Cần quan tâm hơn nữa đến các công trình thuỷ lợi
HGĐT- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có tổng số 994 công trình thuỷ lợi đang phục vụ tưới tiêu cho khoảng 8.000 ha lúa vụ Xuân và gần 19.000 ha lúa vụ Mùa. Theo đánh giá thực tế thì nếu 100% công trình thuỷ lợi hoạt động hiệu quả thì diện tích lúa được tưới tiêu ở cả hai vụ sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện tại, bởi có rất nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng cần được nâng cấp, sửa chữa cùng với đó là một số công trình chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những bất cập trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình...
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các Chương trình, Dự án như: HPM; DPPR; 135 và 134… nhiều công trình thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng. Các công trình đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, giúp các địa phương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng…Dù vậy, vẫn còn rất nhiều công trình bị hư hỏng nặng cần được khắc phục, sửa chữa cũng như có nhiều công trình chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi thì toàn tỉnh có 354 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng cần được sửa chữa, đặc biệt nghiêm trọng là số các công trình bị hư hỏng nằm chủ yếu ở các huyện trọng điểm lúa của tỉnh, đó là Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình…Những hạn chế đó xuất phát từ những khó khăn, yếu kém trong công tác quản lý vận hành cũng như ý thức của người sử dụng công trình.
Năm 2005, Công ty Xây dựng Thuỷ lợi Hà Giang, đơn vị thực hiện quản lý khai thác công trình thuỷ lợi giải thể, UBND tỉnh đã có Quyết định bàn giao các công trình thuỷ lợi đã được đầu tư xây dựng về các huyện, thị xã trực tiếp quản lý khai thác và bảo vệ. Sau khi có quyết định của tỉnh, các địa phương đã giao nhiệm vụ này cho cấp xã thực hiện thông qua hình thức thành lập các HTX hay các tổ quản lý, vận hành, điều tiết nước. Tuy nhiên, chính những mô hình mà các xã áp dụng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi. Thực tế cho thấy, các mô hình quản lýthuỷ nông ở các xã chưa thực sự hoạt động tốt, nhiều nơi hoạt động vẫn còn mang tính hình thức, thậm chí nhiều địa phương còn giao trực tiếp cho các thôn tự quản lý, khai thác. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ trong các tổ chức thuỷ nông cơ sở đều hạn chế về trình độ quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình bởi đa số họ là những người chưa qua đào tạo chuyên ngành cũng như chưa tham gia các lớp tập huấn của ngành chuyên môn. Những hạn chế trên đã dẫn đến tình trạng điều tiết nước không hợp lý, có nơi cần nước thì không có, nơi không thiếu nước thì lại thừa. Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc phát triển sản xuất. Mặt khác, những năm vừa qua, do tỉnh ta vẫn chưa thực hiện việc cấp bù tiền miễn thuỷ lợi phí cho dân theo quyết định của Chính phủ nên việc trả tiền công cho đội ngũ làm công tác vận hành các công trình thuỷ lợi ở cơ sở vẫn do người dân đóng góp. Đời sống của người nôngdân còn gặp rất nhiều khó khăn nên việc đóng góp hỗ trợcũng chẳng đáng là bao, do đó đội ngũ cán bộ thuỷ nông ở cơ sở có thu nhập thấp nên họ cũng không gắn bó, thiết tha với công việc mình đang làm…
Ngoài ra, việc bảo vệ, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn khách quan đó là do địa hình tỉnh ta phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều núi cao, suối sâu, diện tích đất nông nghiệp lại không tập trung dẫn đến các công trình thường phân bố nhỏ lẻ, hay bị hỏng hóc bởi những tác động của thiên tai, thời tiết. Cùng với đó, nguồn kinh phí cấp cho công tác duy tu, bảo dưỡng còn thấp so với số đầu điểm công trình thực tế cần được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của các huyện. Mặt khác, đội ngũ làm công tác quản lý, vận hành ở cơ sở đều không có trình độ chuyên môn nên rất khó để quản lý tốt cũng như thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng. Một trong những nguyên nhân quan trọng khác đó là ý thức của người dân trong việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi còn rất thấp, đặc biệt là đối với những công trình thuỷ lợi hệ tự chảy, người dân có khi còn đục khoét cả kênh mương để dẫn nước về ruộng của gia đình mình. Để khắc những hạn chế về trình độ quản lý, ý thức cũng như phương pháp sử dụng nguồn nước của cán bộ quản lý và người dân cần được nâng cao thông qua các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày, nhưng do không có nguồn kinh phí nên các ngành chức năng vẫn chưa tổ chức được các lớp đào tạo, tập huấn. Thế nên những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi, cũng như ý thức của người dân trong việc khai thác và bảo vệ công trình vẫn chưa được khắc phục.
Để các công trình thuỷ lợi trên địa bàn được quản lý khai thác và duy tu, bảo dưỡng tốt, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Trước hết, những người làm công tác quản lý khai thác và bảo dưỡng công trình ở cơ sở cần được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Song hành cùng với đó, tỉnh ta cũng nhanh chóng hoàn thiện việc cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí cho dân để các HTX, các tổ thuỷ nông ở cơ sở có kinh phí chi trả cho cán bộ, giúp họ có thu nhập ổn định, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công việc. Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, giúp họ nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý cũng như sử dụng các công trình thuỷ lợi. Sắp xếp, hoàn thiện công tác thuỷ nông ở cơ sở, tạo điều kiện cho các tổ chức thuỷ nông phát triển bền vững. Các ngành chức năng, các huyện, thị xã cũng như các xã cần nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ chức thuỷ nông cơ sở, từ đó chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp, kịp thời. Đối với những công trình thuỷ nông không phát huy hiệu quả cần có những giải pháp khắc phục hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng…
Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thuỷ nông trên địa bàn tỉnh rất cần có sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp và bà con nông dân toàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc