Trồng cỏ, nuôi bò hàng hóa ở Pả Vi
HGĐT- Trên đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, vượt đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ, giữa một vùng đá xám mênh mông xuất hiện một “ốc đảo” xanh ngợp của cỏ Voi, cỏ Goatêmala, đó là Pả Vi - xã động lực của huyện Mèo Vạc.
Thu hái cỏ chăn nuôi ở Pả Vi. |
Trong nhiều hình thức, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, mang lại đời sống no ấm cho nhân dân, thì Đảng bộ, chính quyền xã Pả Vi luôn quan tâm, chú trọng đến việc trồng cỏ chăn nuôi và nuôi bò hàng hóa. Đây là hướng đi được nhân dân ủng hộ cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Từ năm 2000, mô hình trồng cỏ chăn nuôi gia súc (cỏ Goatêmala, cỏ Voi) được thực hiện điểm ở Pả Vi, tại đây những loại cỏ này rất phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng, cây phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi đại gia súc của nhân dân. Đến nay, toàn xã có trên 145,3 ha cỏ, trong đó có 101 ha trồng chuyên canh, 100% số hộ của xã có diện tích trồng cỏ.
Nuôi bò hàng hóa ở Pả Vi.
|
Cỏ ở Pả Vi không những đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ mà đã trở thành hàng hóa cung ứng giống cho các xã trong huyện Mèo Vạc và một số xã của huyện Đồng Văn. Trong năm 2007, xã đã cung cấp hơn 50 tấn giống cỏ cho huyện Đồng Văn với giá 400 đồng/kg. Vào thời điểm này, 1 kg cỏ cho gia súc ăn giá 2.000 đồng, sau tết có thể lên đến 4.000 đồng/kg. Chợ bò Mèo Vạc 1 tháng 4 phiên, cỏ Pả Vi là nguồn thức ăn chủ yếu cho bò trong những ngày chợ. Riêng cung cấp thức ăn cho bò ngày chợ, mỗi phiên,nhân dân Pả Vi đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho hơn 100 con bò, mỗi con bình quân từ 4 – 5 kg cỏ. Như vậy, 4 phiên chợ bò trong 1 tháng, người dân Pả Vi bán được 2,5 tấn cỏ.
Giữa chập chùng núi đá, xóm Pả Vi Thượng, Pả Vi Hạ (2 xóm trung tâm của xã) được thiên nhiên ban tặng cho một địa thế bằng phẳng, đất đai màu mỡ, nằm dọc theo Quốc lộ 4C. Cả 2 xóm có khoảng 200 hộ, chủ yếu là người Mông. Qua đây, tin rằng ai cũng phải trầm trồ, thán phục trước sự tươi tốt, sức sống mãnh liệt của cỏ Goatêmala và khẳng định: Cỏ chăn nuôi gia súc ở Pả Vi tốt và đẹp hơn rất nhiều so với những nơi khác trong tỉnh. Có thể nói rằng, cỏ chăn nuôi là một biểu tượng độc đáo của Pả Vi.
Với những thuận lợi như gần trung tâm huyện, giao thông đi lại thuận tiện, luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng bộ, chính quyền huyện… Bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XVI, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Pả Vi đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển KT – XH trên địa bàn một cách bền vững. Một trong những thế mạnh đó của Pả Vi là nuôi bò hàng hóa. Với lượng thức ăn dồi dào, được hướng dẫn cặn kẽ về kỹ thuật chăn nuôi, có thể nói, đàn bò hàng hóa của Pả Vi có số lượng đông nhất, chất lượng tốt nhất so với các xã trong huyện. Hiện nay, toàn xã có tổng đàn bò 972 con, 100% các hộ trong xã đều có bò nuôi, hộ ít thì 2-3 con, hộ nhiều thì từ 10 con trở lên. Số bò trên thường xuyên được luân chuyển. Người dân Pả Vi đi mọi nơi trong huyện để tìm mua bò gầy về vỗ béo trong khoảng thời gian 2 đến 3 tháng thì xuất chuồng. Từ những con bò gầy, giá rẻ, qua bàn tay chăm chút của người dân Pả Vi, những con bò như thay hình đổi dạng, trở nên béo tốt, có giá trị cao. Những con bò xuất chuồng ở đây có giá từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Sản phẩm bò thịt của Pả Vi không những xuất hiện tại huyện, tại tỉnh mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đáp ứng được sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo uy tín, chất lượng đối với khách hàng. Từ việc chăn nuôi bò hàng hóa, bình quân người dân ở đây có thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng/năm. Song song với việc chăn nuôi bò hàng hóa, người dân ở đây còn duy trì giống bò tốt, chất lượng cao, hình hành những hộ nuôi bò giống để cung ứng giống cho các hộ trong xã, trong huyện.
Nữ Chủ tịch UBND xã Vàng Thị Sinh cho biết: “Những năm gần đây, đời sống của bà con nhân dân xã Pả Vi đã có nhiều thay đổi. Cùng với việc trồng ngô đảm bảo an ninh lương thực, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tận dụng, khai thác có hiệu quả những thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình trồng cỏ và nuôi bò hàng hóa. Đây là hướng đi đúng hướng để nhân dân XĐGN, vươn lên khá, giàu ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống”. “Ngoài cỏ Goatêmala, cỏ Voi, tới đây chúng tôi tiếp tục đưa giống cỏ VA06 vào trồng ở Pả Vi. ở đây người dân ý thức rất cao về việc trồng cỏ và nuôibò hàng hóa, chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của người dân về kỹ thuật trồng cỏ cũng như nuôi, chăm sóc bò cho nhân dân”. Đó là lời tâm sự của đồng chí Vũ Thành Lâm, Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện.
Mô hình trồng cỏ, nuôi bò hàng hóa ở Pả Vi thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao là có sự chung tay, góp sức rất lớn của các cấp, các ngành, đặc biệt là công sức, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng mang tính hàng hóa. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng không những trên địa bàn huyện Mèo Vạc mà còn ở các huyện vùng cao núi đá, những nơi có điều kiện phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế cũng như làm thay đổi tích cực nhận thức người dân vùng cao trong việc trao đổi, giao lưu hàng hóa trong nền kinh tế năng động.
Ý kiến bạn đọc