Tích cực trồng cỏ để phát huy thế mạnh chăn nuôi ở Mèo Vạc
HGĐT- Xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh hàng đầu, không chỉ tận dụng tiềm năng, lợi thế mà còn tích cực góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từ năm 2003 đến nay, huyện Mèo Vạc đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân trồng cỏ để phát triển chăn nuôi.
Chợ bò Mèo Vạc. |
Việc triển khai chương trình trồng cỏ được đưa xuống các địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển chăn nuôi; đồng thời, quá trình triển khai cũng chính là tuyên truyền, vận động làm thay đổi tư duy của người dân về việc chuyển đổi lối sản xuất tự cấp, tự túc sang tư duy sản xuất hàng hóa.
Ông Phạm Văn Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện tâm sự với chúng tôi rằng: Để chuyển đổi tập quán của người dân là cả một quá trình rất lâu dài. Ban đầu khi đưa chương trình trồng cỏ về các địa bàn, nhiều người dân còn cho rằng cỏ diệt không được thì trồng thêm để làm gì. Tuy nhiên, với sự đầu tư của Nhà nước thông qua việc hỗ trợ cho mỗi ha trồng cỏ ban đầu là 2 triệu đồng/ha cùng với chương trình cho các hộ trồng cỏ chăn nuôi vay vốn hỗ trợ lãi suất… đã từng bước giúp cho người dân thấy được ý nghĩa thông qua chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, nhiều nơi người dân đã tự giác trồng cỏ, không phải nhờ đến cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ đã tự nhân được giống cỏ, có nơi đã xuất bán được giống cỏ cho các địa bàn như Yên Minh, Đồng Văn…
Qua các năm, cùng với việc tích cực triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức các đợt học tập các mô hình tiên tiến, đến nay cơ bản người dân đã có những nhận thức tích cực về việc trồng cỏ. Thấy được hiệu quả từ việc trồng cỏ đối với chăn nuôi, nhiều nơi người dân không trồng cỏ ở những chỗ đất cằn cỗi, đất xấu như trước đây mà trồng ở những diện tích đất tốt để cỏ nhanh phát triển. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn huyện người dân đã trồng được trên 3.266,3ha, trong đó cỏ lưu gốc là trên 2.184,6ha, diện tích trồng mới đạt trên 1.081,6ha. Các địa phương có diện tích trồng cỏ khá lớn là Nậm Ban, Niêm Sơn, Khâu Vai, Niêm Tòng, Pả Vi… với diện tích cỏ chăn nuôi đạt từ 280 – 350ha.
Việc phát triển trồng cỏ đã thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo thống kê của huyện, tính đến cuối năm 2008, tổng đàn gia súc của huyện là 79.608 con, trong đó đàn trâu có 3.604 con, đàn bò là 23.534 con, đàn dê 27.299 con. Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy, ở những địa bàn có sự đầu tư phát triển trồng cỏ cùng với những thuận lợi từ tự nhiênthì tổng đàn gia súc ăn cỏ có số lượng vượt trội như xã Nậm Ban, Niêm Tòng, Niêm Sơn…
Xác định được khả năng có thể phát triển chăn nuôi dựa trên những tiềm năng của các địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ phát triển đàn trâu, bò toàn huyện lên 4,8 vạn con. Tuy nhiên, nếu không có những khó khăn như đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 hay một số dịch bệnh thì mục tiêu trên không phải là khó khăn đối với ngành nông nghiệp của huyện. Mặc dù vậy, với quyết tâm cao để có thể đạt được mục tiêu phát triển đàn trâu, bò cũng như các gia súc khác, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ và khuyến khích người dân mở trộng diện tích trồng cỏ, đẩy mạnh thâm canh để nâng diện tích trồng cỏ toàn huyện từ nay đến 2010 là 4,8 vạn ha.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như thời tiết, dịch bệnh, diện tích đất đai hạn chế, nhưng có thể nói, với sự đầu tư và triển khai có hiệu quả diện tích trồng cỏ chăn nuôi đã giúp cho Mèo Vạc trở thành một trong những huyện thu được nhiều kết quả từ việc phát triển chăn nuôi, khẳng định thế mạnh của địa phương. Đến với Mèo Vạc vào ngày cuối tuần, mọi người có thể được tận mắt chứng kiến phiên chợ buôn bán gia súc khá đông đúc và nhộn nhịp tại trung tâm huyện. Năm 2008, theo thống kê, toàn huyện đã xuất bán ra thị trường được khoảng 1.800 con trâu, bò, khoảng 3.000 con dê… Thương hiệu bò của Mèo Vạc nói riêng và của tỉnh nói chung đang ngày được khẳng định và có uy tín trên thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn lan đến các tỉnh miền trong.
Ý kiến bạn đọc