Quy hoạch phát triển công nghiệp - giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

16:46, 26/09/2008

HGĐT- Từ năm 2006-2010, tỉnh ta đặt phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 26,7%/năm; đến năm 2010, cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 34% tổng GDP, giá trị công nghiệp 1.200 tỷ đồng. Để đạt được điều này, ngay từ năm 2006, tỉnh đã lập quy hoạch định hướng bước đi cụ thể.


 
 Công nhân Nhà máy tuyển chì - kẽm Na Sơn (Tùng Bá - Vị Xuyên) phân loại quặng trước khi đưa vào dây chuyền.

Tỉnh ta có 3 vùng kinh tế với những tiềm năng, lợi thế khác nhau. Sự kiến tạo của địa chất đã mang lại cho chúng ta nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Kết quả nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan chuyên môn khẳng định: Hà Giang có nguồn nước với trữ lượng rất lớn, chất lượng tốt. Đặc biệt, hệ thống sông chính như sông Lô, sông Miện, sông Gâm, sông Chảy, sông Nho Quế, sông Bạc…với chiều dài chảy qua tỉnh hàng trăm km, độ rốc cao, nhiều vị trí có thể xây dựng nhà máy thuỷ điện. Các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng phát hiện 155 mỏ, điểm mỏ với 28 loại khoáng sản khác nhau phân bổ ở khắp địa phương trong tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quặng Fenspat, tập trung ở khu vực sông Chảy, khu vực Việt Vinh, Tân Quang (Bắc Quang), trữ lượng có thể đạt tới 300-400 nghìn tấn. Đã phát hiện 7 mỏ, điểm mỏ có chứa quặng Ăngtimon ở Mậu Duệ, Bó Mới, Bản Lỳ (Yên Minh), Vần Chải (Đồng Văn), Sơn Vĩ, Bản Trang (Mèo Vạc), mỏ Ăngtimon Mậu Duệ có trữ lượng lớn nhất, khoảng trên 330 nghìn tấn. Quặng Sắt đã phát hiện 19 mỏ, điểm mỏ, với dải quặng kéo dài 50-60 km từ huyện Quản Bạ qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên) đến huyện Bắc Mê. Quặng Chì - Kẽm cũng phát hiện được 15 mỏ, điểm mỏ… Bên cạnh đó, tỉnh ta còn diện tích rừng lớn, nhiều đồi, núi có thể trồng cây nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến.


Tuy nhiên, nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh phân bố rải rác và chưa được khảo sát đầy đủ nên phần nào ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, khai thác và chế biến. Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng trong nền kinh tế, làm đòn bẩy đưa tỉnh sớm thoát khỏi tình trạng nghèo, đòi hỏi có sự quy hoạch đồng bộ, làm định hướng cho sự ra đời của các nhà máy chế biến chuyên sâu. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của quá trình phát triển, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV, Sở Công thương đã hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2010, tầm nhìn 2020: Từ giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 26,7%/năm. Đến năm 2010 cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm 34% tổng GDP, giá trị công nghiệp đạt 1.200 tỷ đồng; năm 2015 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40% GDP, giá trị sản xuất đạt 2.450 tỷ đồng; năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.580 tỷ đồng, chiếm 45% tổng GDP.


Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, ngành công nghiệp năng lượng, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống tải điện, các trạm biến áp, còn tiến hành xây dựng các thuỷ điện dọc theo hệ thống sông của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến 2010, tổng công suất lắp máy của các công trình thuỷ điện đạt trên 400MW, sản lượng điện đạt 1,2-1,5 tỷ kWh/năm, giá trị sản xuất công nghiệp điện đạt khoảng 800-850 tỷ đồng. Từ năm 2010-2015 sẽ xây dựng hệ thống thuỷ điện giai đoạn II, nâng công suất lắp máy lên 600MW, sản lượng điện từ 2,4-2,5 tỷ kWh/năm, đến 2020 công suất lắp máy sẽ tăng lên 700MW, sản lượng điện đạt từ 2,8-3 tỷ kWh/năm.


Đối với lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, ngoài thăm dò, khai thác các mỏ đã được cấp phép, sẽ đầu tư xây dựng, hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đồng bộ; luyện kim cho 4 loại khoáng sản chủ yếu gồm Sắt, Chì - Kẽm, Mangan và Ăngtimon. Định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Quặng sắt khai thác ở các mỏ Tùng Bá, Sàng Thần, Nam Lương, Lũng Rầy, Thâm Thiu, Suối Thâu đạt quy mô 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó, 1 triệu tấn cung cấp cho nhà máy luyện gang, thép quy mô 300 nghìn tấn sản phẩm/năm. Quặng Chì - Kẽm, công suất khai thác được nâng lên 300 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm, tương đương với 12 -15 nghìn tấn tinh quặng,50% số quặng đó dùng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy luyện Chì thỏi quy mô 5 nghìn tấn/năm. Quặng mangan điều tra, khảo sát, thăm dò bổ sung để đầu tư nâng công suất khai thác các mỏ đạt sản lượng 30 nghìn tấn quặng tiêu chuẩn 35% Mangan/năm, làm cơ sở xây dựng nhà máy luyện fero - Mangan 4 nghìn tấn/năm… Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm cũng được coi trọng. Trong đó, chú trọng khuyến khích, kêu gọi và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Trước mắt, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu sợi dài với trữ lượng 120 nghìn tấn/năm, 80 nghìn tấn nguyên liệu sợi ngắn cho các nhà máy bột giấy bán hoá, bột giấy tẩy trắng, nhà máy chế biến gỗ...

Căn cứ vào hoạch định chung của tỉnh, một số nhà máy chế biến nông - lâm sản đã chủ động quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ quá trình hoạt động. Đi tiên phong là Nhà máy chế biến bột giấy Hải Hà (cụm công nghiệp Nam Quang - Bắc Quang). Vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản cụm công nghiệp Nam Quang giai đoạn 2008-2015 đang được triển khai nhằm chủ động cung cấp nguyên liệu, đảm bảo công suất chế biến lâm sản 3,2 vạn tấn/năm và hoạt động của nhà máy ván nhân tạo 1 vạn m3/năm. Diện tích quy hoạch gồm 24 nghìn ha rừng nguyên liệu sợi dài, trên 17 nghìn ha rừng nguyên liệu sợi ngắn. Vùng rừng nguyên liệu trải dài trên phạm vi 37 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với tổng vốn đầu tư trên 279 triệu đồng. Hiện nay, Nhà máy chế biến bột giấy Hải Hà đã đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Hải Hà - chủ đầu tư đã thu mua nguyên liệu tại các địa bàn được quy hoạch và bắt đầu triển khai dự án trồng rừng sản xuất.


Trên cơ sở quy hoạch chung, ngành công nghiệp của tỉnh đang phát triển theo đúng định hướng. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3.300 cơ sở sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất (theo giá cố định) đạt 480 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2006-2008 đạt gần 22%; đang triển khai xây dựng 19/25 dự án thuỷ điện theo quy hoạch đã được phê duyệt với tổng công suất lắp máy 441,5MW và 24/52 điểm mỏ khoáng sản Sắt, Mangan, Chì - Kẽm, Ăngtimon; hình thành, phát triển tốt ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, lắp ráp ô-tô; kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Nam Quang và khu công nghiệp Bình Vàng đang được tập trung đầu tư... Đây là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp địa phương. Sự tăng trưởng đó có ý nghĩa, tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Nhờ dự án, chúng tôi biết cách làm ăn mới...”
HGĐT- “Đến xã Niêm Sơn giờ có cá ăn rồi!…”. Đó là lời khẳng định của chị Lâm Thị Vy, Trưởng BQL Dự án DPPR xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc, khi đưa chúng tôi đến thăm 3 mô hình nuôi cá thịt của 3 hộ gia đình và 1 hộ thực hiện mô hình ao ươm cá giống tại thôn Nậm Chuầy. Cả 3 mô hình hiện đang phát triển rất tốt và có khả năng nhân rộng trên địa bàn xã…
26/09/2008
Thoát nghèo bền vững - thực trạng và giải pháp
HGĐT- Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - TBXH, tỉnh ta có 6 huyện vùng cao nằm trong số 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất nước (trên 50%) là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần, với 66.437 hộ; trong đó có 64.419 hộ, bằng 343.147 khẩu, chiếm 97,64% là người dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống ở 94 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đã được Chính
25/09/2008
Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng: Nâng cao thương hiệu, giữ vững uy tín
HGĐT- Được thành lập từ tháng 3.1993, đến nay Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Hà Giang đã có 15 năm xây dựng và trưởng thành. Từ năm 2006 trở về trước, Công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước, đến tháng 3.2006, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa.
25/09/2008
Cây “mũi nhọn” ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Hoàng Su Phì có 24 xã, 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 63.257 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 21,08%, bằng 13.333,97 ha. Nằm ở phía Tây của tỉnh, trên địa hình núi đất, dốc, chia cắt phức tạp; từ lâu, Hoàng Su Phì nổi tiếng về sản phẩm chè Shan tuyết, đậu tương, đậu phụ rất đặc trưng.
22/09/2008