Công nghiệp khai khoáng đang mở ra nhiều triển vọng
HGĐT- Phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (khai khoáng) là một trong những mũi nhọn, ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để ngành này thực sự là “đầu tầu”, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, cần phải có chiến lược đầu tư theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tìm hiểu vấn đề khai thác, chế biến khoáng sản, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đình Tuý, Giám đốc Sở Công thương.
Phóng viên: Hà Giang đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản, đồng chí có thể giới thiệu khái quát về tiềm năng khoáng sản của tỉnh nhà?
Đồng chí Phạm Đình Túy: Những chuyến thăm dò, khảo sát của nhiều đoàn chuyên gia địa chất, khoáng sản tại các vùng, miền trên địa bàn tỉnh đã xác định được 175 mỏ, điểm mỏ với 28 loại khoáng sản. Trong đó, 4 nhóm quặng có trữ lượng lớn là Chì - Kẽm, Sắt, Mangan và ăngtimon. Đã phát hiện 7 mỏ, điểm mỏ chứa quặng ăngtimon; 19 mỏ, điểm mỏ Sắt; 15 mỏ, điểm mỏ Chì - Kẽm… Trong các nhóm khoáng sản chính, có 2 mỏ Sắt thuộc quản lý của Chính phủ là Tùng Bá (Vị Xuyên), Sàng Thần (Minh Sơn - Bắc Mê); 4 mỏ Chì - Kẽm, 3 mỏ Mangan được UBND tỉnh cho phép thu thập thông tin, khảo sát, đánh giá trữ lượng phục vụ công tác cấp phép khai thác sau này. Kết quả khảo sát trên là cơ sở, luận cứ khoa học có tính khả thi cao để tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư. Nguồn nguyên liệu khoáng sản của tỉnh rất phong phú, trữ lượng lớn, đáp ứng được chiến lược đầu tư, xây dựng các nhà máy luyện kim. Tuy nhiên, khoáng sản của tỉnh phân bố chủ yếu ở những địa hình phức tạp, xa đường giao thông, các mỏ, điểm mỏ phân tán nên cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư.
Phóng viên: Với tiềm năng, thế mạnh đó, tỉnh ta đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư và ngành Công nghiệp khai khoáng đang từng bước khẳng định vị thế?
Đồng chí Phạm Đình Túy: Đúng vậy, mấy năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường, triển khai các dự án đầu tư. Tổng số vốn các nhà đầu tư đã đổ vào lĩnh vực khai khoáng đạt khoảng 300 tỷ đồng, số vốn theo dự kiến các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp thuộc lĩnh vực luyện kim là 1.400 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư đó, đã có 5 mỏ, điểm mỏ Sắt; 6 mỏ, điểm mỏ Mangan; 4 mỏ, điểm mỏ, vùng mỏ Chì - Kẽm; 5 mỏ, điểm mỏ ăngtimon được cấp phép hoạt động. Hoạt động khai thác khoáng sản hàng năm đóng góp 20-25% tỷ trọng GDP, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện XĐGN, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi.
Phóng viên: Để phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng, đòi hỏi phải có quy hoạch, định hướng lâu dài, vấn đề này được thực hiện thế nào?
Đồng chí Phạm Đình Túy: Tỉnh ta xác định đến năm 2010 cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Xây dựng chiếm 34% tổng GDP, giá trị công nghiệp đạt 1.200 tỷ đồng. Đạt được điều này, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được quy hoạch phát triển ngành. Vì vậy, ngay từ năm 2006, Sở Công thương đã phối hợp với Liên đoàn Địa chất Đông Bắc, các ngành chức năng của tỉnh lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản Sắt, Chì - Kẽm, Mangan và ăngtimon. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng Chì - Kẽm, Sắt, Mangan đến năm 2020. Đối với quặng ăngtimon, Thiếc, Vonfram Chính phủ đã phê duyệt, Sở Công thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch. Định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng được xây dựng theo hướng chuyên sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Phóng viên: Đồng chí cho biết triển vọng phát triển ngành Công nghiệp khai khoáng thời gian tới?
Đồng chí Phạm Đình Túy: Sau nhiều năm thực hiện chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, Hà Giang đã vươn lên trở thành một trong những địa phương sản xuất ăngtimon hàng đầu của cả nước, có công nghệ luyện kim hiện đại, tạo ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn Quốc tế. Các tài liệu nghiên cứu mới nhất cũng khẳng định Hà Giang là 1 trong 5 tỉnh của cả nước có trữ lượng quặng Sắt lớn, đáp ứng được nguồn nguyên liệu sản xuất thép với quy mô từ 1 triệu tấn/năm trở lên... Như vậy, Hà Giang có đủ điều kiện xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp luyện kim đen, mầu cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy luyện kim cho 4 loại khoáng sản chủ yếu, gồm Sắt, Chì - Kẽm, Mangan, ăngtimon. Quặng sắt khai thác ở các mỏ Tùng Bá, Sàng Thần, Nam Lương, Lũng Rầy, Thâm Thiu, Suối Thâu với quy mô 1,5 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn cung cấp cho nhà máy luyện gang, thép quy mô 300 nghìn tấn sản phẩm/năm. Chì - Kẽm, công suất khai thác đạt 300 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm, tương đương 12 -15 nghìn tấn tinh quặng, trong đó 50% cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy luyện Chì thỏi quy mô 5 nghìn tấn/năm. Quặng Mangan, tiếp tụcđiều tra, khảo sát, thăm dò bổ sung để đầu tư nâng công suất khai thác các mỏ đạt 30 nghìn tấn quặng tiêu chuẩn 35% Mangan/năm, làm cơ sở xây dựng Nhà máy luyện Fero - mangan 4 nghìn tấn/năm. Vừa qua, tỉnh đã lựa chọn Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông xây dựng Nhà máy luyện thép tại cụm công nghiệp Tùng Bá - Thuận Hoà - Minh Sơn; Công ty Cổ phần Thép An Khang xây dựng Nhà máy luyện thép tại khu công nghiệp Bình Vàng với công nghệ phi cốc, công suất khoảng 500 nghìn tấn/năm; Công ty Cổ phần luyện kim màu Hà Giang xây dựng Nhà máy luyện Chì - Kẽm tại xã Tùng Bá (Vị Xuyên) hoặc Minh Sơn (Bắc Mê), công suất 20 nghìn tấn/năm; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Á lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện Fero-mangan tại Khu công nghiệp Bình Vàng…
Ý kiến bạn đọc