Bắc Mê hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2008
HGĐT- Năm 2008 sắp khép lại, kết thúc một năm mà ngay từ đầu năm, huyện Bắc Mê đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, thiên tai lũ lụt… đã gây thiệt hại lớn đến cây trồng, vật nuôi, làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo chuyển đổi mùa vụ mà huyện đề ra.
Ngoài ra do giá cả các loại vật tư, hàng hoá tăng cao, dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản và tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Song được sự quan tâm của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với sự nỗ lực của nhân dân, KT-XH năm 2008 của huyện tiếp tục có bước phát triểnnhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 15,3% (đạt 102% kế hoạch); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 10,2 tỷ đồng (đạt 127,5% kế hoạch), đời sống của nhân dân được nâng lên, chính trị ổn định, AN-QP được củng cố và giữ vững.
Là mảnh đất trù phú, giàu tiềm năng, huyện Bắc Mê có tổng diện tích tự nhiên gần 84 nghìn ha, trong đó hơn 55% diện tích đất nông, lâm nghiệp; có diện tích lúa nước tương đối lớn so với cả tỉnh. Để phát huy được thế mạnh của địa phương và thay đổi nhận thức của người dân, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã với mục tiêu quyết tâm chuyển đổi mùa vụ trong sản xuất vụ Xuân bằng việc cấy lúa Xuân sớm đạt từ 50- 60% trên tổng số hơn 600 ha diện tích lúa nước trên toàn huyện trước Tết Nguyên đán, nhằm làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phá bỏ tập tục canh tác lạc hậu, manh mún. Tuy gặp khó khăn do thời tiết bất thường, nhưng huyện đã kịp thời sử dụng nguồn ngân sách huyện và nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, đã thực hiện tốt các chính sách trợ giá giống, vật tư phân bón, do vậy diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính vẫn đạt kế hoạch đề ra và vượt so với năm 2007. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt xấp xỉ 22 nghìn tấn.
Sản xuất công nghiệp cũng có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt trên 44 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và hơn 28% so với năm 2007. Sản lượng một số sản phẩm tăng cao là quặng ăngtymon, chì, kẽm, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Tiểu thủ công nghiệp đã có sự hình thành và duy trì các cơ sở chế biến, có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường như rượu Phú Nam, chè Minh Sơn, Phiêng Luông, Yên Định, Yên Phú và hình thành cơ sở sản xuất mành cọ tại xã Yên Định. Năm 2008, huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển từ các nguồn vốn 134, 135, vốn Chia sẻ, cứng hoá trường lớp học, kiên cố hoá kênh mương, đường bê tông, cầu treo, vốn lòng hồ thủy điện… Các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn huyện được thực hiện đúng mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nguồn vốn cho đầu tư phát triển trên địa bàn, điều kiện cơ sở, vật chất như điện, đường, trường, trạm, trụ sở thôn, xã đến các hộ gia đình đều được nâng lên, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Trong lĩnh vực thương mại-du lịch cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đặc biệt trong thời gian qua, huyện đã được tỉnh chọn làm nơi tổ chức các hoạt động về văn hoá, du lịch và tổ chức thành công Hội chợ Thương mại-Du lịch lần thứ 2… đã thu hút được trên 5.400 lượt du khách đến tham quan, du lịch.
Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác văn hoá-xã hội cũng được quan tâm chú trọng, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh 6-14 tuổi đến trường trong năm học mới đạt 98%. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được cải thiện, tính đến nay đã khám và điều trị cho trên 44.300 lượt người, đạt 111% kế hoạch. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và tuyên truyền tốt về công tác KHHGĐ, tỷ lệ tăng dân số tự nhiêm giảm xuống còn 1,4%. Đồng thời thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ từ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn cho vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế hộ, được nhân dân sử dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất lương thực, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng chè, đồi rừng… Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các hộ nghèo, hộ đói giáp hạt, gặp thiên tai luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành thăm hỏi giúp đỡ kịp thời. Trong năm đã mở được 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 353 học viên, giải quyết việc làm cho 440 lao động, đã xoá xong 334 hộ nhà tạm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 29,5%…
Bước sang năm 2009, với các mục tiêu nhiệm vụ và phương hướng cụ thể, huyện Bắc Mê quyết tâm thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khoá VII đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 15,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 7,2 triệu đồng/năm, trong đó đặc biệt quan tâm đến nông lâm nghiệp-thuỷ sản, tốc độ phát triển và tăng trưởng của ngành Du lịch, dịch vụ.
Ý kiến bạn đọc