7 giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Để vượt qua cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhằm thúc đẩy nền KT-XH của huyện phát triển đồng đều tiến tới xóa nghèo, phát triển ổn định, bền vững, Hoàng Su Phì đã đề ra 7 nhóm giải pháp nhằm “kích cầu” nền KT-XH trong giai đoạn 2009 - 2010. Đồng thời, còn tạo ra nền tảng vững chắc, thành quả của cả kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2005 - 2010).
Điểm chốt đầu tiên là cơ chế hỗ trợ mỗi HTX dịch vụ tổng hợp của 24 xã 25 triệu đồng/HTX để đưa các mặt hàng chính sách đến với người nghèo. Tiếp đó là cơ chế cho vay 100 triệu đồng/HTX (hỗ trợ 100% lãi suất 1 năm), tạo tiền đề cho các HTX có vốn hoạt động. Giải pháp trên được xem là 1 trong 3 giải pháp thuộc cơ chế chính sách và đường lối của Đảng về “tam nông” hiện nay. ở Hoàng Su Phì, trọng tâm chính vẫn là nền kinh tế “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”. Các HTX dịch vụ của Hoàng Su Phì nhiều năm qua đã thực sự trở thành “cầu nối” với nông dân - nông thôn và được đánh giá là huyện có các mô hình phát triển kinh tế tập thể hiệu quả nhất tỉnh trong giai đoạn hiện nay với nền sản xuất nông nghiệp. Đi cùng đó là giải pháp hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với các hộ gia đình canh tác “bền vững”, tức mô hình canh tác trên nền đất dốc. Canh tác bền vững đã được làm điểm khảo nghiệm nhiều năm, ở nhiều xã, trên nhiều địa hình đã mang lại bài học kinh nghiệm quý báu: Hiệu quả sử dụng đất không bị rửa trôi, năng suất cây trồng vượt trội hẳn với sản xuất đơn thuần. Không những thế, canh tác bền vững còn có tác dụng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho đại đa số đồng bào làm ăn theo cách mới, hướng mới. Riêng năm 2009, huyện đề ra “quyết định riêng” nhằm bảo trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Quyết định này nhằm thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa vào lợi thế, thế mạnh địa phương. Trong đó có sản xuất 500 ha lúa hàng hóa chất lượng cao; 1.000 ha đậu tương giống DT84, 300 ha chè trồng mới bằng phương pháp giâm cành, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, hỗ trợ trồng khảo nghiệm cây tông dù, xoan ta, keo chịu lạnh, trồng rừng phòng hộ và rừng kinh tế. Hỗ trợ trồng khảo nghiệm một số giống cây nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng tốt trên địa bàn để có biện pháp tổng kết, nhân rộng. Song song các giải pháp thúc đẩy kinh tế, còn có nhiều giải pháp nhằm xây dựng hạ tầng nông thôn, làm tiền đề cho phát triển chung xã hội. Các giải pháp đó là: Hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn 3m trở lên là 5 triệu đồng/km. Hỗ trợ mỗi hộ trong Làng du lịch sinh thái 2 triệu đồng để xây dựng các công trình vệ sinh hướng tới cuộc sống “xanh- sạch - đẹp”. Đi cùng đó là hỗ trợ các thôn bản, xã, thị trấn 5 triệu đồng để cùng Nhà nước, doanh nghiệp san ủi mặt bằng làm các điểm trường, xây dựng trường lớp cho con em học tập. Và cơ chế hỗ trợ 55 triệu đồng/nhà công vụ xã xây cấp IV, 5 gian hoặc 17 triệu đồng/xã làm nhà 5 gian toóc xi, lợp Phi-brô xi-măng. Cùng đó là mức hỗ trợ 500.000 đ/thôn làm quỹ, xây dựng quỹ ban đầu dành cho các hoạt động cơ sở đối với các phong trào thôn...
Nhìn tổng thể, 7 giải pháp để thúc đẩy phát triển KT-XH ở Hoàng Su Phì nhằm 2009 được đánh giá là giải pháp áp dụng thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng vào thực tiễn cuộc sống địa phương. Những giải pháp, cơ chế bấy lâu nay vẫn có nhưng giải pháp lần này được đánh giá “mạnh hơn - gần hơn”. Qua hơn 4 tháng thực thi, huyện đã cấp bổ sung 535 triệu đồng để hỗ trợ: Xây dựng vườn ươm, trợ giống, phân bón cho sản xuất Đông - xuân. Đã có 27,4 ha đất dốc đưa vào khai thác. Có 18/25 xã làm nhà công vụ, 33,4 km đường giao thông 3 m về thôn được mở mới, 185 hộ gia đình đã xây dựng các công trình vệ sinh ở các khu du lịch sinh thái. Rất nhiều HTX dịch vụ đãđược vay vốn, ứng hàng để phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào vùng sâu, xa, vùng biên giới, góp phần tích cực đảm bảo an ninh, đời sống xã hội. Theo đánh giá, từ nay đến hết năm 2009, chính sách, giải pháp trên sẽ tạo đà cho kinh tế của huyện phát triển vượt bậc.
Ý kiến bạn đọc