Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở Ngam La

17:04, 17/04/2009

HGĐT- Với bản chất cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất và chăn nuôi, người dân xã Ngam La (Yên Minh) đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá từ nông nghiệp có chất lượng, nhưng vẫn chưa khẳng định được vị trí trên thị trường mà theo chúng tôi: Hiện người dân nơi đây vẫn tự loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm...


Chè ngon nhưng chưa có chỗ đứng trên thị trường...

Ngam La, một xã còn rất nhiều khó khăn, xã mà chúng tôi mỗi dịp đến công tác ở huyện đều được nghe không chỉ cán bộ mà cả người dân nhắc đến với những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, nào là chè Bố Láu, gạo, ngô đến thực phẩm đặc sản như: Thịt lợn đen, gà, ngan, ngỗng, mật o­ng… đều đã phát triển thành hàng hoá, là thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân.


Qua sự giới thiệu và sau khi được thưởng thức hương vị chè Bố Láu, chúng tôi đã về với xã Ngam La, để được “mục sở thị” những gì mình nghe, mình biết. Sau một quãng đường hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy từ thị trấn Yên Minh mới đến được trung tâm xã Ngam La và cái cuốn hút tôi đầu tiên khi đến đây vẫn là cây chè. Đứng trên đỉnh một đồi chè, thả tầm mắt nhìn về 4 phương, 8 hướng đều thấy cơ man bạt ngàn cây chè, lớn có, bé có và cả những cây cổ thụ cũng đều có… Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, cây chè nơi đây được bàn tay cần cù, chịu khó của bà con chăm bón, tỉa tót rất kỹ lưỡng, thẳng hàng, thẳng lối. Chỉ với những gì tận mắt nhìn thấy đã đủ minh chứng cây chè của xã Ngam La thực sự là thế mạnh của vùng, là một trong những giải pháp thoát nghèo của người dân. Theo cảm nhận của riêng tôi, sau khi được thưởng thức, chè Ngam La có những nét độc đáo riêng và có thể coi là một trong những sản phẩm đặc sản của huyện Yên Minh cho dù hương và vị chè Ngam La chưa khẳng định được “chỗ đứng” nên chưa sánh được với một số loại chè đã được khẳng định chất lượng trên thị trường như: Cây chè Shan tuyết ở xã Phìn Hồ (Hoàng Su Phì); Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên); Lũng Phìn (Đồng Văn)... Sản phẩm chè của những địa phương nêu trên đã, đang khẳng định được vị trí của mình trên thị trường cũng như chinh phục được những người sành chè...


Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích gần 170ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 140ha. Chè được sản xuất đều nhưng người dân xã Ngam La vẫn phải tự chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm chè. Vì, trước đây tại trung tâm xã cũng đã xây dựng được một cơ sở chuyên thu mua, chế biến chè cho bà con nhưng sau một thời gian hoạt động nay đã gần như đóng cửa. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, để mua được vài cân chè Bố Láu, người ta phải liên lạc vào xã đặt hàng trước với giá bán 80.000 đồng/kg chè khô mới có chè để mua...


“Vật nuôi” cũng tự tìm đầu ra...

Ngoài việc chăm sóc, phát triển diện tích cây chè, người nông dân Ngam La rất chú trọng đến phát triển nghề chăn nuôi theo thế mạnh của địa phương. Hiện nay, toàn xã có gần 530 hộ, hơn 3.200 khẩu. Trong đó, hộ khá gần 150 hộ, chiếm gần 28%; trên 200 hộ trung bình, chiếm gần 40%; trên 170 hộ nghèo, chiếm hơn 32%. Các hộ dân nơi đây ngoài việc duy trì, phát triển trồng cấy ngô, lúa trên diện tích sẵn có, họ còn rất chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá.


Hiện tại, vào bất cứ một gia đình nào trong xã đều nhận thấy hệ thống chuồng, trại chăn nuôi khá đảm bảo. Theo số liệu báo cáo, toàn xã Ngam La hiện có gần 4.440 con gia súc; trên 5.240 con gia cầm. Nếu chia bình quân theo số hộ trong xã thì mỗi hộ dân nơi đây có khoảng 8 con trâu, bò, dê, ngựa... Qua buổi làm việc với ông Lý A Các, Chủ tịch UBND xã Ngam La, chúng tôi được biết: Để tổng đàn gia súc, gia cầm của xã phát triển ổn định về cả chất lượng và số lượng, các cấp lãnh đạo, cán bộ chức năng của xã luôn làm tốt công tác lãnh, chỉ đạo nông dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Chỉ tính trong quý I/2009, xã Ngam La đã tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng cho gia súc được hơn 1.800 liều. Ông Các khẳng định, trong thời gian qua, trên địa bàn toàn xã không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng đối với đàn gia súc, gia cầm, tổng đàn đang có chiều hướng phát triển tốt theo mô hình trang trại vừa và nhỏ. Hiện toàn xã đã hình thành hơn 10 trang trại, trong đó có 1 trang trại nuôi bò, 10 trang trại chuyên nuôi lợn... Thời gian qua, sản phẩm nông nghiệp không chỉ của người nông dân trên địa bàn xã Ngam La mà cả các xã có cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh trở thành hàng hoá trên địa bàn huyện Yên Minh và cả các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch bằng nhiều cách khác nhau, như: bán nhỏ, lẻ tại các chợ phiên, khu vực đông dân cư hoặc do thương lái ở nhiều nơi tìm đến mua... Với những cách trên, tuy sản phẩm của người lao động dù ít hay nhiều cũng được tiêu thụ nhưng cũng chính vì hình thức tiêu thụ thụ động đó mà nguồn thu nhập của họ luôn thất thường, không ổn định, giá của sản phẩm luôn bị tư thương ép hoặc thả nổi theo giá thị trường. Do đó, dù người lao động có chăm chỉ đến đâu, đầu tư nhiều công sức, tiền của nhưng thu nhập từ việc bán sản phẩm không được là bao, chưa xứng đáng với công sức lao động của người nông dân bỏ ra...


Để bà con các dân tộc ổn định tư tưởng, yên tâm phát triển sản xuất, rất cần các cơ quan, ban, ngành chức năng vào cuộc, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kinh phí, tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm cho người nông dân cũng như tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện tuyến đường giao thông vào trung tâm xã; tiếp tục có sự quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh thành vùng chuyên canh, làm tốt hơn nữa công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm hàng hoá trong nông nghiệp trên thị trường trong và ngoài huyện... Có vậy, người nông dân mới có thể tự XĐGN cho chính mình trên thế mạnh sẵn có của địa phương.


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị tổng kết Dự án Chia sẻ giai đoạn 2003 – 2009
HGĐT- Ngày 27.3, tại Hội trường Sở Kế hoạch - Đầu tư, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Đình Châm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Chia sẻ tỉnh; Bế Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Giám đốc Ban thư ký Dự án Chia sẻ tỉnh, Hội nghị tổng kết đánh giá kết quảtriển khai thực hiện Dự án Chia sẻ giai đoạn 2003 –
30/03/2009
Lúa xuân gieo xạ ở Vị Xuyên phát triển tốt
HGĐT- Để giúp nông dân giảm nhiều công sức trong sản xuất nông nghiệp, vụ xuân năm 2009, bằng nguồn vốn khuyến công, huyện Vị Xuyên đã đầu tư cho nông dân trên 50 máy gieo xạ, đây là công nghệ mới được ứng dụng trên địa bàn huyện vụ xuân năm 2009; huyện thí điểm gieo xạ 45 ha/tổng diện tích 1.800 ha lúa xuân toàn huyện và được triển khai thực hiện tại 6 xã, thị trấn là những
30/03/2009
Bắc Mê phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng sản xuất
HGĐT- Huyện Bắc Mê có tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng với tổng diện tích đất có rừng lên đến trên 41 nghìn ha. Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế rừng nhưng hiện tại diện tích rừng sản xuất của huyện còn thấp, số hộ sống và làm giàu từ rừng chưa nhiều.
27/03/2009
Ký kết hợp đồng tín dụng Dự án Thủy điện Sông Miện với mức đầu tư 90 tỷ đồng
HGĐT- Ngày 26.3, tại Ngân hàng NN&PTNT Hà Giang, đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án Thủy điện Sông Miện giữa Ngân hàng NN&PTNT Hà Giang và Công ty CP Bát Đại Sơn.
27/03/2009