Sơn Vĩ phát triển mạnh cây đậu tương
HGĐT- Về xã biên giới Sơn Vĩ (Mèo Vạc), điều chúng tôi cảm nhận đầu tiên đó là tinh thần chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của xã đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa theo mục tiêu Nghị quyết XVI Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã đề ra là “Thực hiện 7 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm, XĐGN một cách bền vững đến năm 2010”.
Là xã biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc, xa trung tâm huyện 48 km, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế.... Song những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền huyện và các cơ quan, ban, ngành, xã Sơn Vĩ đã thực hiện đa dạng hóa cây trồng, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, chú trọng đầu tư phát triển và mở rộng diện tích cây đậu tương. Phát huy lợi thế tiềm năng của đất đai, lao động và chủ trương đưa đậu tương trở thành một trong ba cây trồng chính sau cây ngô, lúa, xã đã chú trọng phát triển cây đậu tương, coi đây là cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế. Tranh thủ sự giúp đỡ của các chương trình, dự án, sự tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền huyện, nhân dân xã Sơn Vĩ đã mạnh dạn mua giống đậu tương Hoa Kiều (Trung Quốc) để trồng. Kết quả cho thấy, giống đậu tương Hoa Kiều vỏ xanh rất phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, cây ít bị sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng đậu tương thơm ngon. Qua mô hình trồng thử tại một số hộ dân cho thấy cây đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Xã Sơn Vĩ đã tập trung gieo trồng 100% cây đậu tương Hoa Kiều theo hướng thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi từ trồng 1 vụ sang 2 vụ, nhằm tạo nguồn hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nếu như năm 2005 toàn xã gieo trồng 175 ha đậu tương, năng suất đạt 6,81 tạ/ha; năm 2007 gieo trồng 185 ha, năng suất đạt 7,04 tạ/ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây đậu tương nên năm 2008 xã Sơn Vĩ tập trung đầu tư thâm canh, phát triển diện tích và coi đây là một trong những cây trồng chủ lực. Toàn xã đã gieo trồng 226 ha, tăng 51 ha so với năm 2005, năng suất đạt 8,2 tạ/ha, tăng 1,39 tạ/ha so với năm 2005, thu nhập về đậu tương bình quân đạt 150 -180 kg/hộ/năm. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây đậu tương bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị canh tác. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Tương, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ, vui vẻ cho biết: Do tập trung đẩy mạnh phát triển cây đậu tương nên những năm gần đây nhân dân trong vùng đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cây đậu tương của xã đã dần trở thành vùng hàng hóa, cung ứng giống đậu tương cho các xã lân cận.
Phát huy những kết quả đã đạt được, xã Sơn Vĩ phấn đấu đến năm 2010 thực hiện gieo trồng đạt và vượt 264 ha đậu tương theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra. Tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích cây đậu tương bằng phương pháp thâm canh gối vụ, chuyển đổi đất trồng một vụ lúa sang trồng 2 vụ (một vụ lúa và một vụ đậu tương) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng đậu tương, tạo thành vùng hàng hóa.
Ý kiến bạn đọc