Yên Minh định hướng phát triển cho các xã, thị trấn qua chương trình phân vùng kinh tế

16:47, 18/03/2009

HGĐT- Nhằm giúp các xã, thị trấn khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiến tới phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, Huyện Yên Minh đã triển khai thực hiện chương trình phân vùng kinh tế ở 18/18 xã, thị trấn.


 
Gia đình anh Lục Tiến Văn, thị trấn Yên Minh phát triển kinh tế vườn đồi mỗi năm thu nhập trên 20 triệu đồng.

Bước một của chương trình phân vùng kinh tế đã hoàn thành. Kết quả đạt được trên cơ sở khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, xã hội của các nhà chuyên môn đã giúp các xã, thị trấn xác định rõ hướng phát triển kinh tế của từng thôn, bản.


Chương trình phân vùng kinh tế bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2008. Mục tiêu của chương trình nhằm xác định, phân vùng kinh tế trên cơ sở xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cụ thể đến từng thôn, bản trong toàn huyện, từ đó định hướng cho các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế dựa trên kết quả thu được từ chương trình. Do tầm quan trọng cũng như đặc thù công việc của chương trình là cần những người có chuyên môn, kinh nghiệm cao trên các lĩnh vực để nghiên cứu, định hướng cho các địa phương nên huyện đã quyết định thành lập tổ công tác phân vùng kinh tế của huyện. Tổ công tác có 5 thành viên do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng. Các thành viên đều là những người có kinh nghiệm, kiến thức sâu trên các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi...Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ công tác là xuống các xã, thị trấn trong toàn huyện, trực tiếp làm việc với lãnh đạo các xã để cùng xác định vùng kinh tế. Việc phân vùng kinh tế được thực hiện thông qua hoạt động khảo sát, đánh giá kỹ tình hình thực tế ở từng thôn, bản. Các thành viên tổ công tác phối hợp với lãnh đạo các xã khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh về cây trồng, vật nuôi truyền thống, tình hình phát triển cũng như khả năng mở rộng hoạt động thương mại dịch vụ; điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng…Qua việc đánh giá, khảo sát đó mới thảo luận và đưa ra những định hướng về phát triển kinh tế cho từng cụm thôn, bản. Ngoài việc định hướng phát triển, các vùng kinh tế cũng được định hướng trong công tác quản lý theo 3 nguyên tắc: Quản lý đô thị; quản lý theo nửa đô thị, nửa nông thôn; quan lý nông thôn. Để kịp thời cụ thể hoá chương trình nhằm chuẩn bị xây dựng nghị quyết cho Đại hội Đảng bộ các xã, thị trấn nên nhiệm vụ phân vùng kinh tế được huyện ấn định thực hiện trong vòng 2 tháng, từ đầu tháng 1 cho đến cuối tháng 2 năm 2009.


Thời gian ngắn, nhiệm vụ được giao nhiều, địa bàn rộng mà số thành viên tổ công tác chỉ có 5 người nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của mỗi thành viên trong tổ công tác, việc phân vùng kinh tế đã hoàn thành đúng thời gian quy định. 16 xã đã hoàn thành việc phân vùng kinh tế do các tổ trực tiếp thực hiện. Riêng thị trấn Yên Minh và xã Mậu Duệ, do đây là các xã trọng điểm phát triển của huyện nên việc phân vùng kinh tế do BTV Huyện uỷ Yên Minh trực tiếp thực hiện. Qua kết quả phân vùng kinh tế, lần đầu tiên các xã đã có định hướng phát triển kinh tế đến từng thôn, bản trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu và có sự đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn. Hầu hết các xã đều có từ 2 đến 3 vùng kinh tế trong điểm, bình quân mỗi vùng kinh tế có từ 3 đến 10 thôn bản. Có thể lấy ví dụ việc phân vùng kinh tế ở xã Mậu Duệ. Xã có 17 thôn, bản được chia thành 3 vùng kinh tế. Vùng 1 ở phố chợ trung tâm tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và được quản lý theo nguyên tắc quản lý đô thị. Vùng 2 bao gồm 7 thôn vùng thấp có điều kiện đất ruộng bằng phẳng tập trung phát triển trồng lúa hàng hoá chất lượng cao, sản xuất thành vùng tập trung (có xác định giống lúa cụ thể). Cùng với đó phát triển trồng rau hàng hoá, chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản. Quản lý vùng 2 theo nguyên tắc quản lý nửa đô thị, nửa nông thôn. Vùng 3 bao gồm 9 thôn vùng cao có điều kiện đất đồi rộng lớn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ và cây thức ăn gia súc (Riêng thôn Kéo Hẻn và Ngàm Soọc tổ chức thêm nuôi bò vỗ béo). Cùng với đó phát triển cây ngô nương gối thêm một vụ trồng đậu tương hàng hoá. Quản lý vùng 3 theo nguyên tắc quản lý nông thôn. Các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện đều đẫ được xác định vùng kinh tế trọng điểm một cách cụ thể giống như ở Mậu Duệ. Qua việc phân vùng kinh tế chung có thể thấy vùng kinh tế ở các xã, thị trấn đều tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Đối với các thôn vùng thấp có điều kiện trồng lúa nước thì phát triển sản xuất lúa nước gắn với sản xuất lúa hàng hoá, lúa chất lượng cao, đồng thời trồng xen canh cây ngô xuống ruộng 1 vụ; đối với các thôn vùng cao chủ yếu đất đồi, núi tập trung phát triển cây ngô nương xen gối với cây đậu tương; các vùng có điều kiện đất đai để trồng cỏ thì phát triển chăn nuôi gia súc trâu, bò, dê gắn với trồng cỏ chăn nuôi theo quy mô trang trại vừa và nhỏ; phát triển diện tích trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng đối với những thôn, bản có điều kiện đất đai, khí hậu thuận tiện; đối với những thôn ở trung tâm các xã, thị trấn trọng điểm còn tập trung mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống, chế biến thức ăn gia súc nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại…


Sau khi có kết quả phân vùng kinh tế bước, BTV Huyện uỷ Yên Minh đã thông quan và tiếp tục yêu cầu các đơn vị thực hiện các bước tiếp theo để chương trình được triển khai thực tế tại cơ sở. Qua đó, Đảng bộ các xã, thị trấn phải ra Nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế theo nội dung phân vùng kinh tế đã được thực hiện, mỗi thành viên BTV Huyện uỷ Yên Minh tham gia ý kiến đóng góp vào nghị quyết; sau khi ban hành nghị quyết, UBND các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện, phân công cán bộ chủ chốt xã gồm Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm phụ trách từng vùng cụ thể; tổ công tác phân vùng kinh tế huyện tiếp tục khảo sát, hoàn thiện về phân vùng kinh tế ở các xã, thị trấn. Xây dựng đề án phân vùng kinh tế của toàn huyện trên cơ sở nghị quyết và kế tổ chức thực hiện của các xã, thị trấn cụ thể, đầy đủ cho từng vùng, phát triển từng loại hàng hoá…


Từ trước đến nay, các nghị quyết về phát triển kinh tế ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa thực sự sát với tình hình thực tế, xây dựng chung chung, chưa cụ thể nên kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, không có tính bền vững. Do đó, những kết quả đạt được trong chương trình phân vùng kinh tế sẽ giúp các xã, thị trấn ra nghị quyết phát triển kinh tế một cách cụ thể, chi tiết dựa trên cở sở những đánh giá, khảo sát thực tế. Điều đó cho thấy, trong tương lai không xa, nền kinh tế của huyện nói chung và các xã, thị trấn nói riêng sẽ có bước chuyển biến mạnh và bền vững.


Tuyên Bình

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giúp người dân Vần Chải phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo
HGĐT- Xã Vần Chải (Đồng Văn) có 618 hộ với 3.025 nhân khẩu đang sinh sống ở 9 thôn, bản. Ngày trước Vần Chải là một trong những xã nghèo của huyện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo là do điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp; người dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi…
27/02/2009
Trăn trở một làng nghề
HGĐT- Nghe nói nhiều về thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn và rồi chúng tôi cũng có dịp tới thăm nơi có “làng nghề may” truyền thống này. Quanh co, trập trùng núi cao vực sâu, con đường dẫn chúng tôi đến với Phố Bảng.
25/02/2009
Vụ Xuân trên đất lúa Quang Bình
HGĐT- Quang Bình được coi là “1 trong 3” vùng lúa trọng điểm của tỉnh, hàng năm cây lúa 2 vụ được trồng tại huyện trên 4.000 ha. Vụ xuân 2009, Quang Bình gieo cấy 1.905 ha. Huyện có 9/15 xã là vùng “tâm lúa”. Tại đây, cây lúa lai, lúa thuần, lúa thơm chất lượng cao được đưa vào thâm canh thành vùng sản xuất lúa hàng hóa trên 1.720 ha.
20/02/2009
Hiệu quả từ mô hình trồng nấm ở xã Phương Thiện
HGĐT- Với việc làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, đến nay, đời sống của người dân xã Phương Thiện (TXHG) đã cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, hiệu quả từ mô hình trồng nấm mang lại rất lớn.
20/02/2009