Giúp người dân Vần Chải phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo

16:15, 27/02/2009

HGĐT- Xã Vần Chải (Đồng Văn) có 618 hộ với 3.025 nhân khẩu đang sinh sống ở 9 thôn, bản. Ngày trước Vần Chải là một trong những xã nghèo của huyện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo là do điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp; người dân thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi…


Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, xã đã có những bước phát triển đáng mừng trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá: Đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần; cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện…Để có được kết quả đó là nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã. Một động lực quan trọng khác giúp xã phát triển đó là Dự án Phân cấp Giảm nghèo (DPPR).


Xã Vần Chải là 1 trong 9 xã toàn huyện được triển khai, thực hiện Dự án DPPR từ năm 2005. Đến nay, qua gần 5 năm triển khai, các Hợp phần của Dự án đã giúp cho người dân trong xã về mọi mặt từ chuyển giao tiến bộ khoa học trong sản xuất, chăn nuôi, đầu tư trang thiết bị sản xuất, cây con giống, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến việc vay vốn xoá đói giảm nghèo. Sự đầu tư, hỗ trợ đó đã góp một phần không nhỏ giúp xã khắc phục những điều kiện hạn chế, yếu kém. Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được những mô hình sản xuất hiệu quả, những giống cây, con trồng mới có năng suất, sản lượng cao, Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết hợp với những mô hình trình diễn tại các thôn, bản. Chỉ tính riêng năm 2008 vừa qua, Dự án đã tổ chức được 2 lớp đào tạo về kỹ thuật trồng cỏ VA06 và đào tạo sử dụng vốn vay cho trên 60 hộ dân tham gia. Thực hiện thành công hai mô hình trình diễn trên đồng ruộng đó là: mô hình hướng dẫn, chăm sóc bón phân lần 1, lần 2 đối với cây ngô lai CP999 trên diện tích 0,5 ha, có 3 hộ dân tham gia; mô hình trồng cỏ giống mới VA06 trên diện tích 0,5 ha với 4 hộ tham gia thực hiện. Các mô hình trình diễn như trên không chỉ giúp người dân về kỹ thuật, giống mà còn mở ra cho toàn xã những hướng đi mới trong sản xuất, chăn nuôi. Ví như mô hình trồng cỏ VA 06, thực hiện mô hình chỉ có 4 hộ dân ở thôn Sủng Khúa B tham gia, sau khi tổng kết mô hình, nhờ hiệu quả và năng suất của cây cỏ VA06 cũng như những lợi ích của nó đem lại, cả thôn đã đăng ký với Dự án để mua giống trồng cỏ VA06. Trong năm 2008, Dự án cũng đã hỗ trợ cho người dân trong xã 73 thùng silô bảo quản; 28 bình phun thuốc trừ sâu; 91 máy tẽ ngô quay tay; 351 dao thái cỏ; trên 26 nghìn cây giống các loại; trên 7 tấn cỏ; thực hiện luân chuyển 9/19 con bò cho hộ nghèo vay chăn nuôi quay vòng…Các trang thiết bị sản xuất, cây, con giống đã thực sự phát huy được hiệu quả, giúp người dân ổn định sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Điểm nổi bật trong năm 2008 đó là Dự án đã hỗ trợ cho 240 em học sinh nội trú dân nuôi ở xã nhiều thiết bị, vật dụng cần thiết để đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày như: hỗ trợ 100 bộ quần, áo rét; 100 chăn bông; trên 4 tấn gạo cùng nhiều soong, nồi, chiếu, phản nằm…Nhờ có các thiết bị, vật dụng của Dự án, nhà trường đã duy trì tốt mô hình trường nội trú dân nuôi, tạo điều kiện cho các em học sinh yên tâm học tập. Cùng với việc đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi…Dự án cũng đã quan tâm đến hoạt động của các nhóm tín dụng trên địa bàn. Hiện nay cả xã có4 nhóm tín dụng tiết kiệm với 80 thành viên. Đến thời điểm hiện tại, số quỹ do các thành viên đóng góp và tiền đối ứng của Dự án đã lên đến gần 25 triệu đồng. Số tiền này đã được giải ngân cho 26 thành viên vay để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi.


Ngoài hoạt động hỗ trợ sản xuất, tín dụng tiết kiệm, Dự án cũng đã quan tâm đầu tư cho xã nhiều công trình phúc lợi xã hội. Trong năm 2008, tiếp tục triển khai thực hiện 5 công trình, bao gồm các công trình đường giao thông nông thôn, trụ sở thôn bản, văn phòng làm việc của BQL Dự án xã…Trong đó có 2 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện từ năm 2006 đến nay đều đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả, phục vụ đắc lực cho người dân trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.


Mặc dù xã đã có bước phát triển đáng mừng trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, nhưng hiện tại xã vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vẫn còn 396 hộ nghèo, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với nhiều vùng trong tỉnh. Do đó xã vẫn rất cần Dự án tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều chương trình hơn nữa, để người dân trong xã có thêm động lực bứt phá, vươn lên nhanh chóng trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trăn trở một làng nghề
HGĐT- Nghe nói nhiều về thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn và rồi chúng tôi cũng có dịp tới thăm nơi có “làng nghề may” truyền thống này. Quanh co, trập trùng núi cao vực sâu, con đường dẫn chúng tôi đến với Phố Bảng.
25/02/2009
Vụ Xuân trên đất lúa Quang Bình
HGĐT- Quang Bình được coi là “1 trong 3” vùng lúa trọng điểm của tỉnh, hàng năm cây lúa 2 vụ được trồng tại huyện trên 4.000 ha. Vụ xuân 2009, Quang Bình gieo cấy 1.905 ha. Huyện có 9/15 xã là vùng “tâm lúa”. Tại đây, cây lúa lai, lúa thuần, lúa thơm chất lượng cao được đưa vào thâm canh thành vùng sản xuất lúa hàng hóa trên 1.720 ha.
20/02/2009
Hiệu quả từ mô hình trồng nấm ở xã Phương Thiện
HGĐT- Với việc làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, đến nay, đời sống của người dân xã Phương Thiện (TXHG) đã cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, hiệu quả từ mô hình trồng nấm mang lại rất lớn.
20/02/2009
Tỉnh ta tập trung sản xuất vụ đông - xuân
HGĐT- Trong những ngày này, thời tiết đang có nhiều thuận lợi cho cây trồng vụ Đông - xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Bởi vậy, trên khắp các cánh đồng, không khí lao động sản xuất của nông dân đang diễn ra tương đối nhộn nhịp và khẩn trương.
18/02/2009