Cần đánh thức tiềm năng kinh tế thủy sản
(HGĐT)- Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi khá phong phú với 3 con sông lớn gồm sông Lô, sông Gâm và sông Chảy, hàng trăm con sông, suối nhỏ; khoảng 2.000 ha mặt nước ao hồ tự nhiên, nhân tạo và hàng nghìn ha mặt nước ruộng, đây chính là tiềm năng tự nhiên và điều kiện thuận lợi để phát triển và nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Năm 2007, diện tích mặt nước NTTS của tỉnh ta khoảng 1.800 ha. Trong những năm qua, các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh hầu hết đều được nâng cấp và kiên cố hoá. Các công trình đã phát huy được hiệu ích, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho vụ Đông - xuân nên không íthợp tác xã, thôn, bản ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh, HoàngSu Phì, người dân đã biết tận dụng mặt nước ruộng để nuôi cá ruộng kết hợp với thâm canh lúa. Những năm gần đây, tại một số nơi dọc theo hai bờ các con sông Lô, sông Gâm, nhân dân cũng đã lợi dụng mặt nước sông để nuôi cá lồng với khoảng 200 hộ nuôi gần 500 lồng cá, với các loại quý hiếm như cá Dầm xanh, Anh vũ, Chiên, Lăng, Bỗng, Chầy đất đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ. Còn ở các ao, hồ, mặt nước ruộng, các loài thuỷ sản được nhân tạo và đưa vào sản xuất từ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các loại cá Mè hoa của TQ; Trôi ấn Độ, Trôi Mirigan, Trê lai, Chim trắng, Rô phi đơn tính và một số loài thủy sản khác như Ba ba, ếch Nam Mỹ, ếch thái lan, Tôm càng xanh... về cơ cấu, các loài cá Trắm, Chép, Mè, Trôi chiếm tới 90%. Đặc biệt, năm 2006 tỉnh ta đã nuôi thí điểm thành công cá Hồi Vân tại huyện Quản Ba. Về sản lượng NTTS năm 2007 của tỉnh ta ước đạt gần 1.500 tấn và giá trị ước đạt 20.046 tỷ đồng. Có thể khẳng định NTTS của tỉnh ta trong những năm qua không chỉ làm đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của tỉnh. Theo số liệu điều tra, hiện nay toàn tỉnh có 50 trang trại NTTS, bình quân giá trị sản phẩm của một trang trại đạt gần 100 triệu/ năm. Ngoài ra còn có trên 20 HTX NTTS khác, với năng suất từ 3 - 4 tấn cá/ năm... Từ năm 2001 - 2002, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Thủy sản đã thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cho cá Bỗng sinh sản nhân tạo tại tỉnh, Đề tài được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu và cho chuyển giao công nghệ mở rộng sản xuất. Mỗi năm Trung tâm sản xuất và cung ứng cho dân nuôi được 8 -10 vạn cá Bỗng và được đưa vào cơ cấu đàn cá nuôi trong ao nước chảy ở các huyện phía Bắc, góp phần phát triển NTTS bền vững và có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2007, Trung tâm tiếp tục thực hiện Đề tài nuôi thử nghiệm cá Chiên trong ao nước chảy và tiến tới cho sinh sản nhân tạo vào năm 2009. Thực hiện Chỉ thị 131 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho ngành Nông, lâm nghiệp xây dựng chương chình nuôi trồng và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh đến năm 2015.Riêng trong năm 2007, Trung tâm Thủy sản đã thực hiện được một số đề tài khoa học về việc nuôi bảo tồn và cho sinh sản nhân tạo các loài cá quý hiếm như cá Bỗng, Dầm xanh, Anh vũ và tổ chức thả 5.000 cá Bỗng giống và các loại cá truyền thống khác về cội nguồn sông Lô, sông Gâm và các hồ thủy điện, hồ chứa để bảo tồn vàphát triển. Hiện nay Trung tâm đang tiến hành thử nghiệm nuôi các loại cá bản địa quý hiếm như: Anh vũ, Dầm xanh, Chầy đất được bắt tại sông Gâm về ươm nuôi bảo tồn và thuần hoá trong ao nước chảy.
Có thể khẳng định: Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã rất cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực NTTS song đến nay, nguồn lợi này vẫn chưa được khai thác một cách triệt để. Hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng gần 50% diện tích mặt nước chưa được đưa vào NTTS. ông Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Sở dĩ nhiều diện tích đất có tiềm năng phát triển NTTS của tỉnh ta thời gian qua chưa được đưa vào khai thác, sử dụng một phần là do nhận thức của người dân và của cấp chính quyền cơ sở về tiềm năng và hiệu quả kinh tế đối với nghề NTTS chưa thật đầy đủ, do đó chưa có sự đầu tư cho lĩnh vực này. Mặt khác điều kiện tự nhiên của nhiều vùng không được thuận lợi, việc điều tiết nước gặp nhiều khó khăn, nhất là về mùa mưa thường bị ngập lụt không giữ được cá nuôi, trong khi đó mùa khô lại không đủ mức nước sâu cần thiết để cho cá sống an toàn. Nhiều vùng, nguồn nước còn bị ô nhiễm, do sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản... Song nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do các địa phương chưa có được những chuyển biến tích cực trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, cơ cấu giống con nuôi vẫn chủ yếu là các loài thuỷ sản cũ, năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa có mô hình NTTS theo phương thức thâm canh. Diện tích nuôi theo phương thức bán thâm canh cũng chỉ mới có vài ba trăm héc-ta, tập trung ở các mô hình trang trại, còn lại chủ yếu vẫn nuôi theo phương thức quảng canh.
Từ thực tế đó, thiết nghĩ để khai thác được tiềm năng kinh tế thủy sản trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, chuyển giao tiến bộ KHKT về NTTS đến các hộ nông dân. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đối với một số huyện có tiềm năng cho phát triển NTTS lớn như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, thị xã Hà Giang và Bắc Mê... Theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2010 thì diện tích NTTS các sẽ loại đạt gần 3.002 ha. Trong đó, diện tích ao, hồ vừa và nhỏ là 1.874 ha; diện tích nuôi thả ở hồ thủy điện là 253 ha; diện tích nuôi cá ruộng là 846 ha và diện tích nuôi thủy đặc sản là 20 ha và nuôi cá lồng trên sông, suối là khoảng 800 lồng. Về sản lượng NTTS đến năm 2010 đạt 3.685 tấn trở lên, trong đó sản lượng nuôi trồng là 3.485 tấn; khai thác tự nhiên là 200 tấn và giá trị sản xuất NTTS ước đạt 123.137, 2 triệu đồng. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển NTTS của tỉnh, Trung tâm Thủy sản mỗi năm cần sản xuất và cung ứng được 30 triệu con cá bột; 4,5 triệu con cá hương, cá giống, trong đó giống cá đặc sản từ 1 - 1,5 triệu con. Đặc biệt các địa phương cần sớm có kế hoạch khôi phục lại hệ thống các ao, hồ trang trại NTTS đang bị bỏ trôi, các cơ sở ươm giống cũng cần được nâng cấp, xây dựng lại vừa đảm bảo là nơi nghiên cứu, lưu giữ giống gốc, vừa tham gia sản xuất, các loại giống thủy sản mới, có như vậy mới góp phần vào thúc đẩy kinh tế thuỷ sản của tỉnh ngày một phát triển.
Ý kiến bạn đọc