“Lấy ngắn nuôi dài”- cách làm hay trong phát triển nông nghiệp ở Yên Minh

16:35, 24/10/2008

HGĐT- Anh Ngô Xuân Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh cho biết: Những năm gần đây, các cấp lãnh đạo huyện và Phòng đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng; từ những mô hình nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang phát triển nông nghiệp theo thế mạnh và “lấy ngắn nuôi dài”, phá vỡ thế độc canh của những giống cây địa phương cho năng suất, sản lượng thấp trước đây.


Đến nay, bà con nông dân đã sản xuất tập trung đi vào thế mạnh, theo hướng hàng hoá của từng vùng, miền. Do đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay của huyện từng bước đã tạo được thu nhập ổn định cho người dân từ nguồn sản phẩm nông nghiệp hàng hoá…


Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tại một số xã đã và đang phát triển nông nghiệp theo đúng chủ trương, định hướng của huyện đề ra. Du Già là một trong những xã khó khăn của huyện Yên Minh, có khá nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Khi chúng tôi đến xã cũng là lúc bà con nông dân nơi đây bắt đầu tiến hành thu hoạch lúa vụ mùa. Trên khắp các thửa ruộng lúa chín vàng, từng nhóm người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa. Chúng tôi hỏi một bác nông dân về tình hình vụ lúa năm nay có được mùa không? Bác cho biết: “Nhờ trời, sau khi xuống giống (mà toàn giống cây trồng mới đấy) thì thời tiết thay đổi, nắng, mưa thất thường nhưng cũng rất may là cây trồng của cả xã không bị ảnh hưởng nhiều lắm và nhờ cán bộ tập huấn, phổ biến kiến thức trồng trọt, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên vụ này được mùa lắm”. Vụ mùa này, toàn xã trồng được 132 ha lúa, đạt 100% kế hoạch giao, năng suất ước đạt gần 50 tạ/ha; cây ngô chính vụ trồng trên 730 ha, trong đó, diện tích ngô lai chiếm tỉ lệ khá lớn, năng suất đạt gần 25 tạ/ha. Ngoài cây trồng chính ra, bà con nông dân trong xã còn rất tích cực trồng thêm các loại cây khác như: Cây đậu các loại, cây khoai lang, cây sắn, lanh, mía... Cũng trong chuyến đi, chúng tôi còn đến xã Na Khê và theo lời anh Hưng nói đến đó để hiểu rõ ý nghĩa của câu “lấy ngắn nuôi dài”. Vụ mùa năm nay, xã Na Khê trồng được 146 ha lúa, đạt 100% kế hoạch giao; cây ngô trồng gần 340 ha. Ngoài việc gieo trồng những cây lương thực chính, nhân dân xã Na Khê còn tích cực phát triển các loại cây ngắn ngày để tận dụng tối đa diện tích đất, gồm: Cây đậu tương trồng được trên 100ha; trên 24ha cây rau, đậu các loại; hơn 11ha cây khoai lang; gần 10 ha cây mía… Nhìn chung, các loại giống cây trồng được triển khai xuống dân đều phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như việc biết tận dụng hết diện tích đất nông nghiệp và một trong những nguồn động lực để bà con tích cực phát triển lao động, sản xuất chính là do ngay từ đầu năm, nhiều công trình thuỷ lợi đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng nên một số diện tích ruộng 1 vụ được nâng lên 2 vụ và huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ lãi suất cho nhân dân vay phân bón thâm canh; công tác thâm canh tăng năng suất đã được người dân thực hiện tốt hơn. Do đó, tổng diện tích gieo cấy cả năm của huyện Yên Minh đạt trên 2.200 ha, đạt trên 100% kế hoạch; diện tích lúa thâm canh thực hiện được 2.057/1.490ha, đạt trên 138% kế hoạch; năng suất bình quân cả năm ước đạt gần 52 tạ/ha và tổng sản lượng lúa 9 tháng và cả năm 2008 ước đạt trên 11.400 tấn, tăng 736 tấn so với cùng kỳ năm 2007…

Cách làm hay ở đây mà theo như lời lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện nói là các loại cây ngắn ngày trước đây chỉ được trồng gối vụ trên các diện tích đất nông nghiệp sau khi thu hoạch. Nay người dân đã biết trồng xen kẽ vào các vườn cây ăn quả, giữa các luống ngô. Đây chính là cách làm hay mà nhiều nơi, nhiều vùng đã áp dụng thành công, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người lao động trên một đơn vị diện tích canh tác bằng cách quay vòng đất với các cây trồng ngắn ngày, nhiều hộ gia đình của huyện Yên Minh không những đảm bảo nguồn lương thực mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Điều quan trọng nữa là đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, phá vỡ thế độc canh của những giống cây địa phương cho năng suất, sản lượng thấp trước đây, chuyển mạnh theo hướng thị trường, khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp vùng cao.


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàn thành trồng mới 15 nghìn ha rừng nhờ cơ chế, chính sách và ý thức người dân
HGĐT- Lãnh đạo Chi cục Lâm nghiệp cho biết, Hà Giang được Chính phủ đánh giá cao trong việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng mới năm 2008 nằm trong Chương trình 5 triệu ha rừng của cả nước và Dự án đầu tư phát triển rừng ở 4 huyện vùng cao so với một số tỉnh trong khu vực.
29/09/2008
Quy hoạch phát triển công nghiệp - giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
HGĐT- Từ năm 2006-2010, tỉnh ta đặt phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 26,7%/năm; đến năm 2010, cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 34% tổng GDP, giá trị công nghiệp 1.200 tỷ đồng. Để đạt được điều này, ngay từ năm 2006, tỉnh đã lập quy hoạch định hướng bước đi cụ thể.
26/09/2008
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất - nhập khẩu
HGĐT- Với mục tiêu: “Phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tập trung thực hiện cải cách hiện đại hóa, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính”, ngay từ những ngày đầu năm nay, Cục Hải quan tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hải quan.
23/10/2008
Hợp tác xã Vận tải Trần Phú: Điển hình trong phát triển kinh tế dịch vụ
HGĐT- Hợp tác xã Vận tải Trần Phú được xem như đơn vị đi tiên phong, hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn thị xã Hà Giang, với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là dịch vụ vận tải hành khách, sửa chữa ô tô và dịch vụ hỗ trợ tham quan du lịch trong, ngoài tỉnh.
22/10/2008