Quy hoạch, trồng rừng kinh tế góp phần XĐGN
(HGĐT)- Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra: Tăng cường đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ hàng năm đạt 55%. Trong những năm qua, được sự đầu tư hỗ trợ từ các chương trình, dự án, tỉnh ta áp dụng nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển rừng kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh công cuộc XĐGN.
Mô hình lâm nghiệp cộng đồng ở xã Yên Thành, huyện Quang Bình.
|
Cũng như nhiều tỉnh miền núi khác, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch phân chia 3 loại rừng và sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh ta đã được các cơ quan từ T.Ư đến tỉnh tiến hành một cách đồng bộ. Giải pháp được đề ra là tỉnh vận động nhân dân đẩy mạnh việc trồng rừng, giao đất giao rừng cho người dân quản lý. Thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án 661, Chương trình trồng 5 triệu ha rừng... do đó diện tích rừng của Hà Giang ngày càng tăng, vừa phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc, vừa tạo được nguồn thu nhập cho người dân.
Theo số liệu của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) những năm qua, mỗi năm tỉnh ta trồng mới khoảng 3.000 ha rừng các loại. Công tác phát triển rừng nguyên liệu ở các địa phương được đẩy mạnh. Diện tích rừng nguyên liệu trồng từ năm 2003 đến nay tỉnh ta đã trồng được hàng chục nghìn ha, gồm các loại cây như keo, luồng, sa mộc... Chương trình trồng sa mộc thu được kết quả đáng kể, toàn tỉnh đã có gần 10.000 ha sa mộc được trồng ở 4 huyện vùng cao phía Bắc và 2 huyện phía Tây. Các loại cây lâm sản cũng được tỉnh đưa vào trồng đạt hiệu quả cao như: Măng tre Bát độ, mây nếp, thảo quả.
Có thể nói việc trồng rừng và phát triển rừng là lợi thế không nhỏ của Hà Giang. Những năm trước đây thực hiện trồng rừng theo Chương trình 661 là mỗi xã trồng một ít diện tích, thì nay công tác trồng rừng được trồng tập trung ở một số xã để “rừng ra rừng” thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý, quy hoạch rừng đạt hiệu quả. Vì vậy, kết quả công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng trồng mới ở tỉnh ta trong thời gian qua đã thực hiện tốt chức năng cải tạo đất trống, đồi núi trọc và nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng trong năm 2007, toàn tỉnh bảo vệ được 83.799,7 ha rừng, đạt 100% kế hoạch giao; khoanh nuôi phục hồi rừng được 30.000 ha, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc rừng trồng các năm được 20.828 ha, đạt 100% kế hoạch; trồng mới được 12.595 ha rừng, đạt 115,6% kế hoạch. Công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng được triển khai thực hiện hiệu quả, trong năm 2007, kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong năm, được sự hỗ trợ của Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp (Viện Điều tra quy hoạch rừng) đã hướng dẫn tập huấn cho cán bộ Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, các phòng kinh tế, cán bộ các Ban quản lý Dự án 661 cơ sở cách thức sử dụng thành quả Bản đồ rà soát quy hoạch 3 loại rừng và các phần mềm ứng dụng...
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển rừng của tỉnh trong những năm tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền cho biết: Từ nay đến năm 2010, toàn tỉnh nâng độ che phủ rừng đạt trên 55%. Để đạt được con số này, mỗi năm toàn tỉnh phải trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ, xúc tiến tái sinh có bổ sung khoảng 15.000 ha rừng các loại. Đẩy mạnh công tác phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, coi trọng năng suất, chất lượng, kết hợp sản xuất nông-lâm nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác. Với chủ trương phát triển rừng sản xuất phải dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, tập trung ở những vùng có lợi thế cạnh tranh, sản xuất ổn định. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô vừa và lớn nhằm đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết thành HTX Lâm nghiệp. Trồng rừng kinh tế phải trở thành hoạt động mũi nhọn của ngành Lâm nghiệp, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến. ứng dụng công nghệ cao vào trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ quy hoạch theo hướng tăng diện tích đất cho phát triển rừng sản xuất từ 11,02% lên 26,2%. Điều đó có nghĩa là nhiều diện tích được chuyển sang rừng sản xuất. Tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng tập trung, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, giúp họ tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần đắc lực cho công cuộc XĐGN của tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc