Đối phó trong thời điểm điện tăng giá
HGĐT- Theo Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ áp dụng tăng theo cơ chế thị trường từ ngày 1.3.2009. Theo Quyết định này, người sử dụng điện (kể cả điện trong sinh hoạt, sản xuất - dịch vụ) sẽ áp dụng 7 mức thay trong biểu giá mới.
Hãy sử dụng tiết kiệm điện để dành điện cho phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp.
Trong ảnh: Phun tưới cho vườn chè ươm giâm cành ở xã Thông Nguyên.
|
Cụ thể, biểu giá cũ được áp dụng thống nhất tính từ 100 số đầu tính lên, thì nay bắt đầu tính số đầu từ 50 số tính lên. Điện sinh hoạt ở bậc thang đầu tiên từ 1-50 kwh được bù giá bằng 35-40% giá bán điện bình quân năm 2009. Giá điện cho bậc thang từ 51-100 kwh bằng giá thành bình quân không lợi nhuận và các mức giá khác tăng theo quá trình sử dụng v.v... như vậy, giá điện tăng từ 1.3.2009 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt ở tỉnh ta như thế nào? Qua tính toán của ngành Điện lực Hà Giang (tính giá trị điện thương phẩm năm 2008) thì lượng điện phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp sử dụng hết 333.623 kwh; điện dùng trong công nghiệp, xây dựng 24.584.522 kwh; sử dụng trong dịch vụ - thương mại 4.940.923 kwh; điện sử dụng trong tiêu dùng, quản lý là 70.543.021 kwh; trong số đó, điện sinh hoạt là 63.364.698 kwh, chiếm xấp xỉ 70% tổng sản lượng điện của cả năm 2008 được ngành Điện bán ra.
Trong quá trình sử dụng điện, khách hàng lớn nhất của ngành Điện Hà Giang là hộ gia đình sống trong khu vực nông thôn chiếm 28.000 hộ. Điều đáng nói nhất là 28.000 hộ có mức sử dụng điện từ 50 kwh trở xuống (tức ở mức tính bậc giá thứ nhất, họ là đối tượng được Chính phủ ưu tiên bù giá 35-40%). Nói cách khác, tăng giá điện đợt này, tỉnh ta có gần 28.000 hộ nông dân được hưởng ưu đãi của Chính phủ để ngành Điện đảm bảo cấp điện sinh hoạt trong các khu dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tức người nghèo vẫn tiếp tục được hưởng lợi. Còn vượt quá con số tính toán của ngành Điện Hà Giang năm 2008 vừa qua, thì việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt. Cụ thể về điện sinh hoạt của các hộ sử dụng điện từ 51 kwh trở lên đến 100 kwh đảo lại sẽ phải chi phí thêm mỗi tháng là 17.250 đ. Nếu mức giá cũ ở 100 số là 55.000đ, thì mức giá mới sẽ tính thành 2 nấc thay tính giá phải mua là 50 số đầu giá mới là 600đ/số bằng 30.000đ, “cộng” thêm 50 số tiếp theo ở 100 số, giá mới là 865đ/số, bằng 43.250đ nữa, tổng phải trả là 73.250đ cho 100 số theo biểu tính giá mới. Nói như vậy để thấyviệc sử dụng điện ở 100 số trước thời điểm tăng giá và sau thời điểm tăng giá, người tiêu dùng đã phải trả thêm mỗi tháng 17.250đ (đấy là chưa kể trong quá trình sử dụng tăng lên mãi, thì mức áp dụng biểu giá mới thành 7 nấc sẽ áp theo quy định của ngành Điện được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 21/2009/QĐ-TTg). Và nói như vậy để thấy rằng việc sử dụng tiết kiệm điện đặt ra hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người, mọi ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Như vậy, trên địa bàn tỉnh, những hộ sử dụng điện không thuộc số 28.000 hộ có mức sử dụng điện sẽ phải “đối mặt” trước áp lực của giá điện mới. áp lực lớn nhất thuộc các ngành sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng. Ông Trần Hữu Nam, cán bộ phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang, cho biết: Mỗi tháng công ty sử dụng bình quân 410.000 kwh. Tính giờ dùng điện cao điểm ở công ty chiếm 12%; giờ thấp điểm 32%, giờ bình thường chiếm 56%. Quy tổng chi phí bình quân tính theo sản lượng sản xuất và sử dụng điện của năm 2008 vào một đơn vị sản phẩm (tấn) thì giá điện chiếm gần 12% giá thành/tấn sản phẩm. Còn giá điện tăng hiện tại cũng mức tính bình quân sẽ “đội lên” 2-2,5% nữa, tương đương từ 14-15,5%. Mức tính mỗi tấn sản phẩm giờ đây sẽ phải cộng thêm 14.105đ như vậy, việc tăng giá xi-măng là khó tránh khỏi để bù lỗ cho việc tăng giá điện.
Giải pháp để Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang đưa ra để ứng phó việc điện tăng giá, ông Chanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho rằng: Công ty đã phải đầu tư gần 28 tỷ đồng để đổi mới công nghệ và thiết bị, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành. Ông Trần Hữu Nam cho biết công ty đã phải thêm một lần nữa “tận dụng tối đa” sản xuất ở giờ thấp điểm để giảm chi phí tiền điện. Tại Công ty Cổ phần Giấy Hải Hà (Bắc Quang) ông Bùi Đức Thống, Giám đốc công ty cho biết: Mỗi tháng doanh nghiệp sử dụng gần 200.000kwh, phải chi phí thêm trên 20 triệu tiền điện. Đến giờ phút này, ngoài việc tiết kiệm tối đa để sản xuất, còn lại “cái gì, điểm nào... cắt được là... cắt điện”, để giảm chi phí tiền điện. Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí khoáng sản, Ma Ngọc Tiến cho biết: Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên gần 1,4% tính vào giá thành sản xuất/năm. Giải pháp đưa ra là: Khoán thời gian “làm ra” sản phẩm để tiết kiệm. Cắt toàn bộ thời gian làm thêm giờ. Cắt chi phí quản lý văn phòng, hội nghị, tiếp khách, cắt giảm các hợp đồng bốc xếp tới 15%, giảm tiết kiệm tối đa than, điện, nước và các chi phí sinh hoạt khác.
Như vậy, tăng giá điện lại một lần nữa “thêm gánh nặng” đè lên các ngành sản xuất cần tiêu tốn điện năng. Giám đốc, một số nhà quản lý khác cho rằng: Cùng sự suy giảm kinh tế, mất việc làm, tiêu thụ sản phẩm chậm... thì việc tăng giá điện đang là thách thức không nhỏ đối với việc sản xuất, kinh doanh. Đã đến lúc, sản xuất, kinh doanh phải cải tiến để tiến thêm một bước mới về công tác tổ chức quản lý, điều hành một cách linh hoạt. Đi cùng đầu tư công nghệ tiên tiến, cho ra các sản phẩm tốt hơn, có giá thành thấp hơn, nhưng phải đáp ứng yêu cầu thị hiếu, thị trường. Việc sử dụng điện trong sinh hoạt cũng cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, hợp lý nhất. Việc đăng ký, kinh doanh sử dụng điện cũng cần chặt chẽ, tỉ mỷ hơn để đảm bảo cả quyền, lợi ích giữa các bên trong việc sử dụng tiết kiệm điện hiện nay.
Ý kiến bạn đọc