Hoàng Su Phì 4 yếu tố làm nên vụ mùa bội thu

16:33, 31/10/2008

HGĐT- Với năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 50 tạ/ha, sản lượng thóc vụ mùa đạt trên 17.000 tấn, tăng trên 1.300 tấn so với vụ mùa năm 2007. Đối với đậu tương, năng suất ước đạt trên 13 tạ/ha, cao hơn năm trước từ 1 - 1,2 tạ/ha. Sản lượng đậu tương hàng hóa đạt trên 3.000 tấn. Vụ mùa năm 2008, được đánh giá là vụ bội thu nhất trong sản xuất nông nghiệp của huyện nhiều năm qua.


 
 Nhân dân thôn Ông Thượng, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) thu hoạch lúa mùa.

Tôi dừng xe bên lề Quốc lộ 4D đoạn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty để “ăn” cho no con mắt những thang lúa vàng lóng cứ xếp cao mãi, tựa những thang vàng được chàng khổng lồ trong huyền thoại bắc lên trời. Lúa mùa này thích lắm, những bô lão trong bộ áo chàm, nhuộm đen, cùng những cô sơn nữ tươi tắn ôm lúa về bên thùng đập cười nói hả hê. Đám thanh niên trai tráng, mồ hôi nhễ nhại ôm từng ôm lúa đập ùm ụp lên chiếc thùng gỗ, thóc vàng ào ào rơi. Chụp cho bạn tôi vài kiểu ảnh rồi gửi về đây nhé, lúa được lắm, đập cũng sướng. Được nhiều lúa, thu xong thằng này, đứa kia cưới vợ đấy, cưới đấy, thật mà...! Các bô lão nhìn đám trẻ lòng hể hả. Bọn thanh niên nam, nữ vừa làm, vừa đùa rỡn, lúa vàng bị đập vào thùng gỗ cứ ào ạt rơi mỗi lúc một nhiều tưởng như rộn lên trong âm vang của một vùng sơn cước. Lúa chạy theo triền đồi, theo thung lũng kéo dài từ Nậm Ty qua Nậm Dịch, qua Bản Luốc,... đâu đó đều một màu vàng óng ánh, theo thang bậc chạy dài mãi, cao mãi.


Dừng chân lại ở điểm gần nhất huyện, tôi hỏi một lão nông: Năm nay bác cấy lúa gì, được mùa không bác? Bà lão nhìn tôi: Bác cấy 2 loại: Giống 63 (San ưu 63) và 725 dê gì đó (D.ưu 725). Lúa tốt lắm, được lắm. Được như thế nào? Được bao nhiêu hả bác? ồ, được nhiều mà, bao nhiêu không biết đâu, nhưng được lắm. Có lẽ tôi chưa từng được ngắm nhìn, chưa từng được biết đến “tận cùng” của một lão nông khi được mùa bao giờ lại vui mà không thể tả nổi. Chỉ biết rằng: Trong lời nói, ánh mắt, còn có cả sự thư giãn của những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt theo thời gian làm nó gấp xếp lại. Vâng! đúng như vậy đấy. Nói chuyện về mùa màng, anh Đỗ Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì bảo tôi, năm nay Hoàng Su Phì được mùa nông sản là chắc trăm phần trăm. Còn chuyện làm ăn, mùa màng ra sao, anh cứ về phòng Nông nghiệp, kẻo không lại bảo ... “mất mùa do thời tiết, mà được ăn thì bảo là do “lãnh đạo” thì gay anh à. Anh Hoàng Hải Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Đến giờ phút này, Hoàng Su Phì đã thu hoạch được gần 50% diện tích. Căn nguyên để được mùa có 4 nét chủ yếu (không kể thời tiết khí hậu thuận lợi). Một là, cấy đúng kỳ, theo chỉ đạo, mạ sau khi gieo 25 ngày bắt đầu cấy và cấy trong tháng 5. Đến hết ngày 10.6, toàn huyện đã cơ bản cấy xong 3.395 ha lúa mùa. Sớm hơn cùng kỳ năm trước 15 ngày. Tức là yếu tố quan trọng nhất trong làm mùa là thời vụ đã được làm gọn, nhanh và đúng kỹ thuật. Hai là, có chính sách trợ cấp giống, phân bón kịp thời cho đồng bào trước vụ gieo cấy, để đồng bào chủ động, không bị động. Thực hiện cơ chế trên, tỉnh trợ cước phân bón 800 tấn, huyện hỗ trợ thêm 800 tấn, đảm bảo đủ để đồng bào thâm canh. Cộng thêm phân chuồng, phân xanh tại chỗ, chăm bón kịp thời. Ba là, công tác khuyến nông làm chặt từ mỗi thôn bản để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con. Bốn là, đưa giống mới chiếm tới 56% cơ cấu gieo cấy, đạt 1.901,2 ha, gồm San ưu 63, D.ưu 725, Kim ưu 725, HT1, DT122 và lúa thuần Trung Quốc, còn lại là Nếp địa phương. Ngoài những yếu tố nên trên còn có những tiến bộ trong đầu tư, nạo vét kênh mương tưới tiêu đảm bảo đủ nước. Đi cùng đó làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tất cả công việc trên đã làm nên một vụ mùa bội thu năm 2008.


Cây được mùa xếp sau lúa là đậu tương, các giải pháp về thời vụ, kỹ thuật, đầu tư... không khác lúa là mấy. Tuy nhiên, lịch gieo trồng được kết thúc nhanh, gọn. Bắt đầu gieo là 25.6 và kết thúc là 10.7 (dương lịch). Riêng cơ cấu giống mới chiếm trên 80% diện tích. Các loại giống chủ lực là: DT84, VX93. Thêm “một chốt” quan trọng nữa để đưa năng suất đậu tương vượt lên chính là đầu tư phân bón đủ, đảm bảo trên diện tích gieo trồng. Đúng nghĩa “nhất nước - nhì phân” còn ở đây là thời tiết thuận, giống tốt, phân bón đủ, kỹ thuật đúng.


Ngoài lúa, đậu tương thắng lợi, Hoàng Su Phì còn trồng 450 ha ngô mùa, năng suất bình quân đạt 26 tạ/ha. Trồng 97 ha lạc MD7 và giống L14, giống lạc xen lai, cùng 735 ha rau màu: Bí xanh, bí đỏ, đậu đỗ, củ cải... khác đều đã và đang cho thu hoạch, góp thêm vào làm thành một vụ được mùa nông nghiệp bội thu.


Tôi rời Hoàng Su Phì trong chiều tà của rừng thông đổ lá, mà nghe vẳng đâu đó tiếng lạo sạo của hạt thóc vàng, nhuộm óng chiếc quẩy trên lưng thiếu nữ thôn quê.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển biến trong phát triển chăn nuôi ở Pải Lủng
HGĐT- Đến thời điểm hiện nay, số lượng đàn gia súc, gia cầm ở Pải Lủng đã lên đến 12.245 con, trong đó chủ yếu là đàn bò, trâu, lợn, dê và ngựa… Đây là những loại gia súc được đông đảo nhân dân tập trung phát triển, vừa tận dụng được nguồn phân bón trong nông nghiệp, vừa trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao đang được ưa chuộng hiện nay trên thị trường, đặc biệt là đàn
31/10/2008
Phong Quang, những cánh đồng rền vang tiếng máy cày
HGĐT- Là xã thuần nông của huyện Vị Xuyên, nhưng có lợi thế nằm sát thị xã Hà Giang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, nhờ tận dụng được lợi thế, những năm qua, bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của Phong Quang không ngừng thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển chính là việc đẩy mạnh áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất
31/10/2008
Công ty TNHH Hùng Cường: Yếu tố con người là “chìa khóa” phát triển bền vững
HGĐT- Công ty TNHH Hùng Cường (Vị Xuyên) được thành lập cách đây gần 10 năm, với mục tiêu chủ yếu là kinh doanh thương mại tổng hợp, thu mua và chế biến chè xuất khẩu. Trong suốt quá trình phát triển, từ một nhà máy chế biến chè ban đầu, đến nay Công ty đã có tới 5 nhà máy chế biến chè đặt tại các vùng có lợi thế về nguyên liệu chè Shan tuyết tự nhiên và là vùng chè sạch bởi
29/10/2008
Phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp ở Bắc Mê
HGĐT- Kinh tế huyện Bắc Mê đã có sự khởi sắc, đặc biệt là lĩnh vực phát triển nông-lâm nghiệp trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện khoá VII (2005-2010).
29/10/2008