Mùa ngô xanh trên đá

16:49, 25/05/2009

HGĐT- Với đa phần diện tích là đá, 4 huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ dường như lúc nào cũng bao phủ một màu xám xịt của đá. Trên nền đá xám ấy, cây cỏ, vạn vật lúc nào cũng phải vật lộn để sinh tồn.


 
 Người dân Mèo Vạc tích cực chăm sóc ngô lai giống mới vụ Đông - xuân.

Vào mùa mưa thì bão lũ, nắng cháy thất thường có thể tạo nên những trận cuồng phong hay những con lũ thình lình quét qua cướp đi cả tính mạng con người. Nhưng đặc biệt vào mùa khô, giá rét và hạn hán dường như đã trở thành một điều quá quen thuộc với con người trên miền đá xám đầy cực nhọc.

Anh hùng - đó là những từ có thể dành để nói về những con người sống trên đá. Những người dân quanh năm bám trụ trên miền biên đã biết chinh phục tự nhiên, duy trì nòi giống bằng sức sáng tạo của mình. Vào mùa khô, khi đặt chân đến miền đá xám như gợi cho ta cảm giác về vùng sa mạc hoang cằn và trống vắng thì ngược lại vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu, màu xanh của một loại cây được trồng trên những nương đá, hốc đá lại cho ta thấy một sức sống mãnh liệt đến không ngờ trên vùng cao nguyên đá. Màu xanh ấy chính là màu xanh của những vạt núi đá phủ đầy những cây ngô.


Là loại cây lương thực chính và không thể thay thế, tự bao đời nay, cây ngô ở vùng cao núi đá được xem quan trọng như là cây lúa ở vùng xuôi. Vào bất cứ một gia đình Mông, Dao, Lô Lô và nhiều dân tộc khác trên cao nguyên đá cũng đều thấy ngô được chất đầy trên những gác nhà, gác thềm, ngô chất đầy trong những chiếc bồ, chiếc lán ngoài nương… Những hạt ngô ấy chính là nguồn năng lượng dồi dào cho những bước chân, những cơ bắp và cho bản lĩnh sinh tồn của người dân cao nguyên đá.


Vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu, lên cao nguyên đá, bước chân du khách bắt đầu chạm đến đỉnh dốc cổng trời Quản Bạ, nhìn xuống phía dưới những con đường như con rắn lượn trong màu xanh bạt ngàn của rừng ngô. Thấp thoáng những mái nhà tranh, tiếng trẻ em Mông đùa vui lẫn trong rừng ngô xanh mơn man khiến lòng ta trở nên lắng dịu. Suốt dải đường Quốc lộ 4C lên với các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc màu xanh ngô trải dài như sức sống của người cao nguyên đá. Từng tiếng cuốc làm nương va vào đá xám kêu lẹt xẹt giống như một bản nhạc rộn ràng của vùng sơn cước. Cua chữ M nổi tiếng ở huyện Yên Minh nhìn từ trên cao như rõ hơn vì bao viền quanh chiếc cua hình chữ M này toàn một màu xanh ngô.


Màu xanh miên man trải rộng khiến cho ta quên đi vùng đá xám ở dưới chân mình. Cả những nhọc nhằn và dữ dội của mùa khô hạn, mùa mưa cũng tan đi trong sự mát mẻ của màu xanh ngô trên đá. Có dịp đi vào những xóm, bản nằm sâu trong lòng cao nguyên đá, ta mới có thể cảm nhận được sức sống mãnh liệt vượt lên từ đá. Cây ngô vì thế bao đời nay được người dân nâng niu, chăm bón. Từ những nương đá, hốc đá khô cằn và “sương sẩu” ấy, người dân hàng năm vẫn phải nhặt dọn đá xếp thành lớp lớp hàng rào đá, rồi lại cặm cụi địu từng gùi đất bỏ vào những hốc đá để tăng thêm diện tích trồng ngô. Con người ngày một nhân lên và diện tích nương cũng dần nhường chỗ cho những mái nhà mới của những cặp vợ chồng trẻ. Để đáp ứng với nhu cầu sử dụng lương thực ngày càng tăng, các cấp, các ngành cũng phải bắt tay vào cuộc nghiên cứu, trồng những giống ngô cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán sản xuất của người dân… Cùng với các giống ngô bản địa, đến nay người dân đang đẩy mạnh áp dụng các giống ngô lai như: VN10, CP999, CP888, CP3Q… cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần ngô giống cũ. Từ đó, góp phần giúp cho 4 huyện cao nguyên đá phía Bắc hàng năm đạt khoảng trên một trăm ngàn tấn lương thực, trong đó đa phần là ngô.

Sau những ngày thiếu nước, những cơn mưa rả rích cuối xuân mang theo nhiều hơi ẩm như là “mưa vàng, mưa bạc” trút xuống tiếp sức cho miền đá để màu xanh ngô lại vụt lên giữa điệp trùng sơn cước. Mùa ngô năm nay chắc hẳn sẽ lại thắng lợi. Ngô và người dân trên vùng cao nguyên đá lại tiếp tục gắn với nhau như là những chủ thể, những yếu tố chính để tạo nên sức sống trên miền đá xám. Mùa ngô xanh trên đá cũng là lúc mà các chợ phiên ở vùng cao nguyên đá lại thêm đông vui nhộn nhịp bởi sắc màu trang phục dân tộc, lẫn trong vị ngọt, bùi của mèn mén và hương vị say nồng, chếnh choáng của một loại rượu chiết suất từ ngô.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy chưa được hưởng chính sách ưu đãi
HGĐT- Ngày 2.3.2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu (KTCK). Theo đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội quan trọng, khu KTCK được huy động vốn bằng nhiều hình thức, doanh nghiệp đầu tư vào khu KTCK được hưởng nhiều chế độ ưu đãi... Thế nhưng, khu KTCK
29/04/2009
Ngành chè “Sống tốt” trong suy giảm kinh tế
HGĐT- Gần kết thúc vụ thu hái chè Xuân, tất cả các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ... đều rất phấn khởi: Chè tiêu thụ tốt, không có hiện tượng ứ, ế hàng hóa làm ra.
29/04/2009
Một số giải pháp nâng cao năng suất cây lương thực ở Hà Giang
HGĐT- Hà Giang là tỉnh miền núi, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ khi nhà nước giao quyền sử dụng đất, người nông dân được tự chủ về ruộng đất và số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng tăng.
29/04/2009
HTX Dịch vụ Tổng hợp Liên Hiệp: Địa chỉ tin cậy của bà con nông dân thị trấn Yên Minh
HGĐT- HTX Dịch vụ Tổng hợp Liên Hiệp, thị trấn Yên Minh được thành lập từ tháng 3.2006 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giống cây trồng và chế biến, thu mua hàng nông sản cho người dân.
29/04/2009