Sản phẩm nông nghiệp ở Quang Bình: Gắn liền với nhãn hiệu hàng hóa tạo sức cạnh tranh
HGĐT- Nghị quyết BCH Đảng bộ huyện Quang Bình xác định, đến hết năm 2010, tập trung sản xuất hàng hóa nông sản theo quy hoạch vùng để tạo ra các sản phẩm tập trung, có quy mô, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Dùng các giải pháp hỗ trợ về giống, vốn và một phần lãi suất tiền vay ngân hàng để giúp nhà nông thúc đẩy sản xuất. Lấy công tác khuyến nông làm giải pháp kỹ thuật cơ bản đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Kết hợp công tác khuyến công để hỗ trợ đầu tư chế biến sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và các giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo đầu ra ổn định, đưa sản xuất phát triển bền vững.
Theo phương hướng đó, đến hết năm 2008, tức sau gần 5 năm chỉ đạo thực hiện, Quang Bình đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất mang tính chuyên canh, có định hướng. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao ổn định ở 9 xã với diện tích 1.500 ha/năm. Xuân Giang, Vĩ Thượng, Tiên Yên, Yên Bình, Tân Trịnh... là những vùng đất đai màu mỡ, có hệ thống giao thông phát triển, thủy lợi ổn định, đã trở thành các xã trọng điểm chuyên sản xuất lúa chất lượng cao. Các dòng lúa thơm, hạt dài, trong, dẻo, giàu dinh dưỡng, mỗi năm cho hàng chục ngàn tấn lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội, được đánh giá cao. Đến cuối năm 2008, Quang Bình đã hỗ trợ một số HTX đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chuyên chế biến gạo ngon. Dùng các giải pháp: Khuyến công, hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách để các cơ sở đăng ký mẫu mã, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa theo quy định hàng hóa mậu dịch toàn cầu WTO. Gạo chất lượng cao của HTX Ngọc Đường (Vĩ Thượng), Xuân Bắc (Tân Bắc) đã tham gia Hội chợ Thương mại các cấp, được đánh giá tốt, hứa hẹn những hợp đồng tiêu thụ lớn cho các năm sản xuất tiếp theo. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương là củ dong giềng, HTX Trường Giang đã sản xuất bột dong, miến dong 100% nguyên chất có đăng ký mã số, mã vạch, đăng ký y tế đảm bảo tốt về chất lượng, đã mở ra hướng đi tích cực đưa các sản vật địa phương từ “lợi thế” sang “ưu thế” hàng hóa cạnh tranh. Cây lạc, các sản phẩm từ lạc với diện tích quy hoạch 1.500ha/năm, sản lượng gần 2.000 tấn đã giúp nhà nông tận dụng đất 1 vụ sang trồng 1 lạc + 1 lúa/năm, thu lời cao hơn diện tích đất 2 vụ lúa thuần tuý. Hiện các sản phẩm lạc hàng hóa tập trung của Quang Bình phát triển khá toàn diện và ổn định qua các năm, tạo thói quen cho việc lưu thông trên thị trường, đang là lợi thế cạnh tranh mạnh trong các sản phẩm nông nghiệp tại địa bàn. Nói đến sản phẩm nông nghiệp, cây chè của huyện hiện nay được đánh giá rất cao. Chè đang cho thu hoạch là 1.647 ha, sản lượng búp tươi 6.000 tấn, giá trị hàng hóa mỗi năm thu từ chè trên 18 tỷ đồng. Cây chè, các sản phẩm chè chế biến đang tạo việc làm, thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân. Các nhãn hiệu chè Shan tuyết đặc sản: Nam Hải, Tân Mới, Xuân Mai... đã đi vào thị trường khắp trong, ngoài tỉnh. Chè Tân Mới, Xuân Mai đã ký được các hợp đồng tiêu thụ với khách hàng ở Trung Quốc, ở Tp Hồ Chí Minh với trên 60 tấn sản phẩm/năm (năm 2009). Điều đó khẳng định, các sản phẩm chè của Quang Bình đã được khách hàng trong, ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, về giá trị vốn có của dòng chè Shan tuyết địa phương, vốn là thế mạnh tiềm năng ở Quang Bình bấy lâu nay, giờ mới được khai thác đúng mức. Tất nhiên, rất cần duy trì chất lượng từ cơ sở sản xuất tạo sản phẩm và dịch vụ quảng cáo hỗ trợ thông tin để kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng. Qua khảo sát thực tế và đánh giá, năm qua là năm “nở rộ” các sản phẩm nông nghiệp được chế biến, đăng ký xuất xứ hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Quang Bình. Cùng các loại gạo chất lượng cao, chè xanh đa dạng mẫu mã, chủng loại là các loại mắm cá, thịt đóng hộp, rượu ngô... được chế biến theo các phương pháp truyền thống đậm tính vùng miền, bản sắc địa phương. Mỗi sản phẩm là một hương vị riêng để người tiêu dùng cảm nhận. Thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp chế biến ở Quang Bình làm cho người thưởng thức hiểu thêm về các nét văn hóa truyền thống đậm tính nhân văn về vùng đất, con người nơi này. Sự kết tinh trong sản phẩm chế biến, chính là sự lắng đọng âm hưởng giữa cái tình của người làm ra nó trong sự giao thoa văn hóa của xã hội.
Xuân này, về Quang Bình để cảm nhận vùng đất, tình người qua các sản phẩm làm ra từ nông nghiệp, qua bàn tay, óc sáng tạo, mới thấy hết sự giàu có của vùng đất mới. Đi qua Yên Hà, Xuân Giang, Hương Sơn... còn thấy cả một vùng cam ngọt trĩu cành. Với 699 ha cam đang cho quả, mỗi năm Quang Bình còn góp vào thị trường trên 4.000 tấn quả ngọt đặc sản. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quang Bình, anh Nguyễn Tiến Hưng, cho biết: Từ nay đến năm 2010, Quang Bình sẽ duy trì ổn định vùng lúa chất lượng cao tạo hàng hóa là 1.500 ha, sản lượng gần 7.000 tấn. Vùng chè hàng hóa 1.600 ha, vùng cam, quýt 1.000 ha... Tăng cường đầu tư thâm canh, đầu tư, chế biến và thúc đẩy các hoạt động thương mại, quảng bá... nhằm biến “ưu thế” thành “lợi thế” hàng hóa nông sản đủ sức cạnh tranh, hội nhập.
Với những gì đã làm, đang làm và đã có, đã hình thành, tin tưởng các loại hàng hóa nông sản ở Quang Bình sẽ làm cho cái Tết cổ truyền dân tộc sắp tới thêm đậm đà trong mỗi nhà ở khắp mọi miền đất nước. Và rồi nó sẽ theo kiều bào, khách du lịch vươn ra thị trường toàn cầu trong xu thế hội nhập, phát triển.
Ý kiến bạn đọc