Văn hóa doanh nghiệp - xin đừng đánh mất
HGĐT- Chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp lại trở lên bức bách như hiện nay. Hàng loạt các vụ việc huỷ hoại môi trường vừa xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước là hồi chuông báo động về vấn đề này.
Những nhà máy được đầu tư theo công nghệ hiện đại, quy trình khép kín vẫn xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sản xuất của người dân; rồi khói bụi của các nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy sản xuất thép…cũng là vấn đề đáng báo động về ô nhiễm môi trường. Không ai có thể phủ nhận, vai trò của ngành Công nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Thế nhưng, khi những nhà máy đầu tư theo kiểu “ăn sổi”, người chủ doanh nghiệp không nhận thức rõ trách nhiệm đối với môi trường thì quá trình sản xuất sẽ gây ra những tác động xấu, đe doạ trực tiếp cuộc sống người dân. Để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bản thân các nhà máy sản xuất công nghiệp không có lỗi, nguyên nhân chính lại xuất phát từ phía người điều hành, quản lý hoạt động của nhà máy.
Các vụ việc xảy ra vừa qua, điển hình là hàng loạt nhà máy sản xuất bột ngọt xả nước thải chưa qua xử lý ra sông đã chứng minh khi người quản lý chỉ đặt lợi ích của một nhóm người lên trên hết thì họ sẵn sàng tàn phá môi trường, miễn sao lợi nhuận chảy vào túi họ càng nhiều càng tốt. Các nhà máy sản xuất công nghiệp được làm từ bàn tay khối óc con người và ô nhiễm của các nhà máy cũng do ý thức của con người mà ra. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng lại rất tiếc tiền khi đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Nhìn lại sự việc của nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải ta thấy sự tinh vi và ghê sợ trước ý thức của những người lãnh đạo doanh nghiệp và người trực tiếp điều hành hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Nhà máy được đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại nhưng mục đích chỉ để che mắt các cơ quan chức năng. Ngoài các bể chứa nước thải, nhà máy còn lắp đặt hệ thống đường ống ngầm chảy thẳng ra sông, rất tinh vi nên các cơ quan quản lý không dễ gì phát hiện được.
Trên địa bàn tỉnh ta, mặc dù ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất, khai khoáng chưa thực sự phát triển nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường không phải không có. Vấn đề ô nhiễm khói bụi của nhà máy xi măng chất thải của các nhà máy khai thác khoáng sản tràn xuống suối, vùi lấp ruộng vườn của dân vẫn còn xảy ra. Vẫn biết những sự cố đe doạ đến môi trường, ngoài nguyên nhân do hệ thống dây chuyền công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp chưa nhiều thì vẫn còn yếu tố quan trọng đó là nhận thức của người chủ doanh nghiệp. Khi được cấp phép hoạt động, doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Các nhà máy sản xuất công nghiệp, trước khi hoạt động, không thể thiếu được các thủ tục đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường và phương án xử lý chất thải. Khi trình đầy đủ các thủ tục, được cơ quan chức năng thẩm định, nếu đủ điều kiện mới được cấp phép hoạt động. Thế nhưng, khi được cấp phép rồi, các doanh nghiệp lại chỉ chú ý đến việc tập trung đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, nhanh chóng cho ra sản phẩm còn hệ thống xử lý chất thải chỉ được đầu tư qua loa.
Vẫn biết để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải cần khoản chi phí rất lớn, hơn nữa không phải nhà máy sản xuất công nghiệp nào cũng hiểu và có sự đầu tư đúng hướng cho hệ thống xử lý chất thải. Điều này cần sự kiểm tra, uốn nắn của các cơ quan chức năng, trên cơ sở những góp ý sẽ dần hoàn thiện sao cho vừa duy trì được hoạt động của nhà máy, vừa hạn chế thấp nhất những tác động xấu đến môi trường. Nhưng ở tỉnh ta, nhiều doanh nghiệp lại cố tình không chấp hành việc bảo vệ môi trường. Ông Vương Anh Cương, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Để uốn nắn, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, Sở đã nhiều lần tổ chức thanh tra hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhìn chung, sau những lần kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở đã từng bước hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định và giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Thế nhưng, cũng có một số cơ sở sản xuất công nghiệp luôn đối phó với cơ quan chức năng. Khi các đoàn thanh tra, kiểm tra đến họ ngừng sản xuất hoặc vận hành tốt hệ thống xử lý chất thải nhưng khi đoàn đi thì mọi việc đâu lại vào đấy. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn có những biểu hiện chống đối, cản trở đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ.
Sản xuất - môi trường - cuộc sống luôn có mối quan hệ chặt chẽ, tác động trực tiếp đến nhau, quyết định sự tồn tại của nhau. Nếu vì lý do nào chúng ta không thực hiện tốt, để mắt xích nào trong mối quan hệ này bị đứt gãy thì tác hại của nó sẽ vô cùng to lớn. Bất kỳ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào “cư xử” thô bạo với môi trường đều bị dư luận lên án, có thể bị tẩy chay hàng hoá. Trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng hình ảnh, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Đây chính là uy tín trong kinh doanh, nếu chỉ vì một chút lợi nhuận sẽ làm phai nhạt hình ảnh trong người tiêu dùng như vậy những tác động sẽ rất lớn, có thể quyết định đến sự thành đạt hay phá sản của doanh nghiệp. Và vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy sản xuất công nghiệp bị phát hiện vừa qua đã làm phai mờ hình ảnh, nét văn hoá của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng. Đã có những nơi, người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay hàng do các doanh nghiệp đó cung cấp và doanh nghiệp còn đứng trước những vụ kiện. Qua sự việc trên cho thấy, các doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức để tạo dựng văn hoá riêng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhưng xin đừng vì chút lợi nhuận, đối xử thô bạo với môi trường để rồi tự đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng.
Ý kiến bạn đọc