Vì sao Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy chưa được hưởng chính sách ưu đãi

17:02, 29/04/2009

HGĐT- Ngày 2.3.2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu (KTCK). Theo đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội quan trọng, khu KTCK được huy động vốn bằng nhiều hình thức, doanh nghiệp đầu tư vào khu KTCK được hưởng nhiều chế độ ưu đãi... Thế nhưng, khu KTCK Thanh Thủy (Vị Xuyên) lại chưa được hưởng ưu đãi này.


Vốn đầu tư nhỏ giọt

Gần 7 năm triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng, trong khu KTCK Thanh Thủy đã có một số công trình hoàn thành, mang dáng dấp của khu thương mại. Nhưng tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở còn quá chậm, hoạt động thương mại chưa phát triển. Khu KTCK Thanh Thủy được khai sinh từ cuối năm 2003 với tổng diện tích theo quy hoạch 11,2 nghìn ha, quy mô dân số 30 nghìn người, trải dài trên địa phận 2 xã Phương Tiến, Thanh Thủy (Vị Xuyên). Riêng khu đô thị được quy hoạch dọc sông Lô, Quốc lộ 2 với diện tích 360 ha. Theo dự kiến, khu KTCK được đầu tư theo 2 giai đoạn, giai đoạn I từ 2003-2010, tổng diện tích quy hoạch 100 ha, dân số 10 nghìn người; giai đoạn II được thực hiện trong vòng 10 năm 2010-2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, biến vùng đất Thanh Thủy thành một khu kinh tế năng động, sầm uất với tổ hợp các nhà máy, khu hành chính, khu thương mại và khu dân cư hiện đại.


Tuy nhiên, để biến một vùng đất nông thôn, miền núi thành một khu kinh tế sầm uất, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược và nguồn kinh phí cực lớn. Từ khi bắt đầu khởi công xây dựng các hạng mục của giai đoạn I đến nay, khu KTCK Thanh Thủy đã 2 lần phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với cơ chế, chính sách và xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, tổng số tiền đầu tư bằng nguồn ngân sách T.Ư, địa phương từ 2003-2009 mới đạt trên 140 tỷ đồng. Từ số tiền đầu tư đó, đã có một số hạng mục công trình hoàn thành như tuyến Quốc lộ 2 Hà Giang - Thanh Thủy với chiều dài 22 km; Quốc môn, cụm cổ động văn hóa, trụ sở cơ quan Biên phòng, Hải quan, Ngân hàng NN-PTNT, Trạm thu phát sóng Vinaphone, Viettel… Ngoài ra, còn một số hạng mục công trình đang được đầu tư xây dựng như tường chắn đất suối Nà La, nhà làm việc trạm Kiểm soát liên ngành, kè bờ Tây sông Lô, san ủi mặt bằng Trung tâm Thương mại, chợ cửa khẩu, đường phân lô khu quản lý hành chính và khu vực cửa khẩu… Qua gần 7 năm đầu tư xây dựng, nhìn chung khu KTCK Thanh Thủy đã tạo được mặt bằng rộng lớn phục vụ cho các dự án đầu tư, nhưng để trở thành khu thương mại sầm uất như dự định vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi đó, hoạt động đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách rất hạn chế, hạ tầng KT-XH chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, còn dàn trải, mức độ đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cửa khẩu. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng còn chậm do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thẩm định dự án, hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán còn chậm; năng lực của một số nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu, chưa đảm bảo đúng cam kết… Những nguyên nhân này khiến hoạt động đầu tư vào khu KTCK Thanh Thủy gặp rất nhiều khó khăn.


Bao giờ được hưởng ưu đãi

Theo nhận xét của các tổ chức, cá nhân đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư và sinh sống trên địa bàn khu KTCK: Khu KTCK Thanh Thủy có nhiều cơ hội, là điểm đến cho các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Thế nhưng, hoạt động thương mại trên địa bàn khu KTCK Thanh Thủy vẫn rất nhỏ bé, mới có hơn 20 dự án được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 20 triệu USD. Cụ thể, có 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, 1 trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (1 đã tạm ngừng hoạt động), 1 cửa hàng miễn thuế, 1 doanh nghiệp kinh doanh điện nước, vệ sinh môi trường và 3 doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Cả năm 2008 mới có trên 210 tư thương, doanh nghiệp trong nước tham gia hoạt động XNK qua cửa khẩu Thanh Thủy; 24 thương nhân Trung Quốc, 70 hộ kinh doanh cá thể ở các tỉnh lân cận tham gia hoạt động kinh doanh buôn bán thường xuyên trong khu vực KTCK. Kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng của khu KTCK Thanh Thủy. Nguyên nhân, ngoài việc khu KTCK Thanh Thủy phải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, nguồn vốn đầu tư chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế của quá trình đầu tư xây dựng. Từ khi khởi công xây dựng đến nay, năm ít thì ngân sách bố trí 7 tỷ đồng, năm nhiều cũng chỉ đạt trên 40 tỷ đồng, số tiền đầu tư đó, so với hàng “núi” công việc phải làm không khác gì “muối bỏ bể”.


Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đối với khu KTCK. Theo đó, ngoài nguồn vốn T.Ư hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội quan trọng thì các dự án này còn được phát hành trái phiếu; các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài được đầu tư trực tiếp vào khu KTCK kể cả việc áp dụng các hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO). Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các dự án xây dựng công trình dịch vụ tiện ích, công cộng cần thiết của khu KTCK được đưa vào danh sách dự án kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Các dự án đầu tư trong khu KTCK được vay vốn của tổ chức tín dụng và huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.


Bên cạnh đó, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào khu KTCK được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu KTCK được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ từ khu phi thuế quan xuất ra nước ngoài không phải chịu thuế giá trị gia tăng... Tuy nhiên, để được áp dụng cơ chế, chính sách tài chính quy định tại Quyết định này, khu kinh tế cửa khẩu phải được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu phi thuế quan thuộc khu KTCK phải có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa, phương tiện ra vào khu phi thuế quan, được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng, cửa, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của Hải quan và các cơ quan chức năng.


Chính sách ưu đãi sẽ mở ra nhiều thuận lợi, tạo thêm tiềm lực, nguồn vốn đầu tư cho các khu KTCK. Nhưng khu KTCK Thanh Thủy lại chưa được hưởng những đặc quyền, đặc lợi trên. Lý do rất đơn giản, khu KTCK Thanh Thủy và BQL đến nay vẫn chưa được Chính phủ ban hành quyết định thành lập. BQL khu KTCK Thanh Thủy chưa có thẩm quyền đủ mạnh để giải quyết các nhiệm vụ trong tình hình mới như: Cấp phép đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, cấp phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư sinh sống trên địa bàn khu KTCK. Bên cạnh đó, việc xây dựng đề án thành lập khu kinh tế thương mại đặc thù cửa khẩu Thanh Thủy đã hoàn thành với phạm vi quy hoạch trên 28,7 nghìn ha nhưng đến nay vẫn dừng lại ở bước báo cáo Bộ KH-ĐT thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành chè “Sống tốt” trong suy giảm kinh tế
HGĐT- Gần kết thúc vụ thu hái chè Xuân, tất cả các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ... đều rất phấn khởi: Chè tiêu thụ tốt, không có hiện tượng ứ, ế hàng hóa làm ra.
29/04/2009
HTX Dịch vụ Tổng hợp Liên Hiệp: Địa chỉ tin cậy của bà con nông dân thị trấn Yên Minh
HGĐT- HTX Dịch vụ Tổng hợp Liên Hiệp, thị trấn Yên Minh được thành lập từ tháng 3.2006 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giống cây trồng và chế biến, thu mua hàng nông sản cho người dân.
29/04/2009
Một số giải pháp nâng cao năng suất cây lương thực ở Hà Giang
HGĐT- Hà Giang là tỉnh miền núi, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ khi nhà nước giao quyền sử dụng đất, người nông dân được tự chủ về ruộng đất và số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng tăng.
29/04/2009
Công ty TNHH Minh Châu sát cánh cùng huyện Xín Mần tháo gỡ khó khăn
HGĐT- Trong chuyến tháp tùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm và làm việc tại huyện Xín Mần, được nghe các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung đề cập đến việc đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình, dự án nhất là lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện. Trong quá trình báo cáo các đồng chí lãnh
27/04/2009