Trồng cỏ Vetiver chống xói mòn, bảo vệ đất

16:39, 19/01/2009

HGĐT- Hà Giang là một tỉnh miền núi ở phía cực Bắc của Tổ quốc, nơi có địa hình khá phức tạp, có nhiều dãy núi cao và cao sơn nguyên. Độ cao trung bình toàn tỉnh từ 800 đến 1.200m, nơi cao nhất ở phía Bắc và Tây Bắc, nơi thấp nhất ở phần trung tâm và phía Nam của tỉnh.


Căn cứ vào các đặc điểm sinh thái người ta chia Hà Giang thành 3 tiểu vùng đó là: Vùng núi đá vôi phía Bắc với độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, gồm nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát với chí tuyến Bắc có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Vùng cao nguyên phía Tây có độ cao trung bình của vùng từ 900 - 1.000m, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và sông suối hẹp. Vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình từ 50 – 100m. Địa hình ở đây là đồi núi thấp, thung lũng sông Lô càng xuống phía Nam càng được mở rộng. Hà Giang mang đặc trưng của khí hậu miền Bắc, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông khô hanh và lạnh. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,6oC - 23,9oC, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 10oC và trong ngày cũng từ 6 - 7oC. Mùa nóng nhiệt độ cao tuyệt đối lên đến 400C (tháng 6, 7); ngược lại mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối là 2,20C (tháng l). Chế độ mưa ở Hà Giang khá phong phú. Toàn tỉnh đạt bình quân lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 - 2.400 mm, riêng Bắc Quang hơn 4.000 mm, là một trong những trung tâm mưa lớn nhất nước. Dao động lượng mưa giữa các vùng, các năm và các tháng trong năm khá lớn. Nét nổi bật của khí hậu Hà Giang là độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh, đều có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, nhất là mưa lớn gây lũ đột ngột, lũ quét lũ ống thường xuyên xảy ra vào các tháng mùa hạ, gây trở ngại lớn cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Trong những năm gần đây mưa lũ, sạt lở, xói mòn đất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nhà nước và nhân dân.


Để khắc phục tình trạng trên nhà nước đã đầu tư khá nhiều tỷ đồng thực hiện các dự án xây kè cống nhằm chống xói mòn sạt lở đất. Tuy nhiên các dự án làm kè đó cũng chỉ được thực hiện ở những nơi trọng điểm, sung yếu, còn rất nhiều điểm dọc các bờ sông, tả luy hai bên đường đi ở khắp nơi trong tỉnh cũng cần phải được xử lý để chống sạt lở. Theo những thông tin mà chúng tôi biết thì trồng cỏ Vetiver sẽ là một cứu cánh có hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất mà các nhà chuyên môn ở tỉnh ta chưa bàn đến. Thiết nghĩ nếu có một cơ quan nào đó đứng ra chủ trì thực hiện một dự chương trình trồng cỏ Vetiver dọc theo các tuyến đường mới mở, ở những nơi đất trống, nơi có thể gây sạt lở thì sẽ hạn chế được tình trạng sạt lở đất như đã từng xảy ra.


Vậy cỏ Vetiver là? Nó có tên khoa học là Vetiveria zizanioides L. Đó là một loại cỏ bản địa mang tên Vetiver ở ấn Độ. ở Việt Nam người ta gọi là cỏ Hương bài hay cỏ Hương lau. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn gọi nó là Cỏ Thần vì nó có quá nhiều đặc điểm thần diệu mà ít loài có được. Thân mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1,5-2 m, lá ken dày đặc, phần gốc đẻ nhánh mạnh. Lá dài khoảng 45-100 cm, rộng 6-12 cm. Khi còn non có thể dùng làm thức ăn cho gia súc rất tốt. Nó có hệ rễ chùm rất dài, mọc thành chùm dầy, có thể cắm sâu xuống đất tới 3-4 m.Là loài có khả năng thích nghi rộng với các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau. Nó có thể mọc cả ở đất ngập nước, đất khô cạn. Tuy nhiên thích hợp nhất là ở những nơi có lượng mưa hàng năm khoảng trên 700mm để sau đó có thể tồn tại suốt thời gian khô hạn, đất chua (tới pH 3,0) hoặc đất kiềm (pH tới 12), đất mặn, đất phèn. Thích nghi rộng rãi với các nhiệt độ từ rất lạnh (- 140C) đến rất nóng (480C). Thích hợp nhất là ở nhiệt độ 18-250C.


Là loài cây rất dễ gây trồng và dễ chăm sóc, không tốn công sức. Khi trồng thành bờ rào, nó có tác dụng như một hệ thống lọc liên tục, giảm nước thoát đi và giảm việc phải đào mương thoát nước. Khi có hàng rào cỏ vetiver không cần làm thêm rãnh thoát nước như phải làm với các hệ thống cơ học khác, nước trên bề mặt đất sẽ được lọc qua hàng rào. Do hàng rào cỏ vetiver chiếm một khoảng không gian tối thiểu, nên có thể trồng cây khác (ví dụ như cây họ đậu) dọc theo bờ rào. Có thể trồng để chống xói mòn ở các sườn dốc của xa lộ hoặc đường xe lửa, dọc theo các bờ đê mới quanh ao hoặc hồ chứa nước...


Nhờ có hệ thống rễ phát triển dày đặc, cỏ vetiver có khả năng hấp thu một cách có hiệu quả các khoáng chất có độc tính từ nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trong đất và nước như các chất N, P, Al, Mg, Hg, Cd và Pb. Ngoài ra, nó còn giúp làm tăng độ phì nhiêu của đất một cách tự nhiên nhờ tác dụng giữ ẩm độ của đất, rễ và thân cỏ mọc dày đặc sẽ giữ lại chất trầm tích (đất, bùn...) nằm lại trên mặt đất. Còn thân, lá và rễ cỏ khi được vùi lấp vào trong đất sẽ phân hủy thành chất hữu cơ làm cho đất trở nên tơi xốp và thoáng hơn, cải thiện được đặc tính cơ học của đất. Ngoài ra từ rễ của loài cỏ Vetiveria zizanioides, qua chưng cất sẽ lấy tinh dầu được dùng làm dầu thơm và hương liệu trong xà bông thơm. Giá bán trên thị trường thế giới khá cao, khoảng 135USD/Kg tinh dầu cỏ vetiver.


Một bó cỏ vetiver được nhổ lên khỏi mặt đất tại Trung Quốc.

Do hạt vetiver vô sinh và rễ của nó cắm thẳng xuống đất nên loại cỏ này ‘’cố thủ’’ ở nơi nó được trồng. Vetiver không lây lan giống như thực vật xâm hại và không thể trồng nó từ mảnh thân được cắt. Khi vetiver được trồng thành hàng, chỉ có nước, không phải đất, có thể đi qua. Cùng với thời gian, mặt đất được ổn định vĩnh viễn. Vetiver chiếm ít diện tích và không cạnh tranh với các cây trồng lân cận.


Sau nhiều năm thí nghiệm và áp dụng, ông Grimshaw và ông John Greenfield, Kỹ thuật gia của Ngân hàng thế giới, đã nhận thấy sự hữu hiệu của Hệ thống Vetiver trong việc bảo vệ đất đai và giữ nước tại các vùng khô hạn ở ấn Độ. Do đó hai ông đã thành lập Mạng lưới Vetiver Quốc tế từ năm 1985 để phổ biến và khuyến khích các nước áp dụng Hệ thống Vetiver khắp thế giới. Các tiêu chuẩn và Cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật đã được Ngân hàng Thế giới cho phát hành trong “Quyển Sách Xanh”, và đã được dịch sang tiếng Việt.


Mạng lưới Vetiver Quốc Tế là một Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGO), lúc đầu được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới. Đã hơn 15 năm nay, TVN được sự tài trợ của rất nhiều cơ quan khác như Chính Phủ và Quốc Vương Thái Lan, Chính phủ Đan Mạch và nhiều Tổ chức được sáng lập ở Mỹ và Anh Quốc.


Mạng lưới Vetiver Việt Nam cũng đã được thành lập từ năm 2001. TS Phạm Hồng Đức Phước là Điều phối viên đầu tiên và hiện nay là TS Trần Tấn Văn. Trong vòng 6 năm, từ năm 1999 đến năm 2005, mạng lưới Vetiver Việt namđã được phát triển trên hơn 40 tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam:


Ở miền Bắc gồm các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh; Tại miền Trung có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, nhất là dọc theo xa lộ Hồ Chí Minh tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak ở Cao Nguyên;tại miền Nam có các tỉnh Đồng Nai, Biên Hòa, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Gò Công, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Châu Đốc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.Tôi được biết người ta đã trồng cỏ Vetiver để chống sạt lở ở các trọng điểm đê kè và đạt hiệu quả cao ở Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình rồi mở rộng ra nhiều địa điểm khác trên toàn quốc. Các dự án Giảm nhẹ thiên tai do AUSAID, OXFAM, các Tổ chức Phi Chính phủ v.v.. đang hỗ trợ nhiều tỉnh thành áp dụng trồng cỏ Vetiver trong việc giảm nhẹ thiên tai. Người ta đã áp dụng thành công trong viêc phòng chống sạt lở đất dọc theo hai bên tả luy đường Hồ Chí Minh. Vì hiện nay cỏ Vetiver rất nổi tiếng và được sử dụng ở rất nhiều nơi như vậy, cho nên tôi tin rằng cỏ Vetiver sẽ được quan tâm và phát triển ở tỉnh Hà Giang. Trước mắt xin đề nghị các BQL dự án DPPR ở các huyện Quang Bình, Yên Minh và Xín Mần – nơi thường xảy ra sạt lở đất nên xem xét việc xây dựng một số mô hình trồng cỏ Vetiver để làm hàng rào chống xói mòn, bảo vệ đất, dọc theo các tuyến đường mới mở.


Hoàng Văn Sơn (ST)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân có thêm lựa chọn giống lúa, lạc cho sản xuất năm 2009
HGĐT- Trong những năm gần đây, sản xuất nông - lâm nghiệp ở tỉnh ta có những bước phát triển mạnh mẽ. Năng suất cây trồng, sản lượng lương thực không ngừng tăng cao. Nhiều giống cây trồng được đưa vào gieo trồng đã giúp người dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên khá, giàu.
31/12/2008
Giải pháp tăng trưởng XNK hàng hóa qua cửa khẩu
HGĐT- Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2009 nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này dẫn đến sức mua trên thị trường giảm mạnh, hoạt động XNK hàng hoá cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Khắc phục khó khăn chung, ngành Hải quan đang nỗ lực cải cách hành chính, đề ra các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng XNK qua các
16/01/2009
Chuẩn bị hàng chính sách phục vụ đồng bào vùng cao
HGĐT- Để đáp ứng đầy đủ những mặt hàng tiêu dùng của nhân dân, nhất là đối với hàng chính sách phục vụ đồng bào vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ sửu sắp tới, ngành Thương mại tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo, phân bổ cụ thể đối với từng huyện và giao cho ngành chức năng quản lý theo dõi, giám sát.
15/01/2009
Sản phẩm nông nghiệp ở Quang Bình: Gắn liền với nhãn hiệu hàng hóa tạo sức cạnh tranh
HGĐT- Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện Quang Bình xác định, đến hết năm 2010, tập trung sản xuất hàng hóa nông sản theo quy hoạch vùng để tạo ra các sản phẩm tập trung, có quy mô, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
14/01/2009