Một số giải pháp nâng cao năng suất cây lương thực ở Hà Giang
HGĐT- Hà Giang là tỉnh miền núi, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Từ khi nhà nước giao quyền sử dụng đất, người nông dân được tự chủ về ruộng đất và số lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng tăng.
Nhưng diện tích đất trồng lúa, ngô cả năm tăng không đáng kể và năng suất thấp so với tiềm năng sinh học của nó. Do tỷ lệ diện tích trồng các giống mới còn thấp; hệ thống dịch vụ vật tư nông nghiệp chưa vươn đến các xã; đa số người nông dân chưa chủ động tận dụng hết các nguồn phân tự có; người nông dân chưa thấy được lợi ích của việc “dồn điền đổi thửa” và chưa chủ động thực hiện. Để tăng năng suất cây luơng thực có hạt ở Hà Giang, theo tôi cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, mở rộng hệ thống dịch vụ vật tư nông nghiệp đến tận xã và có chính sách cho hộ nghèo được ứng trước vật tư, khi thu hoạch mới thanh toán, để người nông dân có điều kiện mua giống, phân hoá học, phân vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh, bình phun thuốc, máy tuốt lúa và các loại nông cụ khác, bảo đảm chất lượng và kịp thời đầu tư cho thâm canh. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương đã và đang phối hợp cùng với Bộ NN- PTNT xây dựng các đề án xúc tiến thương mại, đưa hàng hoá về nông thôn và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Chắc chắn sau này nông dân sẽ được cung ứng vật tư nông nghiệp thuận lợi hơn.
Hai là, làm tốt công tác khuyến nông, chỉ đạo tốt việc sử dụng giống mới và gieo trồng, chăm sóc đúng thời vụ, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật.
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể ở nông thôn, phát động và tạo ra phong trào làm chuồng gia súc xa nhà, bảo đảm ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và tận dụng được nguồn phân chuồng; thường xuyên tổng vệ sinh nhà ở, và xung quanh nhà làm sạch làng tốt ruộng; tận dụng các loại lá cây non chế biến làm phân xanh; nhà nào cũng có công trình vệ sinh đạt yêu cầu và tận dụng được phân bắc.
Bốn là, tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc “dồn điền đổi thửa”, để nơi sản xuất gần nơi ở hơn; đỡ mất thời gian đi lại làm việc và công vận chuyển vật tư, phân bón; có điều kiện đầu tư thâm canh và quản lý tốt hơn.
Trên đây là bốn giải pháp chính làm tăng năng suất cây lương thực có hạt ở Hà Giang, có lẽ còn nhiều giải pháp khác nữa. Nhưng các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ mới có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc