Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở xã Mậu Duệ
HGĐT- Xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh, có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, góp phần vào công cuộc XĐGN, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mậu Duệ (Yên Minh) lần thứ XVII (2005 - 2010) xác định rõ chủ trương đẩy mạnh chăn nuôi hàng hoá, phát triển diện tích trồng cỏ. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, đến nay các mặt phát triển KT - XH đã có bước phát triển đáng kể, trong đó lĩnh vực chăn nuôi hàng hoá đang dần trở thành thế mạnh của xã.
Do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, rét đậm từ đầu năm nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của nhân dân. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phòng, chống sự tác động của thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm nên qua những đợt thiên tai, dịch bệnh chưa có thiệt hại lớn. Với lợi thế có nhiều diện tích đất đồi, xã đã chủ trương mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đến nay toàn xã đã phát triển được hơn 63ha cỏ Goa - tê - ma - la và cỏ Voi.
Với việc quan tâm, chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hoá, cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi, người dân ở Mậu Duệ đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn mua giống vật nuôi. Trong năm 2008, toàn xã đã được giải ngân cho vay 2 tỷ 756 triệu đồng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi. Nhân dân trong xã cũng đã tích cực giúp nhau về giống như thông qua hình thức nuôi giẽ, giúp nhau về giống cỏ, về kỹ thuật chăn nuôi. Qua đó, đã từng bước thúc đẩy sự tăng trưởng về số lượng đàn gia súc, gia cầm các loại. Đến nay, mặc dù qua đợt rét hại đầu năm đã làm chết một phần đàn gia súc, gia cầm, nhưng nhờ sự chăm sóc và phát triển tốt nên số lượng đàn vẫn được duy trì và phát triển tốt. Theo thống kê, tổng đàn gia súc của xã hiện có 4.750 con, trong đó đàn trâu có 805 con, đàn bò có 1.270 con, đàn lợn có 1.860 con, đàn dê có 705 con, đàn ngựa 60 con. Tổng đàn gia cầm hiện có hơn 1 vạn con, trong đó chăn nuôi gà phát triển mạnh.
Ông Nguyễn Đức Công, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Duệ cho biết: Phong trào phát triển chăn nuôi của xã đang được nhân rộng, hiện nay, trong xã nổi lên các điểm điển hình phát triển chăn nuôi và trồng cỏ như thôn Ngàm Soọc, Kéo Hẻn, Phố Chợ... Tại các thôn trên, việc chăn nuôi được phát triển theo hướng tập trung, người dân đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, chọn giống và đặc biệt là tư duy về phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá đã được chú trọng. Từ chủ trương phát triển chăn nuôi mà xã đưa ra, đến nay, nhiều hộ đã tích cực đầu tư chăn nuôi lợn, toàn xã đã có 19 hộ chăn nuôi lợn theo hướng xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố và quy mô lớn, đem lại nguồn thu nhập khá.
Trong phong trào phát triển chăn nuôi hàng hoá xuất hiện nhiều điển hình như nông dân Mua Mí Lúa ở thôn Ngàm Soọc, gia đình ông hiện nay có 15 con trâu, 17 con bò, trong chuồng có từ 15 - 20 con lợn thịt và rất nhiều gia cầm các loại... Gia đình anh Thào Mí Súng ở thôn Ngàm Soọc, ngoài việc có nhiều gia súc, gia cầm, anh đang nuôi 1 đôi bò đã được trả giá đến 38 triệu đồng. Đến Mậu Duệ, chúng tôi có dịp tới thăm HTX Yên Hưng của ông Nguyễn Đức Chính, bản thân gia đình ông Chính hiện nay đang phát triển được đàn bò với 160 con; hiện ông đang cho các hộ trong xã Mậu Duệ và Mậu Long nuôi giẽ hơn 100 con. Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, HTX Yên Hưng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ dân trong xã Mậu Duệ cũng như các xã lân cận trong việc mở rộng diện tích trồng cỏ và chăn nuôi theo hướng hàng hoá.
Việc đẩy mạnh chăn nuôi hàng hoá trong những năm qua ở Mậu Duệ đã từng bước đem lại hiệu quả tích cực. Có thể nói, chuyển biến đầu tiên và quan trọng đó chính là nhận thức về vấn đề phát triển kinh tế hàng hoá và tạo ra phong trào thi đua XĐGN của người dân địa phương. Hướng chăn nuôi tập trung đang được mở rộng, qua đó đã tận dụng được các lợi thế của địa phương cũng như giải quyết nguồn lao động nông thôn. Nhờ tích cực phát triển chăn nuôi cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh tế trên địa bàn, đến nay, toàn xã đã có 28 hộ giàu, 174 hộ khá, 562 hộ trung bình trên tổng số 1.020 hộ toàn xã.
Ý kiến bạn đọc