Chăn nuôi bò hàng hóa ở Pả Vi đem lại hiệu quả kinh tế cao
HGĐT- Nằm cách trung tâm huyện lỵ Mèo Vạc 3 km, xã Pả Vi có nhiều thuận lợi hơn so với những xã khác trên địa bàn huyện là địa thế canh tác, gần chợ trung tâm huyện, giao thông đi lại thuận tiện. Được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền huyện, xã Pả Vi đã tiên phong thực hiện việc trồng cỏ chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi phiên chợ ở huyện Mèo Vạc, bà con nông dân xã Pả Vi đã đem bán từ 10 - 20 con bò.
|
Bám sát mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mèo Vạc lần thứ XVI đã đề ra; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua xã Pả Vi đã tập trung phát triển chăn nuôi bò hàng hóa gắn với việc trồng cỏ. Được sự quan tâm của Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, nhân dân xã Pả Vi đã mạnh dạn vay vốn nuôi bò và phát triển trồng cỏ để có nguồn thức ăn cho bò. Nhờ các chính sách hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi gia súc của tỉnh, huyện như: Vốn hỗ trợ cho nhân dân trồng cỏ, các mô hình bảo quản, chế biến thức ăn chăn nuôi... được đầu tư tại xã Pả Vi đã được nhân dân đồng tình ủng hộ nên khi các chương trình được triển khai thực hiện ở xã đều mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, hàng năm xã còn thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc nên trong những năm qua trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần thúc đẩy công tác chăn nuôi của xã phát triển mạnh.
Nếu như năm 2005, đàn bò của xã mới chỉ có 686 con, năm 2006 có 740 con thì đến năm 2008 toàn xã đã có 1.377 con bò. Số lượng tăng trưởng đàn bò của xã Pả Vi hàng năm tăng không nhiều, do nhân dân ở đây đã thực hiện phương pháp nuôi bò theo hướng hàng hóa như mua bò gầy về vỗ béo, sau một thời gian thấy có lãi đến các phiên chợ bà con nhân dân lại đem bán. Với đồng vốn quay vòng, 4 phiên chợ/1 tháng, nhiều hộ gia đình trong xã đã có thu nhập rất cao từ 3-5 triệu đồng/tháng nhờ nuôi bò vỗ béo. Với tổng số 459 hộ của toàn xã thì đến nay 100% các hộ gia đình đều nuôi bò, trung bình mỗi hộ nuôi 3 con; có 11 hộ trong xã nuôi từ 10 con bò trở lên. Tính đến năm 2008 này, trên 95% số hộ trong xã được vay vốn phát triển chăn nuôi. Không chỉ thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi bò hàng hóa mà xã Pả Vi còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng 101,3 ha cỏ thâm canh tại 2 xóm Pả Vi Thượng và Pả Vi hạ.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm quan một số hộ gia đình chăn nuôi bò hàng hóa kết hợp với trồng cỏ có hiệu quả ở trong xã, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi Vàng Mí Phình đã nhận xét: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay Pả Vi vẫn còn tồn tại một số khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu chậm được khắc phục...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết mà Đại hội XVI Đảng bộ huyện đã đề ra: Năm 2010 toàn huyện có 48.000 con trâu, bò, chăn nuôi gia đình tiếp tục được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; trong thời gian tới, xã Pả Vi sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh việc chăn nuôi bò hàng hóa, mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn gia súc phát triển; chuyển dịch đất xấu sang trồng cỏ chăn nuôi; duy trì giống bò tốt, chất lượng cao; hình thành hộ nuôi bò giống để cung ứng con giống cho các hộ khác trong và ngoài xã; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch bệnh, đồng thời làm tốt công tác kiểm dịch trên địa bàn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh và gia súc chết hàng năm.
Có thể nói, công tác chăn nuôi bò hàng hóa kết hợp với trồng cỏ ở xã Pả Vi bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo động lực thúc đẩy nhân dân phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập của các hộ gia đình. Sản phẩm chăn nuôi của xã đã thành hàng hóa có sức thu hút lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là những cơ sở để nhân dân xã Pả Vi tiếp cận với nền kinh tế thị trường, KHKT. Việc phát triển chăn nuôi bò hàng hóa đã làm chuyển biến nhận thức của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người biết buôn bán, biết trao đổi, giao lưu hàng hóa, dần phá vỡ thế độc canh cây ngô, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần không nhỏ trong công cuộc XĐGN của huyện Mèo Vạc.
Ý kiến bạn đọc