Trồng thành công ngô vụ 2 trên vùng đá
HGĐT- Người dân các dân tộc huyện Mèo Vạc biết bao đời nay đã gắn bó với đá núi, lạch nước, bám trụ nơi biên cương, địa đầu Tổ quốc. Ai chưa từng đặt chân tới các huyện vùng cao núi đá thì không thể thấu hiểu được cái bền bỉ, kiên trì của những người người nông dân trồng ngô “trên đá”.
Ngược Quốc lộ 4C, lần lượt qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh và đến khi bạn nhìn thấy tấm Pa-nô: “Huyện Mèo Vạc kính chào quý khách” là thấy muôn trùng đá núi tai mèo nhấp nhô mọc chen lấn nhau như muốn cướp hết đi phần đất sinh sống, trồng trọt, chăn nuôi của người dân nơi đây. Các cụ xưa từng nói: “Trời không để ai thiệt bao giờ”. Trong bạt ngàn đá núi ấy, thiếu thốn đủ mọi mặt, nào là nước sinh hoạt, đất đai cho sản xuất nhưng bà con các dân tộc nơi đây vẫn bám đất, bám làng với ý chí bền bỉ, kiên cường mà khó ở nơi nào sánh được để trồng ngô “trên đá” luôn với tư thế chân đạp đá, tay cũng bám đá cõng trên lưng từng gùi đất đổ đầy những hốc đá trên núi để trồng ra những trái ngô, nguồn lương thực chính của bà con các dân tộc vùng cao.
Thời gian qua, huyện Mèo Vạc sau khi trồng khảo nghiệm giống ngô nếp lai MX4 vụ 2 tại xóm Sảng Pả A (thị trấn Mèo Vạc), qua theo dõi cho thấy: Cây ngô nếp lai MX4 có thời gian sinh trưởng ngắn, chiều cao của cây vừa phải nên chống chịu rất tốt với kiểu khí hậu vùng cao nhiều sương, nhiều gió lốc; tỉ lệ cây cho 2 bắp cao hơn hẳn những giống ngô nếp của địa phương và chỉ trong khoảng 2,5 tháng đã cho thu hoạch với năng suất luôn đạt từ 11 - 13 tạ/ha. Sau khi mô hình thử nghiệm thành công, huyện Mèo Vạc đã triển khai trồng vụ 2 loại ngô nếp lai MX4 trên diện tích đất hơn 90 ha của 4 địa điểm, gồm: Xã Lũng Pù; Sủng Trà; Sủng Máng và thị trấn Mèo Vạc.
Để đảm bảo cho việc trồng cây ngô giống mới kịp thời vụ, đúng tiến độ gieo trồng, ngay từ vụ năm 2008, huyện Mèo Vạc đã chủ động lãnh đạo bà con nhân dân phải xuống giống đúng thời vụ, theo cơ cấu giống mới, chủ yếu là các loại cây ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống ngô thuần của địa phương, như: Giống ngô lai VN 10; CP999; DK 888… Vì chỉ có như vậy mới đảm bảo được đúng tiến độ gieo trồng của năm và không chỉ vậy, qua đây còn tạo thành phong trào cho bà con nhân dân đưa các giống cây trồng mới, tiến bộ KHKT áp dụng vào trong sản xuất, dần xoá bỏ thế độc canh của các loại cây trồng thuần địa phương cho năng suất, sản lượng thấp.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Để đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao nhất trong việc áp dụng giống ngô nếp lai MX4 vào gieo trồng, huyện Mèo Vạc đã tổ chức cho cơ sở thành lập BCĐ trồng ngô nếp lai MX4 cũng như phân công các thành viên trực tiếp theo dõi quá trình gieo trồng, chăm sóc của nhân dân; Trạm Khuyến nông huyện có trách nhiệm tập huấn đầy đủ các bước kỹ thuật gieo trồng cho người nông dân. Với sự thành công của mô hình trồng ngô giống mới, qua trao đổi với một số nông dân trực tiếp tham gia mô hình đều có chung quan điểm với sự so sánh rất chất phác: “Qua vụ thu hoạch ngô nếp mới vừa rồi, nhà mình thu hoạch được nhiều lắm. Các anh xem, trước đây, với quả ngô thuần địa phương, 1 quả cho 1 con gà ăn còn thấy ít, thời gian trồng lâu; còn quả ngô giống mới vừa to, vừa để được lâu mà 1 con gà ăn lâu mới hết… Chắc chắn rồi, phải theo anh cán bộ nói, chỉ trồng giống mới thôi…!.”.
Từ việc mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới vào khảo nghiệm, cũng như áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, phá vỡ được thế độc canh của cây trồng địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên 1 đơn vị canh tác bằng hình thức luân canh, gối vụ, không cho đất nghỉ, với thành công trồng cây ngô nếp lai MX4 vụ 2 đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người lao động và còn giúp cho nhận thức của người nông dân được thay đổi.
Ý kiến bạn đọc