Cao su-cây giảm nghèo và làm giàu bền vững
HGĐT- Cao su là một loại cây có lợi thế, là cây đa mục đích, có khả năng phát triển bền vững. Việc đưa cây cao su đến trồng tại một số huyện ở Hà Giang đang được xem là một chủ trương lớn và đúng đắn, phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh.
Nhân dân thôn Hạ, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đang tích cực đóng bầu đất để ươm cây cao su, chuẩn bị cho vụ trồng.
|
Đặc biệt, mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và nông dân theo kiểu cổ phần (nông dân góp đất trồng cao su, doanh nghiệp cung cấp giống, vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ…) đang tạo ra cơ hội cho người nông dân tỉnh ta trở thành người công nhân lao động, được đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần và những phúc lợi xã hội khác.
Xuất phát từ chủ trương của Chính phủ về việc phát triển cây cao su tại các tỉnh vùng Tây Bắc, trong thời gian vừa qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Sơn La, Lai Châu, để thống nhất chủ trương trồng cây cao su trên địa bàn một số huyện, đồng thời tiến hành thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo chương trình phát triển cao su của tỉnh và Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang. Trung tuần tháng 4 vừa qua, đoàn đại biểu của tỉnh do đồng chí Hoàng Minh Nhất, Bí thư Tỉnh uỷ dẫn đầu đã đến Nông trường Cảnh Hồng, thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc tiếp tục tham quan và học tập kinh nghiệm trồng cây cao su, đặc biệt là trồng cây cao su trên đất dốc. Đây là nông trường đã có trên 50 năm trồng và khai thác sản phẩm từ cây cao su, hiện có hơn 10.000 ha diện tích cây cao su đang cho khai thác và là một trong những nông trường có diện tích cao su lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay, được thành lập từ năm 1956. Được biết trong hơn 50 năm qua, Nông trường Cảnh Hồng đã không ngừng lớn mạnh, hiện tại có 55 đội sản xuất và hơn 28 nghìn cán bộ, công nhân và 2 nhà máy chế biến, hàng năm cung cấp trên 80% sản lượng mủ cao suphục vụ nhu cầu trong nước. Anh Hoàng Nhị Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Phó Ban quản lý Chương trình trồng cây cao su của tỉnh vừa đi cùng đoàn tham quan học tập về cho biết: Khu vực trồng cao su bên bạn khó khăn hơn Hà Giang chúng ta do ở độ cao từ 560-900 mét so với mực nước biển, địa hình chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn, hàng năm vào tháng 4, tháng 5 thường có mưa đá, mùa khô hạn hán và có khoảng một tuần rét dưới 0 độ C… Tuy nhiên, lãnh đạo Nông trường Cảnh Hồng khẳng định: Độ cao và thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng mủ cao su. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, sản phẩm mủ cao su của Nông trường luôn duy trì đạt trên 4,5 vạn tấn mỗi năm, năng suất, sản lượng luôn đứng đầu Trung Quốc... điều đáng quan tâm là đời sống của cán bộ, công nhân trồng, khai thác sản phẩm cao su ở đây đều có mức sống và thu nhập ổn định, 100% có nhà xây kiên cố và xe ô tô.
Có thể khẳng định, việc đưa cây cao su vào trồng tại 3 huyện vùng thấp của tỉnh là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn, bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh ta tương đồng với vùng ấm của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và một số tỉnh trong khu vực Tây Bắc nước ta đã và đang rất thành công trong việc trồng và khai thác sản phẩm cây cao su từ hàng chục năm nay. Điều đó chứng minh, trong một vài năm tới, cây cao su cũng sẽ phát triển tốt ở Hà Giang. Xuất phát từ lợi ích đó, việc trồng cao su ở tỉnh ta chắc chắn sẽ đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả, thu hút được lao động nhàn rỗi, tạo việc làm ổn định, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giảm xói mòn đất, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Đặc biệt cây cao su, ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững, còn mang lại hiệu quả xã hội như: Giải quyết được hàng nghìn lao động làm công nhân trong toàn bộ quá trình sản xuất và hàng vạn lao động thời vụ, nâng cao thu nhập của người dân từ tiền lương, tiền công; kết cấu hạ tầng trong và ngoài vùng dự án như: Đường giao thông, cầu, cống, nhà trẻ, hệ thống điện sản xuất và phục vụ sinh hoạt, hình thành các khu dân cư tập trung có đời sống vật chất, văn hoá cao… được cải thiện đáng kể, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc. Đồng thời do cây cao su có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, đến năm thứ 3 đã khép tán, góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn và bổ sung cho đất một lượng phân hữu cơ lớn vào mùa lá rụng hàng năm, làm đất tơi xốp, làm sạch không khí, tạo cảnh quan môi trường có lợi cho sức khoẻ con người.
Hiện nay trên địa bàn 3 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình,tỉnh ta đã trồng thử nghiệm được 10 ha từ tháng 7.2008. Qua kiểm tra cho thấy, cây cao su đang sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của các huyện vùng thấp, đồng thời các huyện đang rất tích cực trong việc quy hoạch và vận động nhân dân có đất nằm trong vùng quy hoạch tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để hoàn thành trồng mới 1.000 ha cây cao su trong năm nay và dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 17.000 ha trong vài năm tới.
Anh Nguyễn Xuân Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang cho biết: Việc đầu tư trồng cây cao su ở Hà Giang phải đảm bảo hiệu quả, chuyển đổi nhận thức của nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đa dạng hoá các sản phẩm hàng hoá và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến…
Chúng ta cùng tin tưởng và hy vọng rằng, trong tương lai không xa, cây cao su sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn và tập quán canh tác của nông thôn Hà giang, là cây giảm nghèo và cây làm giàu bền vững ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển xã hội mới, quan hệ mới trong nông nghiệp của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc