Phong Quang, những cánh đồng rền vang tiếng máy cày
HGĐT- Là xã thuần nông của huyện Vị Xuyên, nhưng có lợi thế nằm sát thị xã Hà Giang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhờ tận dụng được lợi thế, những năm qua, bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của Phong Quang không ngừng thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển chính là việc đẩy mạnh áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra năng xuất và thúc đẩy phong trào thi đua làm giàu rất sôi nổi giữa các hộ dân và các thôn, bản trong xã.
Với lợi thế đất đai bằng phẳng, nên sản xuất nông nghiệp được Đảng bộ xã xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế. Để tạo nên sự phát triển mạnh, vấn đề đặt ra là cần phải nắm bắt và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đảng bộ xã đã xây dựng nội dung này trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra những kết quả khả quan, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất sôi nổi trong toàn xã.
Với diện tích canh tác bằng phẳng, khoảng hơn 555ha, tập trung nhiều ở các thôn Lùng Càng, Bản Mán… Bên cạnh đó, trình độ dân trí khá cao và đồng đều nên người dân rất dễ nắm được ưu thế của tiến bộ kỹ thuật. Từ đó, đến nay, người dân đã thi nhau đầu tư mua sắm được khoảng trên 70 chiếcmáy cày, bừa lớn, nhỏ. Nhiều gia đình đã tích cực trang bị các loại máy móc kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, chế biến nông sản như máy xay sát, máy tẽ ngô, đập ngô, máy thái thức ăn chăn nuôi…Riêng ở thôn Lùng Càng có 152 hộ dân thì đã có đến 51 chiếc máy cày. Được biết, giá chiếc máy cày loại nhỏ hiện nay khoảng 10 triệu đồng, máy loại lớn là khoảng hơn 20 triệu. Toàn xã còn có hàng chục chiếc máy tẽ ngô, máy xay sát, chế biến thức ăn vừa và nhỏ… Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ hàng chục hộ vay vốn hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác khuyến nông xã đã tích cực xuống các cơ sở hỗ trợ, tư vấn cho bà con về kỹ thuật phát triển trồng trọt, chăn nuôi…
Máy móc đã làm tăng năng xuất và sản lượng nông nghiệp lên rõ rệt, đời sống của nhân dân trở nên khấm khá hơn. Đến nay, bình quân lương thực đầu người của xã đạt 420kg/người/năm, chưa kể đến các giá trị chăn nuôi và các lĩnh vực khác. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm một cách đáng kể. Nếu như năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 51% thì đến tháng 6/2008 giảm xuống còn 36,6%.
Việc áp dụng máy móc đã giải phóng sức lao động của người và gia súc, vì vậy, người dân trong xã có thêm nhiều thời gian để tham gia lao động ở các lĩnh vực khác như chăn nuôi, buôn bán. Trên cánh đồng và trang trại, những chiếc máy cày đã giải phóng sức trâu, bò, từ đó tạo điều kiện cho việc chuyển chăn nuôi đại gia súc sang hướng hàng hóa. Do đó, đàn trâu, bò của toàn xã đến nay phát triển được 1.318 con, tạo ra một thế mạnh kinh tế không nhỏ...
Đầu ra cho nông nghiệp cũng hết sức thuận lợi, với lợi thế “đi tỉnh gần hơn đi huyện”, việc tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân luôn được đảm bảo. Các sản phẩm ngô, lúa, lạc, đậu đỗ, rau cỏ… ngoài việc sử dụng cho phát triển chăn nuôi cũng rất dễ dàng tiêu thụ. Sản phẩm từ chăn nuôi cũng có được thị trường tiêu thụ khá tốt, từ đó, giúp cho các hộ nông dân luôn yên tâm sản xuất.
Đến thăm gia đình anh Lương Văn Phình, dân tộc Tày ở thôn Lùng Càng, là hộ nông dân SXKD giỏi của huyện, được chứng kiến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, gia đình anh có 1 máy cày, 1 máy tẽ ngô, 1 máy đập bột ngô, 1 máy thái thức ăn gia súc… Gia đình anh có 3.000m2 lúa, 1 ha trồng ngô, cỏ chăn nuôi...nếu làm bằng sức trâu như trước đây thì phải mất hàng tuần mới làm xong. Từ khi có máy cày đã giúp tiết kiệm được thời giờ và sức lực, tăng năng xuất lao động. Từ diện tích trên, mỗi năm gia đình thu được trên 3 tấn lúa, 8 tấn ngô và nhiều hoa màu khác ước tính khoảng 40 triệu đồng. Nhờ máy móc kỹ thuật, gia đình anh có điều kiện để tập trung cho chăn nuôi và buôn bán, hiện gia đình anh có 5 con trâu, 9 con lợn, 200 gà đẻ, trên 100 con gà thịt… Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi thu hàng chục triệu/năm. Còn hàng chục hộ gia đình khác trong xã đã tích cực đưa máy móc vào sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi thu nhập hàng chục triệu đồng/năm như gia đình ông Đặng Xuân Hồng, Hoàng Văn Sơn, Hoàng Xuân Phó… Qua đó, đã khích lệ được phong trào thi đua sản xuất, xóa nghèo và vươn lên làm giàu giữa các hộ dân và giữa các thôn, bản trong xã.
Với những kết quả trên, có thể nói, Phong Quang được coi là một trong trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Chủ trương đúng của xã cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đó là một trong những điều kiện làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn nơi đây.
Ý kiến bạn đọc