rừng. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia trồng 300/300ha rừng, đạt 100% kế hoạch, tập trung ở một số xã để làm mô hình cho các xã khác tham quan, học tập. Năm 2007, toàn huyện trồng mới được hơn 1.233ha, trong đó Dự án 661, được UBND huyện tiến hành lập hồ sơ giao khoán cho các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân. Sau đó, kêu gọi các hoanh nghiệp tham gia trồng rừng với phương thức: Người dân góp đất, cây giống được hỗ trợ từ dự án; doanh nghiệp đầu tư vốn và nhân lực; Ban quản lý rừng phòng hộ hỗ trợ về kỹ thuật. Nhân dân và doanh nghiệp tự thoả thuận hưởng lợi. Năm 2008, theo kế hoạch huyện Bắc Mê trồng 1.900ha rừng, thực hiện được hơn 2.313ha, đạt trên 121% kế hoạch... Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn, cây giống, diện tích đất trồng rừng nên diện tích rừng trồng mới hằng năm của huyện Bắc Mê luôn phát triển năm sau cao hơn năm trước. Bước sang mùa trồng rừng năm 2009, huyện Bắc Mê tiếp tục phấn đấu trồng mới 1.900ha rừng. Với mục tiêu đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, Ban quản lý Dự án, các xã chủ động phối hợp xây dựng các vườn ươm trên địa bàn. Nhằm giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo chất lượng cây giống. Qua công tác kiểm tra trên toàn địa bàn đã có 13 vườn ươm, cây giống phát triển tốt, đảm bảo cung cấp đủ lượng giống tại chỗ.Tính đến trung tuần tháng 6.2009, toàn huyện đã trồng mới được 1.445ha, đạt trên 76% kế hoạch. Trong đó, Dự án 661 trồng được 1.050ha; Chương trình Cục khuyến nông trồng 32ha; Chương trình 135 trồng 35ha; doanh nghiệp liên kết với nhân dân trồng được gần 330ha. Còn 500ha đất trồng rừng theo kế hoạch, huyện Bắc Mê phấn đấu hoàn thành trước ngày 30.6.2009.
Những khó khăn và hướng giải quyết...
Nhìn chung, công tác trồng rừng từ năm 2006 trở lại đây được các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sát sao. Do đó, nhân dân đã có sự thay đổi nhận thức rõ rệt về hiệu quả kinh tế từ rừng và đồng tình hưởng ứng tham gia. Chất lượng cung ứng giống luôn đảm bảo tiêu chuẩn, tỉ lệ sống bước đầu đạt tương đối cao, từ 80 - 90%. Đặc biệt, rừng do các doanh nghiệp thực hiện tỉ lệ sống đều đạt trên 90%, với cơ cấu giống cây chủ yếu là: Keo, mỡ, thông 3 lá... Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất trong việc phát triển rừng kinh tế hiện nay ở huyện Bắc Mê là do chưa có vùng quy hoạch rõ ràng nên diện tích trồng rừng còn nhỏ lẻ, cơ cấu loài cây lâm nghiệp ít. Mặt khác, việc quy hoạch, thiết kế, phân lô, phát băng cản lửa những năm đầu làm chưa tốt, nhất là những diện tích có quy mô từ 5ha trở xuống. Nhiều hộ trồng rừng chưa đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất rừng kinh tế chưa thực sự gắn với nhu cầu nguyên liệu chế biến nên hiệu quả kinh tế rừng còn nhiều hạn chế. Vì nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 cơ sở chế biến bột giấy của Công ty TNHH Thuỷ Linh.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng trên địa bàn, UBND huyện và các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp theo đúng nội dung Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển rừng kinh tế, giai đoạn 2006 - 2010”; đẩy mạnh trồng rừng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thiết nghĩ, bên cạnh việc rà soát lại công tác quy hoạch vùng rừng, điều chỉnh kế hoạch trồng rừng cho phù hợp với địa phương, còn phải tạo điều kiện để nhân dân vừa có đất sản xuất lâm nghiệp vừa có đất sản xuất lương thực, đồng thời huy động mạnh mẽ các thành phần tham gia trồng rừng kinh tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm với chủ trương mỗi cán bộ khuyến nông phải xây dựng được một mô hình trồng rừng. Đối với các cấp có thẩm quyền cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn trong thời gian tới cho các xã vùng cao, vùng xa như hỗ trợ cước vận chuyển lâm sản từ xã đặc biệt khó khăn đến cơ sở chế biến, hỗ trợ thêm công lao động, để người dân đảm bảo cuộc sống... có như vậy, mới giúp người dân trồng rừng nhận thức được hiệu quả của việc trồng rừng kinh tế so với phương thức canh tác nương rẫy hiệu quả thấp như hiện nay và yên tâm với nghề rừng.
Ý kiến bạn đọc